Một trong những tài năng của các diễn viên điện ảnh đó là có thể khóc ngay lập tức trên phim trường theo yêu cầu của đạo diễn. Đôi khi đó là những cảm xúc đến tự nhiên theo diễn biến truyện phim, nhưng phần lớn họ đều phải tự tìm cho mình giải pháp để khóc ngay cả khi tâm trạng chưa được đẩy đến cao trào.
Kích hoạt nước mắt bằng "công tắc vật lý"
Bryce Dallas Howard từng thể hiện năng khiếu khóc trong talkshow của Conan O'Brien. Đầu tiên cô yêu cầu người dẫn chương trình hãy kể bất kì câu chuyện gì mà anh thích, Howard đã cố nặn ra vài giọt nước mắt rất thật trong vòng 2 phút trước sự trầm trồ của người xem. Sau đó, nữ diễn viên giải thích rằng khả năng khóc cô có được không phải do di truyền hay bẩm sinh, mà đó là một kĩ thuật cô đã rèn luyện trong nhiều năm làm nghề.
Ngôi sao "Jurassic World" bật mí thêm rằng kéo vòm miệng kèm với ngáp liên tục sẽ giúp tiết ra những giọt nước mắt cá sấu khi cần thiết và diễn viên nào cũng có thể tập khóc theo phương pháp này.
Giống như Bryce Dallas, ngôi sao của "If I stay" Jamie Blackley kể rằng anh ấy cũng cách điều khiển bên trong cơ thể để tạo ra nước mắt cho những cảnh phim buồn. Tuy nhiên thay vì phương pháp uốn cong vòm miệng khá nữ tính của Bryce, Jamie lại chọn một cách khá dữ dội đó là siết chặt cơ thể để máu dồn lên đầu.
Về mặt y khoa, lựa chọn kĩ thuật của nam diễn viên 29 tuổi tương đối nguy hiểm, rất có thể gây biến chứng khi dồn máu lên não liên tục hết lần này đến lần khác, đặc biệt trong trường hợp cảnh phim bị quay đi quay lại nhiều lần. Tuy nhiên, Jamie cũng chia sẻ thêm cách dự phòng và cách này nghe có vẻ an toàn hơn, đó là nghĩ đến một chú chó nhỏ tội nghiệp bị bỏ rơi trên đường trong sợ hãi và cô đơn.
Trở về trạng thái trống rỗng
Huyền thoại màn ảnh nhỏ Shirley Temple trong một cuộc phỏng vấn năm 1999 đã tiết lộ bí quyết để khóc trước máy quay, theo cựu sao nhí cô thường cùng mẹ đi đến một góc yên tĩnh của trường quay, cô không chọn cách nghĩ về các kỉ niệm buồn, mà đơn giản chỉ để đầu óc trống rỗng. Nước mắt sẽ đến cùng cảm giác trống rỗng ngay sau đó.
Tuy nhiên, Temple cũng chia sẻ một điều hết sức đặc biệt: "Tôi không thể khóc sau bữa trưa vì cảm giác no bụng làm tôi quá mãn nguyện".
Dùng nước mắt nhân tạo
Phim ảnh vốn đầy ắp sự dàn dựng và khi không thể tìm được một giọt nước mắt nào trên bờ mi thì diễn viên hoàn toàn có thể dàn dựng nó bằng sự trợ giúp của một vài vật dụng. Ngôi sao Anna Faris cho biết cô chịu nhiều ảnh hưởng từ cách giáo dục của mẹ thời thơ bé, bà luôn dạy cô phải mạnh mẽ và không được khóc. Vì vậy cô không phải mẫu người dễ xúc động trong đời thực, và càng không dễ dàng làm điều đó trước máy quay.
Thay vì cố gắng tạo ra những giọt nước mắt thật, cô chọn cách dùng một vật dụng tạo nước mắt có chứa tinh thể bạc hà. Thổi hơi bạc hà vào mắt và chỉ trong vài giây nước mắt đã chảy ra.
Giả định tình huống phim vào cuộc sống thực tại
Một số diễn viên không cần phải căng óc quá nhiều để tạo nước mắt, Daniel Kaluuya là một ví dụ. Nam diễn viên 31 tuổi khi quay cảnh "Sunken Place" cho "Get Out" của Jordan Peele đã khiến khán giả phải rút ruột với những giọt nước mắt dày đặc.
Trong bài phỏng vấn trên Variety, Kaluuya giải thích rằng để chạm được tới cảm xúc hoang mang, sợ hãi, bùng nổ khi đóng bộ phim đó, anh đã liên tục nghĩ đến tình huống nếu xảy ra ở thực tại sẽ như thế nào, từ đó giúp anh nhận ra hàng loạt điểm tương đồng giữa hoàn cảnh của nhân vật với bản thân trong giả định.
Chàng diễn viên người Anh cho biết "So sánh hoàn cảnh của nhân vật với những người bị mắc kẹt ở công sở vì bị lạm dụng mà không thể nói ra. Tôi tìm thấy sự đồng cảm với nhân vật đang phải trải qua quá nhiều đau khổ, phải kìm nén, loại bỏ mặc cảm bản thân giữa tình huống thực sự tồi tệ và xấu hổ. Miễn cưỡng phải đối mặt với nó khiến bản thân tê liệt cảm xúc". Và theo cách đó, Daniel Kaluuya đã mang đến một cảnh khóc vô cùng khó quên trên màn ảnh trong "Get Out".
Lấy kí ức buồn làm chất liệu
Sau "Harry Potter", Daniel Radcliffe đã nhận vai chính Allen Ginsberg trong bộ phim tiểu sử kinh dị "Kill your darlings". Vai diễn này đòi hỏi nam diễn viên phải khóc rất nhiều, và đó quả thật là câu chuyện không mấy dễ dàng với chàng trai trẻ.
Radcliffe thừa nhận với Vancouver Sun: "Trừ khi có mẹo để khóc theo yêu cầu như một số diễn viên khác, bạn càng cố ép, nó càng trở nên khó xử khủng khiếp". Nhưng thay vì chọn cách dễ nhất là dùng nước mắt nhân tạo, Radcliffe nhớ lại chỉ dẫn hữu ích mà cha đỡ đầu trong nghề Gary Oldman từng nói: "Đừng ngại sử dụng câu chuyện của bản thân để khóc vì khán giả chỉ thấy điều xảy ra với nhân vật trên màn ảnh".
Nam diễn viên không chia sẻ chính xác đã thực hiện thủ thuật như thế nào mà chỉ cho biết mình đã thành công. Tuy nhiên qua bài phỏng vấn khán giả đã phần nào biết được Daniel Radcliffe từng trải qua chuyện buồn bã khiến anh mỗi khi nghĩ đến là rơi nước mắt.
Một số cần đồng nghiệp động viên
Will Smith là một ngôi sao dày dặn kinh nghiệm, nhưng trong những ngày đầu khi chập chững vào nghề với tư cách một diễn viên truyền hình, anh cũng mất khá nhiều thời gian để học cách biểu cảm trước máy quay.
Vai diễn trong "The Fresh Prince of Bel-Air" ban đầu khá nhẹ nhàng và nằm trong khả năng của Smith, cho đến mùa thứ 4 kịch bản bắt đầu yêu cầu một số thay đổi tâm lý bắt buộc nam diễn viên phải đào sâu. Ngôi sao 51 tuổi đã chuyển tải thành công cảm xúc mạnh mẽ, khinh bỉ của một người chịu rất nhiều tổn thương, mang đến đoạn độc thoại đau lòng khiến khán giả nhớ mãi trong phim.
Sau này, Smith mới chia sẻ anh có được cao trào đó là nhờ sự giúp đỡ của người chú trên màn ảnh James Avery. Avery đã không ngừng khích lệ, động viên, thậm chí thúc vào lòng tự tôn của Smith và chỉ ra tương lai rạng rỡ cho anh. Nhờ đó, ngôi sao "Gemini Man" đã có được động lực để chiến thắng bản thân mình và dồn sự tập trung cao độ khi hóa thân vào nhân vật.
Bị đe dọa đến... phát khóc
Lịch sử Hollywood từng có nhiều chuyện dị thường về việc các nhà làm phim sử dụng các mánh khóe như cực hình để khơi gợi phản ứng từ các ngôi sao. Ví dụ Alfred Hitchcock từng hành hạ Tippi Hedren trên trường quay "The Birds" để khiến nữ diễn viên sợ hãi thực sự. Hay Stanley Kubrick khiến Shelley Duvall ốm yếu bằng những lời thô bạo khi làm phim "The Shining" để cô rơi vào tình trạng tương tự nhân vật.
Cũng giống như vậy, một số diễn viên bị đồng nghiệp ép khóc trên phim trường dù họ có thích hay không. Khi còn là sao nhí, Jackie Cooper đã bị bắt nạt trước khi diễn cảnh khóc trong "Skippy" (vai diễn được đề cử Oscar khi Cooper mới 9 tuổi). Đạo diễn Norman Taurog dọa giết con chó của Cooper nếu không khóc ngay lúc đó.
Trúc An (Nguoiduatin.vn)