Review 'Spider-Man: No Way Home': Đập tan hoài nghi về một siêu anh hùng trẻ trâu và nông cạn

22/12/2021 09:44:59

Với “Spider-Man: No Way Home”, Marvel đã hoàn tất hành trình trưởng thành của Peter Parker và mở ra một tương lai nhiều tiềm năng cho nhân vật này.

Khi hãng truyện tranh Marvel đứng trên bờ vực phá sản và phải dứt ruột bán đi những đứa con tinh thần của mình, cái tên được nhiều người săn đón nhất không phải là Iron Man, Captain America hay Thor mà lại chính là Spider-Man. Anh chàng đu tơ khi ấy được xếp vào hàng ngũ những nhân vật hạng A, nổi tiếng nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong dàn siêu anh hùng Marvel. Đó là bởi thay vì cố gắng phác họa một nhân vật hư cấu, hai tác giả Steve Ditko và Stan Lee đã lấy những chất liệu từ thực tế để xây dựng nên một Peter Parker đầy tính người, cùng câu chuyện gần gũi với những sai lầm, mất mát và tổn thương như bao người.

Review 'Spider-Man: No Way Home': Đập tan hoài nghi về một siêu anh hùng trẻ trâu và nông cạn

Cũng giống như Batman bên nhà DC, Spider-Man là nhân vật dù có làm thêm bao nhiêu bộ phim, với bao nhiêu phiên bản diễn viên thì cũng không bao giờ khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Từ trilogy đầu tiên của Tobey Maguire cho tới hai phần The Amazing Spider-Man của Andrew Garfield, chúng ta luôn được nhìn thấy những khía cạnh mới mẻ của nhân vật thông qua hướng khai thác mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi đạo diễn.

Review 'Spider-Man: No Way Home': Đập tan hoài nghi về một siêu anh hùng trẻ trâu và nông cạn - 1

Ở phiên bản của Tom Holland, Peter Parker đã khiến khán giả thích thú với hình tượng nhân vật không đụng hàng. Đó là một cậu nhóc tuổi teen lắm mồm, tính cách sôi nổi nếu không muốn nói là bốc đồng và đặc biệt luôn phấn khích với những điều mới mẻ. Thế nhưng đối với nhiều người, điều ấy đi đôi với sự trẻ trâu, nông cạn trong cốt truyện và khác xa so với những gì mà họ thường tưởng tượng về Spider-Man.

Review 'Spider-Man: No Way Home': Đập tan hoài nghi về một siêu anh hùng trẻ trâu và nông cạn - 2

Mặc dù hiểu điều đó, Marvel vẫn kiên nhẫn với lộ trình của mình. Spider-Man: Homecoming và Spider-Man:Far From Home có thể thiếu đi những triết lý và bài học sâu sắc, nhưng đó là bước đệm cần thiết để tạo nên một Spider-Man: No Way Home bùng nổ.

Spider-Man của Tom Holland thường bị nhận xét là đứa trẻ sống trong sự bao bọc của người lớn. Cậu được dì May chăm sóc; được ông chú Tony Stark nhận làm đệ tử và ưu ái dành tặng cho những bộ giáp xịn sò; được các cô các chị đứng ra bảo vệ khi gặp nguy hiểm trong Avengers: Endgame; được Happy và Nick Fury hỗ trợ hết mình trong Spider-Man: Far From Home. Thế nhưng, khán giả có thể nhận thấy rằng những người đóng vai trò bảo trợ ấy càng lúc càng rời xa vì nhiều lý do khác nhau như một điều bất di bất dịch của quá trình trưởng thành. Một đứa trẻ hiểu chuyện sẽ dựa vào những mất mát mà càng trở nên cứng cỏi và tự bước đi trên đôi chân của mình. Đó chính là hành trình của Spider-Man trong MCU được thể hiện qua ba phần phim. 

Review 'Spider-Man: No Way Home': Đập tan hoài nghi về một siêu anh hùng trẻ trâu và nông cạn - 3

Sẽ thật khó để có được một trải nghiệm giàu cảm xúc như vậy nếu như Peter Parker không được định hình sẵn là một người non nớt ở hai phần đầu. Đối với cậu, Spider-Man: No Way Home chính là hồi kết của sự trưởng thành. Ở đó, cậu phải tự mình đưa ra những quyết định quan trọng, dù nó có thể đúng hoặc cũng có thể sai, bởi “sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng cao”. Hơn hết, tất cả những phẩm chất hội tụ trong Peter như đức tính hy sinh, lòng vị tha, trái tim cảm thông đều cho thấy cậu đã sẵn sàng để lột xác trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.

Review 'Spider-Man: No Way Home': Đập tan hoài nghi về một siêu anh hùng trẻ trâu và nông cạn - 4

Có nhiều khán giả ví von Spider-Man: No Way Home giống như Avengers: Endgame theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điều đó không sai, bởi cả hai đều là hành trình của cảm xúc. Tác phẩm này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa Peter với các nhân vật khác, điều đã được dày công xây dựng thông qua các chi tiết rất nhỏ xuyên suốt trilogy.

Cảm xúc ấy còn đến từ những màn hóa thân và tương tác tuyệt vời của các diễn viên. Tom Holland chứng minh thực lực của mình ở tất cả phân cảnh dù là hành động hay tình cảm. Nam diễn viên người Anh đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc trong những giây phút tâm trạng, với thần thái có thể sánh ngang với diễn viên hàng đầu.

Review 'Spider-Man: No Way Home': Đập tan hoài nghi về một siêu anh hùng trẻ trâu và nông cạn - 5

Bên cạnh Tom Holland, điểm sáng ở khía cạnh diễn xuất còn thuộc về Willem Dafoe. Tài tử 66 tuổi trong màn tái ngộ vai diễn Green Goblin vẫn khiến khán giả phải nức nở với khả năng thần sầu của mình giống hệt những gì ông đã làm gần 20 năm về trước. Nhờ cởi bỏ lớp mặt nạ của tên phản diện mà diễn xuất của Willem Dafoe càng trở nên chân thực với sắc thái biểu cảm thay đổi nhanh đến chóng mặt giữa hai bản thể thiện và ác.

Review 'Spider-Man: No Way Home': Đập tan hoài nghi về một siêu anh hùng trẻ trâu và nông cạn - 6

Với những fan Marvel nói chung và fan của “nhện nhọ” nói riêng, Spider-Man: No Way Home chắc chắn là một trải nghiệm tuyệt vời và khơi gợi lại những ký ức đẹp đẽ một thời. Nó còn giúp đập tan đi những hoài nghi trước đây của khán giả khi khép lại hành trình trưởng thành giàu cảm xúc của Peter Parker và mở ra những tương lai rất rộng mở cho nhân vật này.  

Theo Châu Hải Bình (Saostar.vn)