Trung tuần tháng 12/2021, một chương trình về thời trang mang tên "Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam" đã được diễn ra.
Sau thời gian mọi hoạt động bị tạm hoãn vì dịch bệnh, chuỗi show diễn vừa qua nhanh chóng tạo được sức hút, lôi kéo sự quan tâm từ giới mộ điệu.
Nhưng với cái tên cầu kỳ tô vẽ, thực tế chương trình lại không đạt được kỳ vọng từ khán giả, đến mức sau cùng đọng lại chỉ là những mở đầu không kèn không trống, nổi lên nhờ lùm xùm ồn ào và kết thúc cũng chóng vánh đến mức làm bao người ngạc nhiên.
Một "Tuần lễ" chỉ vỏn vẹn "3 ngày"
Mang tên "Tuần lễ thời trang" nhưng tất cả chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 3 ngày. Khâu truyền thông ban đầu cũng không được đánh giá cao, chỉ đến khi hình ảnh đêm diễn đầu tiên được chia sẻ trên mạng xã hội (từ NTK, nghệ sĩ) thì dân tình mới ngỡ ngàng.
Khoác cho mình tấm áo quá lớn với những danh xưng rất kêu như "tuần lễ", "Quốc tế" nhưng tất cả những gì mang đến khán giả lại không được như mong đợi, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu có phải tất cả chỉ là "làm trả nợ" với nhà tài trợ theo KPI mỗi năm một chương trình hay không?
Câu kéo chú ý bằng scandal
Xuyên suốt những ngày diễn ra chương trình, điều mà công chúng chú ý đến không nằm ở các BST hay NTK mà vì những s.candal nơi thảm đỏ hay trên sàn runway.
Không thiếu những mỹ nhân cố gắng lồng lộn, lên đồ với tinh thần chặt c.hém cốt câu kéo sự quan tâm.
Mỗi ngày trong chương trình đều là những chuỗi drama, khi thì sự cố trang phục, lúc lại người đẹp này té ngã... tất cả kéo dài liên miên trong suốt 3 ngày trời, kẻ hóng hớt thì có chuyện để buôn, còn những người đam mê thời trang thật sự lại lắc đầu ngao ngán.
Những tên tuổi gạo cội trước đây như NTK Công Trí, Phương My cũng chẳng còn mặn mà với việc đồng ý tham gia chương trình.
Các màn trình diễn từ nhiều mỹ nhân như Anh Thư, Vũ Thu Phương hay Trang Trần bị nhận xét là cũ kỹ, không thể hiện được tinh thần hiện đại hay tiệm cận quốc tế.
Lướt các trang mạng xã hội, dễ thấy một sự thật đáng buồn, điều mà mọi người quan tâm nhất lại không nằm ở câu chuyện váy áo.
Xoay quanh một tuần lễ thời trang thì tính xu hướng - thể hiện qua màu sắc, phom dáng, chất liệu... là điều cần tôn vinh. Thế nhưng xuyên suốt chương trình trên, điều này hoàn toàn vắng bóng nơi sàn diễn.
Nếu không đưa cái tôi quá lớn, lấn át cả sự ứng dụng, chiếm đóng spotlight bằng những bộ cánh "lồng lộn", "chặt chém" vinh danh bản thân người làm nghệ thuật thì những BST khác lại quá đơn giản đến mức xem như nhàm chán, lặp lại từ nhà mốt này đến nhà mốt khác...
Hiếm hoi mới có một vài điểm sáng như BST "Chạm" của NTK Adrian Anh Tuấn trong ngầy đầu tiên hay của NTK Nguyễn Tiến Truyển ở đêm thứ 2... Dù vậy, đáng buồn thay tất cả đã bị những drama sàn diễn che lấp...
Kết: Không phủ nhận những cố gắng khi mang lại nhịp đập cho làng thời trang sau khoảng thời gian bị tác động bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, cách làm vội vàng, hời hợt đã khiến những điều tích cực bị lu mờ, đâu đó, dân tình vẫn mong muốn lắm một chuỗi sự kiện chuyên nghiệp, xứng tầm... nơi Việt Nam có thể chưa nhưng vẫn sẵn sàng để tiệm cận cùng ngành công nghiệp vải vóc thế giới.
Theo Trinh Trinh (Saostar.vn)