Khi Người Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc xoay quanh gia đình ông Lâm (Công Lý). Vợ ông Lâm chết khi sinh con gái út, nên một mình ông nuôi ba cô con gái khôn lớn, trưởng thành. Mỗi cô con gái có tính cách riêng: Chị cả Ngọc Lan hiền dịu, chị hai Thủy Tiên hung dữ và cô em út Tường Vi hậu đậu. Nội dung Về Nhà Đi Con gần như giống hệt Khi Người Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc, chỉ thay đổi vài điểm về tính cách nhân vật. Hãy cùng so sánh giữa hai phiên bản phim nhé!
1. Ông Lâm (NSƯT Công Lý) và ông Sơn (NSƯT Trung Anh)
Ông Lâm và ông Sơn đều là hai người bố vĩ đại, hết lòng chăm sóc cho các con từ bữa ăn đến giấc ngủ. Hai nhân vật luôn mang mặc cảm tội lỗi vì ao ước có một cậu con trai "nối dõi tông đường" đã gián tiếp gây ra cái chết cho vợ mình, nhưng ông Sơn có phần đáng trách hơn. Thời điểm vợ đẻ, ông Lâm đang phải tham gia kì thi Đầu bếp tài ba trong khi ông Sơn thì đi nhậu nhẹt với bạn bè, bất chấp vợ đang lên cơn đau bụng. Chính vì vậy mà ông Sơn bị nhận một cú tát trời giáng từ bố vợ.
Ở những tập đầu, ông Sơn khá quá đáng.
Ở nửa cuối phim, ông Lâm sức khỏe suy yếu và bị mắc chứng đãng trí của người già. Nhiều lần liên lụy đến các con, ông thậm chí có ý định tự tử. Nhưng may mắn nhờ tình yêu thương của ba cô con gái, ông đã lấy lại tinh thần.
2. Ngọc Lan (Quỳnh Trang) và Huệ (Thu Quỳnh)
Hai cô chị cả thùy mị, nết na, biết vun vén cho gia đình. Tuy nhiên, Ngọc Lan có phần may mắn hơn Huệ. Huệ lấy phải một anh chồng là lái xe đường dài có trình độ học vấn và cả cách ứng xử yếu kém. Khải còn mê cờ bạc, có tính đa nghi và khá bạo lực. Dù Huệ đã tha thứ và nhẫn nhục bao nhiêu lần, Khải vẫn không hối cải. Bên cạnh đó, Huệ vẫn còn tình cảm với người yêu cũ dù anh đã có gia đình.
Người yêu của Ngọc Lan là một anh chàng cảnh sát bận rộn và có tính tình hơi gia trưởng. Tuy nhiên, Toàn rất yêu thương Ngọc Lan và đã có nhiều nỗ lực để hàn gắn mối quan hệ của cả hai. Cuối phim, cặp đôi này vẫn "gương vỡ lại lành". Tuy nhiên, có lẽ chả ai muốn Huệ quay về với Khải.
3. Thủy Tiên (Thu Trang) và Thư (Bảo Thanh)
Thủy Tiên và Thư đều là mẫu con gái hiện đại, cá tính nhưng có rất nhiều điểm khác biệt. Thủy Tiên rất đanh đá và có phần ngỗ nghịch. Mối quan hệ giữa Thủy Tiên và bố rất căng thẳng vì cô nàng tin rằng bố đã khiến cô mất mẹ. Trong khi đó, Thư là người chính trực và rất hiếu thảo.
Cả hai đều phải kết hôn với một anh chàng playboy sau khi trót dính bầu. Tuy nhiên trong thời gian chung sống, hai vợ chồng đã dần nảy sinh tình cảm, gạt đi những xung khắc và quyết định tiếp tục gắn bó với nhau. Vợ chồng Thủy Tiên khá bất hạnh khi vì một vụ tai nạn, Thủy Tiên đã bị sảy thai.
3. Tường Vi (Trang Moon) và Dương (Bảo Hân)
Nhân vật cô út có lẽ là sự khác biệt lớn nhất giữa Về Nhà Đi Con và Khi Người Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc. Tường Vi là một cô bé hơi mũm mĩm, tính tình hậu đậu nhưng rất ngoan ngoãn, lễ phép. Tường Vi đã đi làm và sau này kết hôn với một anh chàng "oan gia ngõ hẹp" ở cơ quan.
Trong khi đó, Dương mới là cô sinh viên 19 tuổi. Sau cái chết của mẹ, Dương được ông bà ngoại nuôi dưỡng và không thân thiết với bố. Cô nàng mang phong cách tomboy, mê game và là người cá tính nhất nhà. Chứng kiến những điều chướng tai gai mắt, Dương không ngại "bật" lại, thậm chí động tay động chân. Những câu nói "chất phát ngất" của Dương làm cư dân mạng vô cùng thích thú. Những tình huống éo le giữa Dương và cậu bạn thân nhút nhát Bảo cũng khiến dân tình cười lăn lết.
Lấy cảm hứng từ Khi Người Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc, Về Nhà Đi Con thậm chí còn hot hơn bản gốc. Liệu đoạn kết Về Nhà Đi Con có đi theo motif cũ hay sẽ được biên kịch cải biên tới bến đây?
Theo Thu Trang (Helino)