"Soái ca" khiến Mr. Đàm khóc từng bán vé số, làm thợ hồ

21/11/2016 10:42:00

Trước khi trở thành quán quân "Tuyệt đỉnh song ca", Thạch Sớt từng trải qua những năm tháng vất vả với nhiều công việc tay chân nặng nhọc.

Trước khi trở thành quán quân "Tuyệt đỉnh song ca", Thạch Sớt từng trải qua những năm tháng vất vả với nhiều công việc tay chân nặng nhọc.

Tuy nhiên, điều khiến anh lọt vào mắt xanh của bộ đôi huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng – Dương Triệu Vũ chính là giọng hát bolero rất mùi mẫn. Khác với vẻ bề ngoài khá “ngầu”, ngay từ câu hát đầu tiên, anh đã khiến “ông hoàng nhạc Việt” phấn khích và đặt cho anh biệt danh “soái ca”.

'Soai ca' khien Mr. Dam khoc tung ban ve so, lam tho ho hinh anh 1
Chiến thắng của Thạch Sớt tại Tuyệt đỉnh song ca khiến mẹ anh và "sư phụ" Đàm Vĩnh Hưng phải bật khóc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhìn Thạch Sớt ca hát trên sân khấu đầy say mê và bản lĩnh, thực chất anh từng có quá khứ rất vất vả, nghèo khổ. Dù vậy, anh quan niệm số phận là do trời đất sắp đặt nên không than thân trách phận mà vui vẻ với những gì mình đang có.

Cuộc đời của anh chỉ sang trang khi nghe theo lời một người bạn “xúi” đi thi Tuyệt đỉnh song ca và một mạch tiến gần đến ngôi quán quân. Thạch Sớt nói giải thưởng 250 triệu đồng là số tiền lớn nhất mà trong cuộc đời anh từng được cầm trên tay.

Mr Đàm gọi Thạch Sớt là 'hàng lạ': Đây là phần thi mang đến nhiều tình huống hài hước trên sâu khấu nhất.

Từng làm thợ hồ, phụ quán cơm trước khi nổi tiếng

Thạch Sớt sinh ra trong một gia nghèo làm nông tại Trà Vinh, học đến lớp 3 vì không có điều kiện đóng học phí, anh bỏ ngang để làm các công việc tay chân, phụ giúp gia đình. Sớt kể lúc này đã đam mê ca hát, xem danh ca Chế Linh như thần tượng. Anh nghe nhạc qua radio rồi tập hát theo, hoặc sang nhà hàng xóm “coi ké” vì nhà không có đầu đĩa.

Có thời gian, anh rong ruổi theo đoàn hát hội chợ khắp các tỉnh thành miền Tây, vừa làm công việc bán vé vừa được đứng trên sân khấu để trình diễn, mỗi đêm được vài trăm nghìn tính cả tiền bo của khán giả.

Nhớ lại thời điểm này, sân khấu dựng tạm bợ, âm thanh, ánh sáng thuộc loại “cây nhà lá vườn”, nhưng đây là thời điểm anh có nhiều niềm vui nhất vì lý do rất đơn giản là anh được hát cũng như được đồng hành cùng những người có niềm đam mê nghệ thuật.

'Soai ca' khien Mr. Dam khoc tung ban ve so, lam tho ho hinh anh 2
Xuất hiện lần đầu với ngoại hình bảnh bao, ít ai ngờ anh có cuộc sống rất vất vả, nghèo khó. Ảnh: SV.

Được vài tháng, Sớt quyết định lên Sài Gòn với mong muốn cải thiện thu nhập. Tại đây, anh làm công việc bưng bê, dọn dẹp ở một quán cơm bình dân ở quận Phú Nhuận, rồi sau đó chuyển qua làm thợ hồ, bốc vác. Quần quật với công việc nặng nhọc, hỏi anh có vất vả, mệt mỏi không, Thạch Sớt cười nói: “Mình còn trẻ, khỏe lắm, làm việc gì mà không được chứ. Một kiếp người sinh ra, làm ăn kiếm sống là chuyện bình thường”.

Xa quê, Thạch Sớt có thu nhập cải thiện hơn, được vài triệu đồng mỗi tháng, trừ đi các khoản phí sinh hoạt, anh dành dụm để gửi về cho cha mẹ.

“Kiếm được nhiều, Sớt gửi về được 1 triệu đồng, còn không thì cố gắng được vài trăm để mẹ lo cho cha đang sống một mình ở quê”. Dù gia đình khó khăn, nhưng anh chia sẻ ba mẹ chưa bao giờ cấm cản con trai đi theo con đường nghệ thuật.

Thời điểm này, niềm đam mê âm nhạc vẫn cháy trong anh và chỉ có thể được giải tỏa bằng cách hát nghêu ngao trong lúc làm việc hoặc khi tụ tập anh em. Đến khi Tuyệt đỉnh song ca tuyển sinh, anh được xúi đi thi cùng một người bạn. Tuy nhiên, ở vòng sơ tuyển, chỉ mình anh được chọn đi tiếp và ghép cặp với Minh Thảo.

Tiền thưởng dùng để sửa nhà cho mẹ

Trong đêm chung kết, khi MC Thanh Bạch xướng tên Thạch Sớt và Minh Thảo lên ngôi quán quân, Đàm Vĩnh Hưng vốn là người không dễ rơi nước mắt đã phải bật khóc.

Hỏi Sớt về điều này, anh nói có lẽ vì đàn anh quá vui mừng. Trong suốt quá trình huấn luyện, anh nhận mình rất chậm và thường xuyên không có thể hiện tốt, thường xuyên mắc lỗi. Tuy nhiên, khi lên sân khấu, anh lại được Tổ đãi nên trình diễn rất bùng nổ.

Giải thưởng 250 triệu đồng lẽ dĩ nhiên là món tiền “khủng” nhất mà từ trước đến nay anh cầm được trên tay. Anh sẽ trích ra phần lớn để gửi về gia đình sửa chửa nhà cửa, giúp bà con, còn lại giữ để làm hành trang cho tương lai. Sắp tới, Thạch Sớt và Minh Thảo sẽ được công ty của Đàm Vĩnh Hưng đầu tư thực hiện album để tri ân khán giả.

Suốt 4 tháng làm việc chung, anh tâm sự mình vốn không phải là người khéo ăn, khéo nói nên chỉ gọi huấn luyện viên của mình bằng “anh” chứ không gọi là“sư phụ” hay “đại ca” như người khác.

Dù vậy, chàng trai Khmer vẫn dành nhiều sự tôn trọng lẫn ngưỡng mộ cho Đàm Vĩnh Hưng. Anh tâm sự nếu bản thân không có may mắn được đàn anh hỗ trợ, anh vẫn rất vui vẻ chấp nhận nhưng sẽ không về với ai khác.

Sớt nói: “Nếu không phải anh Hưng thì sẽ không là ai khác, tôi sẽ hoạt động tự do”. Cuối tháng này, Thạch Sớt có show diễn đầu tiên. Anh nói đây chỉ là một đoàn diễn nhỏ nhưng lại giúp anh rất nhiều trước đây khi chưa có gì trong tay, do đó anh muốn quay lại để cảm ơn.

'Soai ca' khien Mr. Dam khoc tung ban ve so, lam tho ho hinh anh 3
Mới đây, anh và Minh Thảo được đàn anh Đàm Vĩnh Hưng tổ chức tiệc ăn mừng chiến thắng. Ảnh: Bil.

Hiện tại, Thạch Sớt ở tại một khách sạn ở quận 3 (TP.HCM). Do chưa có xe máy nên anh chủ yếu đi lại bằng xe ôm hoặc nhờ bạn bè đưa đón. Sớt cũng không ngần ngại “khoe” điện thoại “cục gạch” khá cũ mà mình sử dụng suốt nhiều năm qua.

Nhìn bề ngoài có vẻ “ngầu”, bụi bặm, nhưng ít ai biết rằng Thạch Sớt từng xuống tóc đi tu và có 7 năm ở hẳn trong chùa tại Trà Vinh. Đến nay, dù đã hoàn tục, nhưng anh vẫn giữ thói quen nghe và đọc kinh Phật mỗi đêm, có thời gian lại đến chùa để giữ tinh thần thanh thản.

Cũng vì thấm nhuần tư tưởng đạo Phật, nên khi ra xã hội, anh vẫn chọn cách sống đơn giản, hiền lành, không đụng chạm hay gây hiềm khích với ai. Trong khoảnh khắc đăng quang, trong khi mẹ và huấn luyện viên đều khóc, anh lại rất điềm tĩnh.

Thạch Sớt giải thích: “Tôi là người học đạo nên hiểu cuộc đời phải có vui có buồn. Nhiều khi người thân mất, tôi cũng ít khi khóc vì quan niệm cuộc sống là sinh – lão – bệnh – tử, có khóc cũng không thay đổi được gì”.

Quá trình thi, anh cũng không lên mạng vì sợ đọc phải những bình luận ác ý vì sợ những tranh cãi trong xã hội sẽ khiến lòng không thể yên tĩnh, thảnh thơi như xưa.