Mới đây, thông tin minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng qua đời ở tuổi 82 đã khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng. Sinh thời, bà được mệnh danh là biểu tượng nhan sắc của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng, sau đó cùng gia đình di cư vào miền Nam. Bà sớm bén duyên với điện ảnh từ năm 16 tuổi sau khi đạt giải Nhất trong một cuộc thi tuyển diễn viên của hãng phim Mỹ Vân. Từ đó, người thiếu nữ Nguyễn Kim Phụng được chủ hãng phim đặt cho mình biệt danh Thẩm Thúy Hằng và gắn liền với cô từ đó.
Vai diễn đầu tay của Thẩm Thúy Hằng mang tên Tam Nương trong phim Người Đẹp Bình Dương. Từ đây, tên tuổi bà nổi lên như một hiện tượng điện ảnh lúc bấy giờ và đến gần hơn với khán giả cả nước. Cũng nhờ bộ phim đầu tay này, biệt danh “Người đẹp Bình Dương” đã gắn liền với cuộc đời bà đến hiện tại.
Sau khi vụt sáng thành sao từ vai diễn đầu tay, bà được hàng loạt đoàn phim gửi kịch bản mời đóng chính. Được biết, mức cát-sê mà bà nhận được sau một vai diễn tương đương với một kí-lô-gam vàng 9999 thời điểm đó.
Sau vai Tam Nương trong Người Đẹp Bình Dương, bà tiếp tục gây tiếng vang khi đóng vai Chức Nữ trong bộ phim huyền thoại Ngưu Lang Chức Nữ. Nhan sắc của bà trong phim gây ấn tượng mạnh và được ví như tiên nữ hạ phàm.
Sau khi bước lên nấc thang danh vọng với loạt vai diễn huyền thoại, năm 1969, bà thành lập nhóm làm phim riêng mang tên mình. Chiều Kỷ Niệm là bộ phim đầu tiên của hãng phim mang tên Thẩm Thúy Hằng do bà làm chủ. Những dự án sau đó do bà sản xuất như Nàng hay Ngậm Ngùi đều thành công vang dội và được công chúng đón nhận.
Trong suốt sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy của mình, bà có cơ hội góp mặt trong hơn 60 dự án phim, tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế, nổi bật nhất là LHP quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc). Sau năm 1975, bà tiếp tục tham gia những bộ phim điện ảnh Cách mạng như: Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu,...
Ngoài điện ảnh, bà còn tham gia và gặt hái thành công ở lĩnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương. Với nhan sắc ấn tượng và khí chất thanh tao, bà được mệnh danh là "Tứ đại mỹ nhân" Sài Gòn trước 1975, sánh ngang với Kim Cương, Kiều Chinh và Thanh Nga. Nhờ những cống hiến không ngừng nghỉ cho nền điện ảnh dân tộc, bà đã được nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Theo Tôn Nghệ Trân (Saostar.vn)