Ra đời từ năm 2002 và tính đến nay đã trải qua hơn 22 mùa lên sóng thành công tại Mỹ. Tuy nhiên ngay từ mùa đầu tiên, show hẹn hò The Bachelor đã gây sốt và trở thành hiện tượng chưa từng thấy trên kênh truyền hình ABC.
Sau thành công tại Mỹ, đến nay, chương trình đã được mua bản quyền sản xuất tại hơn 30 quốc gia với hơn 125 mùa và 1.000 tập đã được phát sóng tại châu Âu, Australia và lan toả đến các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản.
The Bachelor (Anh chàng độc thân) đã được một đơn vị tại Việt Nam mua bản quyền sản xuất và đang trong quá trình casting vào tháng 4. Dự kiến chương trình sẽ lên sóng trong năm nay và tạo nên một cú hích lớn khi show truyền hình hẹn hò đang trở thành trào lưu như hiện nay.
Tuy nhiên, đi cùng với rating cao, thu hút nhiều sự chú ý là hàng loạt scandal phản cảm, dung tục từ show The Bachelor và những chương trình ăn theo như The Bachelorette, Bachelor Pad, Bachelor in Paradise và Bachelor in Paradise: After Paradise.
Thí sinh quan hệ tình dục trong chương trình, phô bày cơ thể lộ liễu, cảnh quay ân ái, lộ hàng, thí sinh gian díu với nhà sản xuất lừa đảo bạn chơi, quấy rối tình dục…là hàng loạt scandal phản cảm xuất phát từ phiên bản gốc.
Chính điều này khiến nhiều khán giả hoài nghi và phản đối khi show hẹn hò này đến Việt Nam vì sợ sẽ làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt.
Có phản cảm với văn hóa Á Đông?
Liệu một show hẹn hò mang đậm văn hóa phương Tây, với sự cởi mở phóng khoáng có thật sự phù hợp với nét văn hóa Á Đông của Việt Nam vốn trọng sự kín đáo, từ tốn và đặt nặng yếu tố gia đình?
Ở phiên bản Mỹ có hàng tá cách cư xử phản cảm như việc một cô gái dúi chiếc quần lót của mình vào túi áo chàng trai rồi ngất đi bên cạnh để gọi mời tình dục hay một cô gái sẵn sàng vạch ngực và bơm kem lên mời mọc người nam liếm sạch chỗ kem đó.
Hay việc quan hệ tình dục bừa bãi giữa một chàng trai và nhiều cô gái cùng một lúc khi ở chung với nhau trong một thời gian khá dài là điều diễn ra như “cơm bữa” ở phiên bản Mỹ. Có quá nhiều những hành động có thể được chấp nhận ở xã hội phương Tây về quan niệm tình yêu và tình dục nhưng lại trở thành điều vô cùng phản cảm ở xã hội phương Đông.
Nói về quan ngại này, Anh Trần - đại diện đơn vị sản xuất của show The Bachelor phiên bản Việt tin tưởng với lối hành xử truyền thống của người châu Á sẽ khó có những scandal đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Anh cũng ví dụ cụ thể khi show The Bachelor đến Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản cũng đã phải thay đổi rất nhiều để phù hợp với văn hóa của từng quốc gia.
“Trung Quốc, Nhật Bản đều là những quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời, khắt khe hơn trong các chương trình giải trí. Chúng tôi chỉ muốn kể một câu chuyện tình yêu cổ tích trong The Bachelor nhưng bằng cách khai thác của Việt Nam, đồng nghĩa với việc chỉ giữ format gốc, còn lại mọi thứ gần như được thay đổi hoàn toàn”, đại diện nhà sản xuất cho biết.
Anh Trần mô tả cụ thể sự thay đổi tùy thuộc vào tính cách của người dân bản địa. Như ở show The Bachelor Nhật Bản, hoàn toàn không có một cảnh hôn nào cho đến khi cô gái chấp nhận lời cầu hôn ở tập cuối cùng.
Ở Việt Nam, kịch bản sẽ hoàn toàn dựa trên tính cách và nền tảng tư tưởng của người tham gia về chuyện hẹn hò, yêu đương. Nên nếu nhà sản xuất có muốn tạo scandal tình dục mà người chơi không muốn thì cũng không thể.
“Không cần quá lo ngại scandal phản cảm, dung tục bởi chúng tôi tin những người tham gia show dù có đa dạng đến đâu thì cũng là người Việt Nam và đều hiểu và hành xử theo những nền tảng văn hóa, truyền thống của người Việt. Đó là điều chúng tôi rất tin tưởng.
Ngoài ra, bộ phận biên tập chương trình cũng được giám sát chặt chẽ, kỹ lưỡng qua từng khâu nên sẽ tránh được tối đa scandal ngoài ý muốn”, nhà sản xuất khẳng định.
Xem nhẹ nữ quyền khi một chàng trai chọn 25 cô gái?
The Bachelor sẽ là hành trình của một anh chàng độc thân và 25 cô gái cùng đi tìm tình yêu. Nhân vật trung tâm là một anh chàng độc thân hội tụ đủ những yếu tố cuốn hút sẽ hẹn hò và trải qua những thử thách cùng 25 cô gái để tìm ra người mà mình muốn gắn bó nhất.
Mỗi tập, sau những phần hẹn hò lãng mạn và không kém phần kịch tính, một buổi lễ hoa hồng sẽ diễn ra, nơi anh chàng độc thân trao hoa cho những cô gái mà anh muốn tiếp tục đồng hành, các cô gái không nhận được hoa sẽ bị loại.
Các tập cuối cùng sẽ là những tập kịch tính nhất khi hành trình rút lại còn khoảng 4 cô gái được loại dần cho đến tập cuối, khi màn cầu hôn lãng mạn được diễn ra giữa anh chàng độc thân và cô gái chiến thắng.
Format “1 chọn 25” với quyền quyết định, chủ động nghiêng hẳn về phái nam còn các cô gái trở nên bị động, chịu sự chọn lựa của đàn ông đã làm dấy lên câu hỏi liệu rằng nó có đi ngược lại với xu hướng bình đẳng giới mà cả thế giới đang muốn theo đuổi?
Hơn nữa, cách mà người đàn ông được vây quanh bởi hàng chục phụ nữ dễ khiến người Việt liên tưởng đến thời kỳ “đa thê, đa thiếp” - điều mà nhiều năm qua biết bao thế hệ đã cố gắng thay đổi để hướng đến sự bình đẳng nam nữ trong tình yêu, hôn nhân.
“Quay về thời phong kiến à, một người đàn ông được quyền chọn giữa nhiều cô gái, trong khi các cô gái lại phải giành giật, chen lấn nhau để được đàn ông chọn?”, một khán giả bình luận dưới bài báo đưa tin về The Bachelor về Việt Nam.
Tất nhiên trong suốt hành trình, các cô gái cũng có thể đưa ra những quyết định riêng của mình và có quyền rời khỏi chương trình bất kỳ lúc nào nếu cảm thấy đây không phải là anh chàng phù hợp.
“Các cô gái tham gia show sẽ hoàn toàn không bị động, mạnh mẽ và chiến đấu để giành lấy hạnh phúc và người mình yêu. Điều này phần nào thể hiện được sức mạnh của nữ giới. Ngoài ra, các cô gái cũng có cơ hội kết bạn với nhau, cùng chia sẻ những câu chuyện, quan niểm về tình yêu”, đại diện nhà sản xuất lý giải.
Tuy nhiên rõ ràng đây chỉ là một viễn cảnh lý tưởng từ phía nhà sản xuất. Với tỷ lệ chênh lệch quá lớn là 1 chọn 25 thì không thể nào tránh được những tình huống phản cảm đã trở nên nhan nhản trong phiên bản gốc như cảnh các cô gái tỵ nạnh, dùng chiêu trò hại nhau, ăn mặc hở hang, phô bày cơ thể để quyến rũ, thu hút sự chú ý của một người đàn ông duy nhất.
Liệu rằng một người phụ nữ Việt Nam dù hiện đại hay truyền thống có thật sự muốn đi theo phong cách hẹn hò của phương Tây: thẳng thắn, sẵn sàng phô bày cơ thể, xem nhẹ tình dục và đấu đá với hơn 20 cô gái khác để giành lấy tình yêu cho mình?
Ngoi ngóp giữa rừng show hẹn hò giả tạo?
Có một thực trạng dễ nhìn thấy trên truyền hình hiện này là các game show kết đôi, hẹn hò bùng nổ, tràn lan với đủ thể loại, chất lượng và quy mô.
Từ những chương trình có thâm niên và đã được công chúng đón nhận nhiều năm qua như Chuyến xe tình yêu, Bạn muốn hẹn hò đến các show mới ra mắt trong năm nay như Vì yêu mà đến (dựa trên format Phi thường hoàn mỹ của Trung Quốc), Lựa chọn của trái tim (format từ chương trình Sexy Beasts của Anh), Yêu là chọn, Khúc hát se duyên,… thay nhau phủ sóng trên mọi mặt trận.
Tuy nhiên, tính chất trung thực của các game show hẹn hò là điều khiến khán giả nghi ngờ. Bởi tiếng sét ái tình dù có nhanh cỡ nào cũng không thể đến trong chớp mắt rồi nhanh chóng có những màn tỏ tình mỹ mãn chỉ trong vòng mấy mươi phút chương trình.
Những gì khán giả thấy được trong mỗi số phát sóng vẫn chỉ là sự gượng ép của người chơi cùng câu tìm hiểu nông cạn và những màn tỏ tình sến sẩm. Yếu tố kịch, thiếu chân thực là cảm giác khó tránh khỏi khi xem.
Hơn nữa, các khách mời đa phần là nghệ sĩ, có ngoại hình xinh đẹp càng làm khán giả cảm thấy họ đến chương trình chủ yếu là để đánh bóng tên tuổi hơn là đến đây để tìm kiếm tình yêu cho riêng mình.
Là người đến muộn trong trào lưu show hẹn hò đang rầm rồ trên truyền hình, The Bachelor phiên bản Việt đứng trước nhiều thử thách hơn. Bởi sau thời gian mọc lên như “nấm sau mưa” thì bất kỳ chương trình truyền hình nào cũng phải bước vào giai đoạn bão hòa. Thậm chí nhiều format lừng danh quốc tế được Việt hóa cũng không hiệu quả với gu thưởng thức của người Việt.
Tuy nhiên, phía nhà sản xuất vẫn tự tin sẽ đem đến những trải nghiệm mới về một show truyền hình thực tế đúng nghĩa. Bên cạnh việc đã là một hiện tượng truyền hình trên toàn thế giới, luôn đạt tỷ suất người xem kỷ lục tại mọi quốc gia thì show The Bachelor còn thu hút khán giả bởi tính chân thật của một chương trình truyền hình thực tế dài hạn.
Thời gian tìm hiểu không chóng vánh, những người tham gia đều phải trải qua nhiều thử thách trong thời gian dài để tìm hiểu người bạn đời. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, ở những tập gần cuối, các chàng trai và cô gái sẽ về thăm quê của nhau, tìm hiểu rõ hơn về tuổi thơ, hoàn cảnh sống, gia đình để có những lựa chọn đúng đắn hơn về đối phương.
“Với format độc đáo kết hợp cùng văn hoá, con người và những phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng những câu chuyện hẹn hò sẽ càng trở nên lãng mạn và hấp dẫn hơn bao giờ hết”, nhà sản xuất khẳng định.
The Bachelor phiên bản Việt Nam (Anh chàng độc thân) dự kiến có 14 tập, phát sóng hàng tuần. Vòng sơ tuyển toàn quốc sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 tại Hà Nội và TP. HCM.
Thí sinh tham gia là người độc thân, trong đó thí sinh nữ từ 19 tuổi trở lên, thí sinh nam trong độ tuổi 27-45 với ngoại hình điển trai, tính cách mạnh mẽ, thành công trong cuộc sống, trân trọng và yêu thương phụ nữ.
Theo Phương Linh (Tri Thức Trực Tuyến)