Một năm tung ra đến 3 phim điện ảnh liên tiếp, Đức Thịnh - Thanh Thúy đã cho khán giả thấy năng suất làm việc vượt trội của team mình. Tuy nhiên, so với một “Anh thầy ngôi sao” thành công thì “Siêu quậy có bầu” lại trở nên lép vế. Đề tài bà bầu tuổi teen từng được khai thác rất thành công trên màn ảnh rộng, xoay quanh những rắc rối ở trường học và áp lực tâm lý của các cô gái trẻ khi trở thành mẹ ở tuổi vị thành niên, nổi bật và gần gũi nhất là 3 bộ phim “Jenny & Juno” (2005), “Juno” (2007) và “Love, Rosie” (2014).
“Siêu quậy có bầu” xoay quanh nhân vật chính là Hạ An (Han Sara), cô học sinh mồ côi cha mẹ có hạnh kiểm cá biệt nhưng thành tích học tập luôn dẫn đầu trường. Đối đầu với Hạ An là Cẩm Tú (Quỳnh Kun), tiểu thư nhà giàu xinh đẹp, chảnh chọe, nhưng thành tích học tập chỉ luôn xếp thứ 2. Giữa cuộc chiến nước sôi lửa bỏng với Cẩm Tú để giành suất học bổng đi du học ở Mỹ, Hạ An bỗng phát hiện mình mang bầu - kết quả sau 1 đêm say sưa cùng thằng Bê.
Mặc dù khá lo lắng, nhưng được sự động viên của Bê, cô bé đã quyết tâm học hành chăm chỉ ngày đêm và giật được học bổng. Niềm vui chưa được bao lâu, ước mơ của cô nữ sinh tài giỏi tan thành mây khói khi kì kiểm tra sức khỏe buộc Hạ An phải tiến hành chụp X-quang. Dù buồn bã và hụt hẫng, cô bé đã lựa chọn từ bỏ cơ hội vàng để giữ an toàn cho đứa con trong bụng. Cũng chính từ lúc này, bí mật không còn được che giấu, tin sốc về cô nữ sinh có tài mà đạo đức kém đã loan khắp trường. Hạ An bị thầy cô, bạn bè dè bỉu, bị gia đình cậu ruột từ mặt, bị phụ huynh học sinh ép nghỉ học… đẩy cô bé đến con đường tuyệt vọng. May nhờ sự giúp đỡ của thầy Đức (Đức Thịnh) và thầy Phong (Đỗ An), Hạ An đã dần lấy lại niềm tin, vượt qua nỗi sợ hãi để tiếp tục chiến đấu với thử thách trước mắt.
Motip phim học đường với các tuyến nhân vật được xây dựng trong “Siêu quậy có bầu” đã quá quen thuộc nếu không muốn nói là cũ rích từ các bộ phim Mỹ những năm đầu thế kỉ 21 như “Mean girls”, “Drama Queen”... Trong đó, nhân vật chính luôn thật ngầu, tài giỏi, dễ thương, chơi với 1 đám bạn ngoại hình kì quặc, nhút nhát, luôn bị bắt nạt trong trường. Nhân vật chính luôn có một kẻ đối đầu, đó chắc chắn phải là “hot girl” con nhà giàu, xinh đẹp, năng động nhưng ái kỉ và kiêu căng, đi tới đâu cũng có 1 đám con gái đi theo tung hô, hộ tống, và trong đó nhất định phải có 1 hoặc 2 đứa tay sai cực kì ngớ ngẩn. Đám này luôn tỏ ra khiêu khích và xỏ xiên phe chính diện, gây hấn ở bất cứ nơi đâu 2 bên chạm mặt với một thái độ cong cớn và giả tạo đến khó chịu.
Motip kiểu này luôn phù hợp với văn hóa Mỹ, nhưng khi áp dụng cho một bộ phim Việt Nam thì không ai nói ra nhưng chắc chắn tất cả đều cảm thấy có gì đó sai sai. Quỳnh Kun trong vai Cẩm Tú thường xuyên có những câu thoại nhàm chán như trả bài, trong khi bạn thân của Hạ An thì vất vả với đôi mắt lác từ đầu đến cuối phim khiến người xem cũng toát mồ hôi theo nhân vật mỗi khi cô xuất hiện. Nếu đã xem quá nhiều phim teen Mỹ từ chục năm trước, chắc chắn những cuộc đối đầu của 2 phe này trong “Siêu quậy có bầu” sẽ không khiến bạn thấy bất ngờ. Thậm chí, bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng chán nản với câu hỏi “Thời nào rồi mà còn có những nhân vật kiểu như Cẩm Tú?”.
Hạ An là vai chính đầu tiên trên màn ảnh rộng của Han Sara, nữ ca sĩ có ngoại hình và lứa tuổi phù hợp với nhân vật, tuy nhiên diễn xuất cứng và gương mặt khá đơ khiến diễn biến tâm lý của Hạ An chưa đủ thuyết phục, một vài đoạn cao trào Han Sara còn thiếu khá nhiều cảm xúc để lấy nước mắt khán giả, mặc dù xung quanh có đầy đủ hậu thuẫn từ bạn diễn. Giữa dàn cast mới toe diễn xuất còn hạn chế như vậy, một lần nữa Đức Thịnh và Thanh Thúy lại phải ra tay “gánh team” bằng 2 vai phụ với những màn tấu hài “mặn chát” khiến khán giả cười khô họng, mặc dù vai cô giáo Hảo yêu màu tím và mê trai của Thanh Thúy bị tạo hình quá tay.
Vấn đề chính phim đặt ra là những áp lực mà một nữ sinh 17 tuổi phải đối mặt khi mang bầu khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Giống như Rosie trong “Love, Rosie”, Hạ An phải lựa chọn giữa tấm vé du học đổi đời và cái thai trong bụng, cả 2 nhân vật đều lựa chọn bảo vệ cho em bé. Nhưng khác với Rosie khi được bao bọc và yêu thương bởi gia đình, Hạ An phải chịu sự quay lưng từ chính những người thân.
Chi tiết này được xem là phù hợp với văn hóa và quan niệm về đạo đức của người Việt Nam, dù cho nó khá đau đớn và phũ phàng. Nửa sau phim bao trùm lên rạp chiếu không khí nặng nề của sự lạnh lùng từ những người ngoài cuộc trong xã hội, dẫn đến những suy nghĩ cực đoan dồn nữ sinh mang bầu vào đường cùng. Những lo lắng của phụ huynh Việt Nam như “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” được phát triển thành cao trào hợp lý. Hạ An vẫn nhận được sự bảo vệ từ một vài người bạn, người thầy tốt, nhưng con số đó rất nhỏ so với đám đông ồn ã lời chỉ trích.
Cho đến cuối phim, mặc dù khi bạn bè trong lớp đã đồng loạt đứng về phía mình, bộ phim vẫn giữ nguyên bức tường bảo thủ của những người lớn - các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường về đạo đức xấu xí của một nữ sinh mang bầu. Đây có lẽ là chi tiết ít người để ý, nhưng nếu đã không bỏ qua sẽ thực lòng cảm thấy đáng tiếc. Kết phim có thể là một bức tranh màu hồng tươi đẹp, nhưng đằng sau, đâu đó vẫn là những ánh mắt phán xét sẽ theo chân Hạ An đến cuối cuộc đời, khiến khán giả cảm thấy cần đặt câu hỏi “hạnh phúc liệu có khi nào thực sự viên mãn?”, “cái kết có hậu có thực sự có hậu?”, “khi nào xã hội mới không còn tồn tại định kiến?”.
“Siêu quậy mang bầu”, một bộ phim học đường không mới mẻ về nội dung và thông điệp, nhưng trong bối cảnh thiếu phương tiện giáo dục giới tính như hiện nay thì vẫn giữ một vai trò tuyên truyền hiệu quả. Phim do Nguyễn Quốc Duy đạo diễn, công chiếu trên toàn quốc từ 20/9.
Trúc An (SHTT)