Vô duyên và vô cảm
Tôi nhớ không chính xác, nhưng hình như là vào khoảng 15 năm trước, miền Trung ngập trong mưa lũ. Hà Tĩnh, Quảng Bình bị tổn thất nặng với mấy chục người chết và mất tích. Một chương trình phát thanh đã bị phạt chỉ vì phát nhầm ca khúc có đoạn: "Mưa đi mưa đi đảo nhỏ trời mưa/ Mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa".
Rất nhiều người đồng tình về hình thức xử phạt đó. Ca khúc không có lỗi, âm nhạc không có lỗi, nhưng thời điểm nào mới là quan trọng. Giữa lúc dân tình đang tang thương trong cái ác của thiên tai, dẫu vô tình, những ca từ kia sẽ đột nhiên thành vô duyên và phản cảm.
Nếu so sánh, thì xin lỗi, phải thẳng thắn là việc tổ chức bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vừa rồi, tổ chức ngay trên đỉnh lũ Nha Trang, còn vô duyên và vô cảm hơn rất nhiều. Dù ban tổ chức có ra thông báo rằng chương trình đã lên sẵn kế hoạch từ lâu, không thể hủy - thì đó hoàn toàn chỉ là một cách chống chế. Nói vậy đâu có khác gì! Có thiên tai địch họa, bao nhiêu hoạt động sắp xếp sẵn hàng tháng trời của các cơ quan tổ chức còn quan trọng hơn, vẫn phải dừng phải hoãn - vì người dân, thì lẽ nào một đêm thi Hoa hậu không thể hoãn?
Không có gì là không thể, khi cái "có thể" đó sẽ ngăn chặn được việc các thành viên trong Ban tổ chức, rất nhiều người nổi tiếng tham gia đêm thi khi đó trở thành kẻ cười cợt trên nỗi đau của đồng bào. Hàng trăm cô gái trên đường chinh phục một cuộc thi để đội vương miện trên đầu, trong đó chắc chắn không thiếu những cô gái đến từ vùng đất ấy. Họ có yên lòng để thi không nếu ở quê nhà gia đình đang oằn mình vì lũ, sống chết còn chưa biết thế nào?
Và hàng loạt nhà tài trợ đã từng hiểu thế nào là chung tay cùng cộng đồng những lúc thiên tai hoạn nạn, và trên hết là sóng truyền hình Quốc gia, giữa lúc mà hàng loạt ánh mắt của đồng bào vẫn theo dõi về những người thân sống chết ra sao trong cái rốn lũ ấy, mà bật ti vi lên, là ánh sáng xanh đỏ, là những màn áo tắm mát mẻ của các cô thí sinh Hoa hậu, là những nụ cười, là những nhận xét tỉnh bơ... Nói thật, khó lòng mà có thể chấp nhận được điều đó!
Độ phản cảm sẽ tăng lên khi mà, cuộc thi Hoa hậu là cuộc thi tìm ra những vẻ đẹp thật sự, những gương mặt có thể đồng hành với những dự án hỗ trợ cộng đồng, đúng nghĩa với "cái đẹp xoa dịu nỗi đau". Nhưng ở đây, Ban tổ chức vẫn để các em vô tư thi thố như không có gì xảy ra. Dĩ nhiên, các em đâu thể cãi Ban tổ chức, đâu thể cãi nhà tài trợ. Các em chẳng có lỗi. Và, người biến hình ảnh các em trở nên méo mó trong cơn hoạn của đồng bào, chính là Ban tổ chức, Ban giám khảo.
Khi cái đẹp thành sự nhức mắt!
Khi buổi tối là bán kết Hoa hậu Hoàn vũ, thì ở Hà Nội, buổi sáng, lại họp báo một cuộc thi phản cảm chẳng kém: Hoa hậu biển Việt Nam toàn cầu. Một cuộc thi góp thêm sự nhiễu nhương thừa mứa của "nạn" thi Hoa hậu nhiều như hiện tại.
Tôi thấy Giáng My, Hoa hậu Đền Hùng; tôi thấy "2 Kỳ Duyên", một cô là MC nổi tiếng từ hải ngoại tới Việt Nam, một cô là Hoa hậu Việt Nam hẳn hoi, đều rạng rỡ trong buổi họp báo ấy. Các cô lộng lẫy, các cô điệu đà, các cô không biết hay không cần biết siêu bão đang tấn công khiến miền Nam tan hoang?
Nhìn nụ cười của các thí sinh, nụ cười của Ban Giám khảo, và sự lộng lẫy của các cô Hoa hậu, các anh chị nghệ sĩ trong những chương trình này, bên một biển nước mênh mông và những phận người chạy lũ để cứu mạng sống của mình, tự dưng tôi thấy những thứ gọi là "cái đẹp" bên trên sao mà nhức mắt đến thế!
Trên Facebook, nhiều "hot facebooker" nói rằng tại sao lại đi lên án Ban tổ chức, Giám khảo của 2 cuộc thi ấy. Theo lý lẽ của họ, các chương trình đã có kế hoạch từ trước, việc thực hiện kế hoạch đó chẳng có gì sai. Thậm chí, có chị còn cho rằng, cuộc thi ấy đang... tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Sau đó, còn nói rằng, người Việt Nam khắt khe với nhau, người nước ngoài như vậy là... bình thường!
Có bình thường thật không? Và "nước ngoài", cụ thể là nước nào, xem điều đó là "bình thường"?
Nước Mỹ, với vụ khủng bố đẫm máu tại Las Vegas hơn 1 tháng trước, khiến 50 người chết, thì 3 bộ phim là Blade Runner 2049, Marshall, Wonder Wheel phải hủy lễ ra mắt. Trong đó, có sự kiện chỉ vài tiếng nữa là tiếp báo chí. Ban tổ chức đã gửi lời chia sẻ và cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân thay vì họ vẫn "vô tư ra mắt" dù có "kế hoạch" từ trước.
Một đất nước có nền công nghiệp giải trí khá phát triển là Hàn Quốc, trong sự kiện lật phà năm 2014 khiến hơn 300 người chết, ngay lập tức ba công ty truyền hình lớn MBC, SBS, KBS đã cho dừng phát sóng các chương trình truyền hình. Những nghệ sĩ lớn, những ngôi sao ca nhạc như Kim Soo Hyun, Lee Min Ho..., cũng hủy tất cả các chương trình của riêng họ.
Vậy, với trận bão vừa qua - ở thời điểm mà đêm bán kết Hoa hậu hoàn vũ diễn ra (đêm 4/11), đã đủ tan hoang chưa khi khắp nơi là cảnh nước ngập, tốc nóc nhà; điện mất; đã đủ đáng sợ chưa khi trận bão số 12 được coi là mạnh nhất 20 năm qua đổ bộ vào chính Khánh Hòa; đã đủ đau đớn chưa khi con số thống kê chính thức được đưa ra tính đến 17 giờ cùng ngày, là 20 người chết (18 người tại các tỉnh và 2 người do sự cố tàu vận tải); 17 người mất tích (6 người tại các tỉnh và 11 người do sự cố tàu vận tải); 531 nhà sập đổ; 23.755 nhà tốc mái, hư hỏng.
Việc hoãn đêm Bán kết liệu có cần phải bàn cãi nữa không?
Hãy nhớ rằng, khi bạn tách bạn ra khỏi những giá trị lớn của xã hội, đặc biệt là giá trị nhân văn, cũng là lúc bạn đã quay lưng lại với xã hội mà bạn đang sống. Và dù bạn là ai, bạn quan trọng như thế nào trong xã hội, mà bạn vô cảm, bạn vui cười trước nỗi đau của đồng bào, thì bạn tự khai tử các giá trị cốt lõi mà bạn tạo dựng, thưa Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu biển Việt Nam toàn cầu và tất cả những doanh nghiệp, những đơn vị đồng hành, và những nghệ sĩ đồng hành với các chương trình này!
Theo Hoàng Nguyên Vũ (Thời Đại)