Nghệ thuật ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế và đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 6/2015. Loại hình nghệ thuật này đang được sử dụng rất phổ biến trong du lịch thuyển rồng trên sông Hương (thành phố Huế).
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao chất lượng biểu diễn ca Huế cho đội ngũ diễn viên, nhạc công, những người tham gia biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh. Sau đợt tập huấn, Sở sẽ tổ chức thẩm định, chấn chỉnh việc tổ chức biểu diễn ca Huế theo quy định, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các chương trình biểu diễn ca Huế, qua đó nhằm xây dựng hình ảnh ca Huế trên sông Hương thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo hướng "Di sản, văn hóa, cảnh quan, thân thiện với môi trường".
Bên cạnh đó, Sở cũng đã chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy di sản ca Huế một cách bền vững. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đưa ca Huế vào trường học để dạy cho học sinh.
Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai kế hoạch xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật ca Huế" trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo lãnh đạo Sở, quy trình xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật ca Huế" gồm các nội dung như: Hoàn thiện bộ tài liệu báo cáo kiểm kê về di sản nghệ thuật ca Huế theo quy cách của UNESCO; sưu tầm các tài liệu, hiện vật, tài liệu xuất bản, tài liệu chép tay, thư tịch liên quan đến di sản ca Huế ở trong và ngoài nước; xuất bản bộ sách tài liệu về nghệ thuật ca Huế; khảo sát, điền dã ghi âm, ghi hình các hình thức trình diễn nghệ thuật ca Huế để xây dựng các sản phẩm nghe nhìn…
Theo Cao Tiến (Báo Dân Sinh)