Bằng Kiều cùng Trần Hiếu, Hà Trần, Tấn Minh và Mỹ Linh trong live show Để nhớ một thời khá đông khách dịp 8-3 tại Hà Nội - Ảnh: Oscar Town |
Dù sô Hồ Quỳnh Hương không diễn ra như dự định, nhưng Hà Nội vẫn bận rộn với hai chương trình liên tiếp là live show Lời yêu thương - Xin hát tặng riêng em vào ngày 6 và 7-3 và đêm nhạc Nỗi nhớ một dòng sông vào ngày 8-3 tại Nhà hát Lớn.
Tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội, Bằng Kiều cũng hội ngộ với ba bạn học nổi tiếng là: Mỹ Linh, Tấn Minh và Hà Trần trong đêm nhạc Ðể nhớ một thời vào ngày 7 và 8-3. Trong khi đó, TP.HCM gần như không có đêm nhạc nào nổi bật.
Trong tháng 3, chỉ thấy mỗi Ðàm Vĩnh Hưng thực hiện một sô cỡ nhỏ cùng các đồng nghiệp trẻ tại sân khấu 126 và live show Khánh Bình - Một trái tim hai tiếng hát vào ngày 19-3 tại sân khấu Trống Ðồng.
Một “bầu sô” trẻ tại TP.HCM cho biết hiện bán vé ca nhạc (giá cao) ở Hà Nội dễ hơn tại TP.HCM vì bên cạnh lượng khán giả có nhu cầu mua vé thưởng thức còn có một bộ phận rất đông cá nhân, đơn vị mua vé để làm quà biếu “người ơn”, đối tác.
Còn lại hai đêm nhạc của Hồ Ngọc Hà và Ðàm Vĩnh Hưng vào cuối năm đều không “cháy vé” như kỳ vọng. Dream team & Khoảnh khắc vàng (tháng 8-2014) quy tụ gần 10 ca sĩ nổi danh thời kỳ Làn sóng xanh như: Lam Trường, Cẩm Ly, Quang Dũng, Thanh Thảo, Ðàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc, Mỹ Tâm, Phương Thanh... cũng chỉ bán hơn 1/3 số ghế tại sân khấu ca nhạc Lan Anh.
Và chương trình Young hit, young beat đầy sáng tạo với một không gian âm nhạc tươi mới của Mỹ Linh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Tại Hà Nội, tình hình bán vé tuy có khả quan hơn nhưng theo các nhà tổ chức, dù vé có bán hết cũng không lời là bao, có chương trình “sạch vé” vẫn lỗ. Không gian âm nhạc là một ví dụ. Số nào của Không gian âm nhạc cũng chật kín khán giả, nhưng doanh số bán vé vẫn không bù nổi chi phí sản xuất nên chương trình đành “đóng cửa” sau khoảng hai năm tung hoành.
Dù vậy, ông Nguyễn Thanh Tùng - đại diện Công ty Mỹ Thanh, đơn vị tổ chức In the spotlight - sớm đưa ra nhận định dù đầu tư nhiều, biên tập âm nhạc kỹ càng nhưng chương trình cũng sẽ không dễ bán được vé. Ðặc biệt, việc đưa cả êkip vào TP.HCM làm chương trình sẽ phát sinh chi phí rất lớn và dù bán hết vé vẫn lỗ.
Live show ở Hà Nội dễ hút khách hơn Trước sự thưa vắng sô ca nhạc đình đám tại TP.HCM, nhà báo Ngô Bá Lục (trưởng ban văn hóa - thể thao - giáo dục báo điện tử VnMedia.vn, cũng là một người theo rất sát các chương trình ca nhạc trong Nam lẫn ngoài Bắc) nhận định: “Thật ra TP.HCM vẫn là nơi diễn ra các hoạt động sôi nổi nhất, gần như hằng đêm ở nhiều sân khấu, tụ điểm hay phòng trà. Vậy nên khi có một sô lớn, khán giả cũng không quá quan tâm. Còn tại Hà Nội, thi thoảng mới có một chương trình được đầu tư cẩn thận, thường là vào các dịp lễ. Vì vậy mỗi lần có chương trình đều rất dễ quảng bá và thu hút khách đến xem”. |
Mãn nhãn với ca nhạc truyền hình Hiện nay, ca nhạc truyền hình gần như đáp ứng mọi nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả. Muốn nghe nhạc xưa đã có Sol vàng, Tình khúc vượt thời gian, Tình bolero (VTV9)... Muốn nghe nhạc trẻ đã có Tôi tỏa sáng (VTV9), Bài hát yêu thích (VTV1). Muốn nhạc theo yêu cầu đã có Thay lời muốn nói (HTV). Muốn thưởng thức những sáng tác mới đã có Bài hát Việt (VTV3). Muốn nghe ca khúc cách mạng đã có Giai điệu tự hào (VTV1), Những bài hát còn xanh (VTV6)... Ðó là chưa kể những chương trình ca nhạc tổng hợp, chọn lọc trên các kênh truyền hình dành cho giới trẻ như: MTV, YAN TV, Yeah1... Bên cạnh đó là các chương trình truyền hình thực tế, tìm kiếm tài năng ca hát xoay vòng các kênh vào giờ vàng suốt năm như Hòa âm ánh sáng, Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc VN, Gương mặt thân quen, Tiếng hát truyền hình, Tiếng hát mãi xanh, Sao Mai, Sao Mai - Ðiểm hẹn, Tuyệt đỉnh tranh tài, Gia đình tài tử, Ðồ Rê Mí...Với ngần ấy chương trình trên sóng truyền hình, không một giọng ca nào không được mời mọc và tận dụng. |