Báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin Stan Lee qua đời tại bệnh viện Cadars-Sinai, Los Angeles (Mỹ) vào ngày 12/11 theo giờ địa phương. Theo nguồn tin của TMZ, ngay từ sáng sớm hôm đó, gia đình Lee đã cho gọi xe cấp cứu tới nhà riêng.
Trong thông cáo báo chí, con gái J.C. Lee không tiết lộ nguyên nhân cha mình qua đời. Cô phát biểu: “Cha tôi luôn coi chuyện sáng tác là nghĩa vụ đối với người hâm mộ. Ông yêu cuộc sống của mình, công việc của mình. Gia đình yêu ông, và người hâm mộ cũng yêu ông. Ông là nhân vật không thể thay thế trong tim mỗi người”.
Cùng Jack Kirby và Steve Ditko, Stan Lee thuộc nhóm nghệ sĩ có công lớn đối với ngành truyện tranh nước Mỹ khi sáng tạo ra vô số siêu anh hùng mà mỗi nhân vật lại có đời sống phức tạp và những chuyến phiêu lưu lý thú khác nhau.
Từ chỗ sáng tác từng loạt truyện riêng lẻ, Lee tìm cách đưa các nhân vật vào đầu truyện chung, như cho Iron Man sát cánh bên Captain America, Fantastic Four song hành cùng Doctor Strange… Dần dà, ông tạo ra Vũ trụ Marvel khổng lồ, và là cơ sở cho hàng loạt tác phẩm điện ảnh, truyền hình chuyển thể sau này.
Stan Lee - tên thật là Stanley Martin Lieber - sinh năm 1922 tại Upper West Side, quận Manhattan, New York (Mỹ). Trong cuốn hồi ký Excelsior! xuất bản năm 2002, ông tiết lộ rằng gia đình mình gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ Đại Khủng hoảng.
Cha của Stan Lee khi ấy phải vất vả lao động, và hình ảnh đó đã hằn sâu trong tâm trí người nghệ sĩ tương lai. Ông viết: “Tôi cảm thấy điều quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân là có việc để làm, để bận rộn, để thấy mình được cần đến”.
Năm 17 tuổi, Lee tìm được việc tại công ty xuất bản do người họ hàng Martin Goodman sở hữu. Từ đây, ông bắt đầu viết kịch bản cho các đầu truyện tranh siêu anh hùng hoặc trinh thám. Khi Goodman tranh cãi với cấp dưới vào năm 1941, Stan Lee lập tức được cất nhắc lên làm chủ bút khi mới 19 tuổi.
Khi Thế chiến II xảy đến, ông tham gia sáng tác một vài đầu truyện phục vụ cho quân đội. Rồi đến khi chiến tranh kết thúc, Stan Lee trở lại công việc quen thuộc, sáng tác truyện về những người hùng giấu mặt, cao bồi, cảnh sát… Quãng thời gian này kéo dài khoảng 20 năm cho tới đầu thập niên 1960.
Lúc này, Martin Goodman bắt đầu nhận thấy sự trỗi dậy của thể loại siêu anh hùng và gợi ý cho Stan Lee giúp nhà xuất bản nối gót, dưới nhãn hiệu mới là Marvel.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1974, Lee hồi tưởng rằng ông muốn tạo ra “điều gì đó thật khác biệt, thật đặc biệt. Đó có thể là điều thị trường cần, nhưng sản phẩm phải là thứ chưa ai từng thấy”. Ông bắt đầu viết ra tóm tắt đầu tiên của tác phẩm sau này trở thành Fantastic Four để nghệ sĩ Jack Kirby bắt đầu sáng tác.
Tuy nhiên, bước ngoặt của truyện tranh siêu anh hùng thực tế gây ra nhiều tranh cãi. Jack Kirby luôn cho rằng ý tưởng về Bộ tứ Siêu đẳng đến từ chính ông. Năm 1989, ông thậm chí còn khẳng định với trang Comics Journal rằng: “Tôi và Lee chưa bao giờ hợp tác. Tôi vốn vẫn luôn tự viết câu chuyện của mình”.
Trước đó, vào năm 1970, Kirby chán ghét Marvel và quay sang đầu quân cho đối thủ DC Comics. Mãi tới năm 2014, tòa án mới dàn xếp ổn thỏa mọi chuyện. Kirby và Lee nay cùng được ghi là đồng sáng tác Fantastic Four.
Gây tranh cãi là vậy nhưng Bộ tứ Siêu đẳng giúp tạo ra nền móng vững chắc để Stan Lee cùng các cộng sự sáng tạo thêm hàng nghìn nhân vật siêu anh hùng khác sau này như Iron Man, Thor, Hulk, Spider-Man, Doctor Strange…
Khi sở hữu trong tay số lượng nhân vật đông đảo, ông bắt đầu cho các gương mặt xuất hiện chéo trong truyện của nhau, tạo ra một vũ trụ giả tưởng đầy hấp dẫn. Quãng thời gian ấy, động thái của Stan Lee và Marvel được cho là vô cùng khéo léo khi buộc fan của nhân vật này phải mua thêm truyện nếu thần tượng xuất hiện ở đầu truyện khác.
Bước sang năm 1972, Stan Lee có thêm nhiều đột phá trong công việc khi đưa nhân vật của Marvel lên mặt báo, xuất bản sách về thuở đầu của Marvel, hợp tác với Kirby lần cuối để cho ra truyện về Silver Surfer… Dần dà, ông trở thành gương mặt đại diện cho toàn công ty, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong ngành công nghiệp truyện tranh.
Thập niên 1980, Stan Lee chuyển tới Los Angeles. Lý do rất đơn giản: Hollywood. Ông muốn thấy những đứa con tinh thần do mình tạo ra có cơ hội đặt chân lên màn ảnh lớn, nhất là khi Batman hay Superman của DC đã sớm làm được điều đó.
Song, suốt hai thập kỷ sau đó, nỗ lực của Lee tỏ ra vô vọng, như bản phim đáng quên của Captain America hồi năm 1990 chỉ được phát sóng trên truyền hình, phiên bản phim 1994 của Fantastic Four bị dẹp bỏ vì nhiều lý do khác nhau…
Câu chuyện bắt đầu khởi sắc vào năm 2000, khi Fox và đạo diễn Bryan Singer trình làng bom tấn X-Men. Trong phim, Stan Lee sắm vai khách mời là một người bán xúc xích, và thương hiệu phim dị nhân hiện vẫn còn kéo dài đến tận ngày hôm nay.
Bước ngoặt lớn hơn cả xảy ra vào năm 2008 khi hãng Marvel Studios giới thiệu Iron Man, mở đầu cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Dù mang đến nhiều nhân vật còn xa lạ với đại chúng khi trình làng, Marvel Studios đến nay đã tạo ra thương hiệu điện ảnh thành công nhất mọi thời đại.
Sau 10 năm, từ Iron Man tới Ant-Man and The Wasp mới đây, các bộ phim của MCU đã thu tổng cộng 17,6 tỷ USD tại phòng vé. Con số đó sẽ còn tăng cao nhờ Captain Marvel, Avengers 4 hay Spider-Man: Far from Home trong năm sau.
Stan Lee hẳn vô cùng mãn nguyện khi giấc mơ điện ảnh từ thập niên 1980 đến nay đã đơm hoa kết trái. Ông vẫn thường xuyên góp mặt trong các tác phẩm với tư cách khách mời (cameo), gây hứng thú cho người hâm mộ.
Giờ thì Stan Lee đã có thể đoàn tụ với Joan - người vợ hiền mà ông hết mực yêu thương suốt 69 năm dài đã qua đời hồi 2017.
Theo Ngọc Nhi (Tri Thức Trực Tuyến)