Phim ban đầu định lấy luôn Tà Năng- Phan Dũng làm tên. Đây là cung đường khám phá được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam, đồng thời được khoác lên nhiều giai thoại tâm linh hư thực. Những câu chuyện này được lan truyền rộng rãi trong giới phượt và có thể dễ dàng tiếp cận trên YouTube do các nhân chứng sống thuật lại dưới đủ mọi góc độ.
Ngay sự kiện có thật như tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm của phượt thủ tên Kiện vào tháng 5/2018 cũng được lồng vào những giả thuyết tâm linh ma mị. Hàng trăm tình nguyện viên mất 8 ngày mới tìm được và đưa thi thể nạn nhân ra khỏi thác Lao Phào- một địa điểm hiểm trở cách xa tuyến đường du lịch. Nghe nói vẫn còn những hài cốt phải nằm lại nơi này vì mất tích từ thời lạc hậu, chưa có phương tiện hỗ trợ tìm kiếm như bây giờ.
Có ý kiến cho rằng phim ăn theo sự kiện kia, nhưng đạo diễn cho hay: “Phim này là địa điểm chọn tôi, chứ không phải tôi chủ động chọn”. Anh kể sau khi hoàn thành phim đầu tay Bắc Kim Thang có đi xả hơi tại Tà Năng Phan Dũng: “Chính đêm nghỉ lại cung đường này, một cảm giác không diễn tả được bắt tôi phải làm bộ phim về nơi đây, hình ảnh kịch bản cũng từ đêm đó mà dần dần hình thành”. Thuận lợi đầu tiên của đoàn phim là tư liệu khá nhiều, không khó để tiếp cận. Tuy nhiên phim chỉ dựa trên một số mốc thực tế (chẳng hạn chi tiết mảnh giấy găm trên cây, địa điểm gặp nạn…), còn lại là hư cấu.
Phân đoạn “hư cấu” gây tranh cãi nhất phim chính là lúc nhân vật Kiên “tự xử” khi đi lạc giữa rừng. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng đây là “yếu tố tự nhiên và bản năng của con người” có tác dụng “giải tỏa căng thẳng trong cơn ảo tưởng, mù mịt về phương hướng”. Anh cũng khẳng định tính logic và chân thật của hành động này đối với nhân vật có cá tính mạnh, nội tâm phức tạp như Kiên. Quả thực Kiên là nhân vật khá hỗn loạn về tâm lý và dù là nhân vật chính nhưng khó gây cảm tình với khán giả. Cá tính đó có phần hơi mâu thuẫn với tinh thần xả thân vì bạn anh thể hiện về sau.
Đạo diễn cho hay đã nghiên cứu rất kỹ về tâm lý học mới đưa cảnh "tự xử" vào phim. Nhưng nhiều khả năng anh cũng đã nghiên cứu phim 127h- đạo diễn Danny Boyle dựa theo hồi ký của vận động viên leo núi Aron Ralston. Ở phim này nhân vật bị kẹt trong khe núi không thể đi đâu được…
Theo logic thông thường, con người có lý trí khi bị lạc giữa rừng trước hết sẽ tập trung vào việc tìm đường, tự cứu lấy mạng sống trước đã. Không gian rộng sẽ thu hút sự chú ý của anh ta đến xung quanh hơn là vào ẩn ức của chính mình. Mặt khác lúc này vừa lo cho bạn vừa lo cho mình liệu còn tâm trạng dẫn tới hành động kia?!
Tóm lại ngay từ đầu phim đã khắc họa Kiên như một kẻ khó ở như thể lợi dụng cuộc đi chơi để gây sự với tất cả mọi người. Thêm sự phụ họa của Ngọc, cũng là một nhân vật tâm lý yếu, tích cực đổ dầu vào lửa. Nói chung phim dọn đường một cách khá lộ liễu cho những sự kiện bi kịch về sau. Dù trong phim sinh tồn, chuyện may rủi hoàn toàn có thể xảy đến mà không liên quan nhiều đến tính tình hay nhân thân của người liên quan. Cũng có thể hiểu các nhân vật này "yếu bóng vía" dẫn đến những biểu hiện kỳ quặc đó. Không loại trừ, vì Rừng thế mạng còn là phim kinh dị.
Tất nhiên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có người dẫn đoàn chuyên nghiệp thì khó mà có chuyện để làm phim kiểu này. Nhóm phượt trong phim dù có trưởng nhóm dẫn đường, có liên lạc trước với một số cửu vạn địa phương để dựng lều trại nhưng các thành viên lại không có la bàn, không sạc dự phòng và tất nhiên không bộ đàm. Và quan trọng là không hề có sự đoàn kết chia sẻ lẫn nhau. Có khán giả thắc mắc nếu ghét nhau thế thì còn rủ nhau đi chơi làm gì?! Hai nhân vật nam thân thiết như kiểu anh em kết nghĩa lên núi bỗng thành cừu thù vì chuyện không đâu. Các tình tiết tạo nên sự bất hòa trong nhóm quá vụn vặt, thiếu hợp lý.
Chỉ vì điện thoại hết pin mà Kiên sẵn sàng quẳng đi, và bỏ cả lều để chạy vì sợ ma là hành động hết sức khó hiểu. Có thể nói là phim dùng đủ mọi cách để đẩy nhân vật đến cao điểm bi kịch. Nhưng song song với đó cũng cho nhân vật nhiều sức chịu đựng hơn bình thường. Ở hoàn cảnh mà người bình thường sẽ sốt, ngất hoặc chết vì mất máu thì nhân vật vẫn can trường tiến lên. Có vẻ noi gương nhân vật trong Touching the void (Chạm vào hư không)?! Phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Kevin Macdonal về một nhà leo núi tuyết thoát hiểm ngoạn mục với cái chân gẫy.
Nếu đã gọi là phim sinh tồn thì những chi tiết như làm thế nào để bắt được ếch đáng đưa vào nhưng phim chỉ cho thấy mỗi cảnh Kiên ăn ếch một cách rất quyết đoán. Rừng thế mạng xem ra vẫn là những phân cảnh rời rạc trong điều kiện có thể thực hiện được của đoàn phim chứ chưa được là một câu chuyện chi tiết, liền mạch.
Dù sao sự tiên phong trong dòng phim khó cũng đáng khích lệ. Chỉ tiếc cho ý tưởng kịch bản tốt với cái kết bất ngờ, xúc động đã không được “truyện hóa” đến nơi đến chốn. Phim sinh tồn không có nghĩa là quăng quật đủ kiểu thể hiện sự sống dai của nhân vật mà cái cốt lõi phải làm toát lên khát vọng sống, ý chí mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh của nhân vật.
Theo Nguyễn Mạnh Hà (Tiền Phong)