MV "Hãy Trao Cho Anh" (Short Version) - Sơn Tùng M-TP ft. Snoop Dogg
Từ tiếng chê về MV “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP
Hơn 12 giờ qua, Sơn Tùng M-TP là cái tên được nhắc nhiều nhất khi chính thức chạy MV “Hãy trao cho anh”. Kèm theo là những lời ngợi khen nức nở cho Sơn Tùng M-TP như đẳng cấp châu Á, đẳng cấp thế giới, phá mọi kỷ lục…
Ở làng nhạc Việt, “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP giành những kỷ lục ấn tượng: 1 triệu views chỉ trong 8 phút, 2 triệu view trong 14 phút, 5 triệu view trong 1 tiếng đồng hồ, 10 triệu view sau 3 giờ công chiếu MV.
Ở châu Á, Sơn Tùng M-TP giành quán quân cho chủ nhân có MV xem nhiều nhất trong 24 giờ qua. MV xem nhiều thứ 3 thế giới qua hình thức Youtube Premiere, xếp sau “Killl This Love” - BlackPink và “than u, next” - Ariana Grande.
Đó là những con số để nói về kỷ lục của Sơn Tùng M-TP sau khi trình làng “Hãy trao cho anh”. Còn sức nóng thực tế được kiểm chứng từ chính cộng đồng mạng, một sự lan tỏa khủng khiếp khi hàng triệu facebook của giới trẻ đăng tải “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP.
Và một điều thú vị là “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP công chiếu thì từ truyền thông đến giới trẻ chỉ quan tâm một thứ duy nhất: Kỷ lục và phá kỷ lục! Thậm chí, rất đông fan của Sơn Tùng sẵn sàng “cày” view cho thần tượng, hoặc mang link MV đi “thả” khắp nơi kèo theo lời nhắc “bấm vào xem MV đi nhé”.
Nhưng những người không thần tượng Sơn Tùng M-TP, yêu âm nhạc từ lời bài hát, từ giá trị của âm nhạc thì quăng cục lơ bự rằng: “Đến hát còn không nghe rõ lời thì kỷ lục nhiều để làm gì?”
Một câu hỏi rất khó trả lời. Vì bài hát hay, ý nghĩa nhưng không có nhiều người nghe thì sao bảo hay, còn chuyện Sơn Tùng hát không rõ lời trong các MV vốn dĩ là chuyện quen thuộc, “Chạy ngay đi” cũng bị chê như thế nhưng vẫn là bản hit đình đám.
Một chi tiết khác trong MV “Hãy trao cho anh” bị chê là “huyền thoại rap” thế giới Snoop Dogg liên tục phì phèo khói thuốc. Một MV được dự đoán sẽ đình đám, thu hút lượt xem kỷ lục với đa số từ giới trẻ, liệu có nên để hình ảnh hút thuốc xuất hiện như thế?
Nhân vô thập toàn. Không thể đòi sự hoàn hảo từ Sơn Tùng M-TP nhưng 2 câu hỏi của một số người thích âm nhạc có lẽ đáng để suy ngẫm. Vì âm nhạc thì phải nghe rõ bài hát, sau đó nghĩ xem lời bài hát muốn gửi đi thông điệp gì cho cuộc sống, còn thần tượng phải có trách nhiệm giữ hình ảnh đẹp trong mắt fan hâm mộ.
Và kỷ lục… của Công Phượng
Tin rằng, nhiều fan hâm mộ của Sơn Tùng M-TP thần tượng Công Phượng ở khía cạnh bóng đá. Kỷ lục cũng là điều đang được nhắc về Công Phượng ở thời điểm này.
Trước khi nói về kỷ lục, Công Phượng và Sơn Tùng M-TP từng không hẹn mà gặp trong tại Hàn Quốc. CLB Incheon United đã chào đón Công Phượng bằng lời bài hát “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng, không rõ có ngẫu nhiên hay không nhưng đúng thật, hai bên sớm chia tay vì… không thuộc về nhau.
Tuổi 24, Công Phượng sắp có lần xuất ngoại thứ ba, điểm đến lần này là nước Bỉ. Hai lần trước, Công Phượng đi Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lịch sử bóng đá Việt Nam chưa có ai xuất ngoại nhiều như Công Phượng. Công Vinh đi Bồ Đào Nha và Nhật Bản nhưng kỷ lục này sẽ bị phá vỡ vào ngày 5/7 tới, Công Phượng chính thức ký hợp đồng với CLB Sint-Truiden (Bỉ), thời hạn là 1 năm.
Chỉ tính trong năm 2019, Công Phượng có 2 lần xuất ngoại. Đầu tiên, anh đầu quân cho Incheon United được vỏn vẹn vài tháng, sau đó quay trở lại Việt Nam để chuẩn bị đi Bỉ. Đây cũng là kỷ lục xuất ngoại dành cho cầu thủ Việt Nam.
Câu chuyện xuất ngoại với bóng đá Việt Nam không thể gọi là mới, vì có nhiều cầu thủ đã ra nước ngoài thi đấu. Nhưng số đông đi chỉ theo danh nghĩa… quảng bá, hoặc đi theo suất của một nhãn hàng, hay làm cầu nối về yếu tố phi chuyên môn. Thế nên, Công Phượng xuất ngoại từ chuyện được đánh giá có chuyên môn giỏi đã mang đến một giá trị tích cực, đó là sự thừa nhận về sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Nhưng một số ý kiến cũng hỏi ngược rằng: “Đi nước ngoài nhưng không được chơi bóng thì đi nhiều để làm gì?”. (Câu hỏi này tương đồng với chuyện fan nói về MV của Sơn Tùng: Đến hát còn không nghe rõ lời thì kỷ lục nhiều để làm gì?).
Câu hỏi này khó trả lời, vì cầu thủ phải được chơi bóng thì mới có sự thừa nhận còn Công Phượng dự bị quá nhiều từ Nhật Bản đến Hàn Quốc. Nhưng con đường chưa có lối đi rõ ràng thì cần có người tiên phong mở đường, dù có thể thất bại nhưng tạo ra những giá trị lâu dài để những cầu thủ khác học hỏi, rút kinh nghiệm và mạnh dạn ra nước ngoài chơi bóng. Ý nghĩa của Công Phượng xuất ngoại là thế.
Liệu Sơn Tùng M-TP và Công Phượng có trả lời được những câu hỏi trên cho fan hâm mộ?
Theo Văn Nhân (Saostar.vn)