Cơn sốt từ "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" được kỳ vọng sẽ kéo khán giả trở lại với phim truyền hình Việt trong bối cảnh phim Ấn Độ đang phủ sóng nhiều kênh nội địa.
Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng vừa lên sóng những tập đầu đã gây bão dư luận, khen chê trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng Người phán xử quá bạo lực trong khi Sống chung với mẹ chồng là tác phẩm cường điệu hóa, xa rời thực tế năm 2017.
Mặc lòng, 2 bộ phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện vẫn được khán giả chờ đợi từng tập. Nội dung, tình tiết của phim được bàn tán, dự đoán sôi nổi trên mạng xã hội. Báo chí truyền thông cũng tốn nhiều giấy mực trong việc bóc tách nhân vật, phỏng vấn nghệ sĩ.
Phim truyền hình Việt Nam từng bế tắc. Những cuộc xâm lăng ồ ạt của phim Trung Quốc, Hàn Quốc và mới đây là Ấn Độ từng đánh bại phim truyền hình nội địa suốt một thời gian dài. Do vậy, sức hút từ Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng được kỳ vọng sẽ kéo khán giả trở lại.
Cô dâu 8 tuổi là một bộ phim dài tập Ấn Độ được bàn tán. Ảnh: Today TV. |
Phim Hàn thoái trào, phim Ấn nghìn tập đổ bộ màn ảnh nhỏ
Phim truyền hình Trung Quốc và Hàn Quốc từng nằm ở thế “thượng phong” trên màn ảnh nhỏ Việt, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khán giả, từ trẻ em đến người già, từ công nhân viên chức đến bà nội trợ. Có thời kỳ, mở tivi ra là những phim cổ trang Hoa ngữ hoặc câu chuyện tình cảm sướt mướt của xứ sở kim chi.
Nhưng "vật đổi sao rời”, những kịch bản cũ kỹ, na ná nhau với chuyện tình tay ba, tay tư hoặc những bộ phim cổ trang lạm dụng kỹ xảo đã bắt đầu khiến người xem truyền hình nhàm chán. Đơn vị phát hành trong nước chuyển hướng khai thác một thị trường mới là phim dài tập Ấn Độ. Và kỳ diệu thay, "món mới" này được các bà nội trợ đón nhận.
Sự mới lạ của phim Ấn, cùng những câu chuyện rất đời thường và đậm đặc Á Đông đã gây được chú ý với người xem trong nước. Những bộ phim như Cô dâu 8 tuổi trở thành đề tài bàn tàn sôi nổi, từ góc chợ đến bàn ăn với một số đông khán giả trung thành.
Điểm đặc biệt của phim Ấn là đưa khán giả vào tình cảnh “vừa xem vừa bực”. Phim bị cho là quá lê thê, dài dòng, thiếu cao trào với những cảnh quay cận mặt chậm rãi, “câu giờ”.
Đó là lý do, phim Ấn khó duy trì được thế “làm mưa làm gió” trên màn ảnh. Bằng chứng Góa phụ nhí, thay thế giờ vàng của Cô dâu 8 tuổinhưng không được nhiều người để tâm.
Người phán xử đang phát sóng trên VTV3 nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả. |
Sự chuyển mình của phim truyền hình thương hiệu Việt
Trong bối cảnh đó, phim truyền hình Việt được quan tâm trở lại. SauHôn nhân trong ngõ hẹp, Khi đàn ông góa vợ bất khóc, Zippo Mù tạt và em, Tuổi thanh xuân, phim nội địa bắt đầu có sự chuyển mình rõ rệt về kịch bản, diễn xuất, cách thức làm phim và xây dựng bối cảnh.
Đặc biệt, 2 bộ phim gây sốt mạng xã hội thời gian gần đây là Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng là tín hiệu vui cho thấy phim Việt không kém cạnh về chất lượng nội dung so với phim Hàn Quốc, Ấn Độ. Thậm chí, còn được cho là văn minh hơn.
Phim Việt bất ngờ trở thành tâm điểm của dư luận. Và tất nhiên, tranh cãi là khó tránh khỏi. Trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi dừng xemSống chung với mẹ chồng vì cho rằng phim truyền tải sự bi quan về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Trong một diễn biến tương tự, không ít ý kiến đang chỉ trích Người phán xử dung dưỡng sự bạo lực.
Thực tế, Người phán xử đã giảm nhiều yếu tố bạo lực, cảnh nóng so với kịch bản gốc của Isarel, nghĩa là đơn vị sản xuất đã Việt hóa rất nhiều để phù hợp với văn hóa và thói quen thưởng thức trong nước. Còn với Sống chung với mẹ chồng, đạo diễn khẳng định anh không có mục đích tạo ra suy nghĩ trái chiều về phụ nữ.
Công bằng mà nói, Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng là sự chuyển mình đáng ghi nhận. Phim Việt muốn lấy lại khán giả hay xuất khẩu phim ra thị trường nước ngoài thì cần phải có những bộ phim vừa đạt giá trị về chất lượng vừa gây được sự chú ý như 2 bộ phim này.
NSND Lan Hương gây bão mạng xã hội với vai bà mẹ chồng tai quái. Ảnh: VFC. |
‘Muốn xuất khẩu phim phải làm hài lòng khán giả trong nước’
NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết VFC đang đầu tư mạnh về chuẩn kỹ thuật và chất lượng nghệ thuật để chờ thời điểm không xa có thể xuất khẩu được phim. Đây cũng là điều mà người trong nghề, báo giới và cả khán giả chờ đợi.
Trao đổi về vấn đề này, đạo diễn Vũ Trường Khoa – đạo diễn của Sống chung với mẹ chồng khẳng định phim Việt không kém so với các nước trong khu vực. Nhưng mỗi nước có nền văn hóa khác nhau, do vậy, muốn xuất khẩu trước hết phải làm hài lòng khán giả trong nước.
“Khán giả trong nước phải hài lòng trước. Sân nhà mà thất bại thì mang ra nước ngoài cũng không được. Phim Việt đưa ra nước ngoài cũng phải chọn đối tượng khán giả. Làm cho bà nội trợ, giới thanh niên sẽ không xem và ngược lại. Do vậy, việc xác định đối tượng người xem là rất quan trọng”, nam đạo diễn nhấn mạnh.
Cả Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử đều là hai bộ phim truyền hình được thu tiếng đồng bộ. Và đây là một trong những tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu phim.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa cho biết trong quá trình thu tiếng đồng bộ, anh thấy ý thức làm việc của diễn viên và ê-kíp thực hiện rất tốt. Nam đạo diễn cũng nhận thấy trình độ năng lực diễn viên Việt Nam không thua kém gì thị trường phim trong khu vực.
Do vậy, đặt vấn đề so sánh ngay bây giờ có thể không thích hợp hoặc hơi vội vàng nhưng thời gian không xa, sự tự tin đối với phim Việt là hoàn toàn có thể.
Theo Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)