Sự nghiệp cả chục năm không dậy sóng, nhưng rồi chỉ nhờ một vai diễn, cuộc sống của Quốc Trường đã hoàn toàn thay đổi. Anh bận bịu hơn với những tin nhắn, bị “truy lùng” ráo riết hơn bởi những cuộc gọi hẹn phỏng vấn. Thế nhưng với cả báo chỉ và khán giả, Quốc Trường vẫn giữ được sự điềm tĩnh và chuyên nghiệp của một người nổi tiếng.
Trong buổi phỏng vấn dài gần hai tiếng vào buổi chiều nắng, nhiều lúc chúng tôi thoáng thấy sự mệt mỏi nơi ánh mắt của Quốc Trường. Nhưng rồi anh ngay lập tức nở một nụ cười rất tươi, như vừa để lấy lại tinh thần cho mình, vừa để động viên cả ekip.
Khán giả thích Vũ, rồi tìm hiểu nên thích cả Quốc Trường!
1.Hiện tại Trường đang rất được quan tâm, anh nghĩ khán giả thích mình với hình ảnh Quốc Trường hay hình ảnh của Vũ Sở Khanh?
- Nếu nói khán giả thích Quốc Trường hay thích Vũ, thật khó để tôi trả lời. Vũ chính là điểm nhấn rất sáng trong sự nghiệp diễn xuất, khiến cho cái tên Quốc Trường trở nên quen thuộc hơn ở màn ảnh nhỏ phía Bắc. Vũ đẩy Quốc Trường lên, nhưng chính bản thân Quốc Trường cũng là yếu tố cộng hưởng để tình cảm của khán giả cho Vũ trở nên tròn đầy.
- Nói như vậy bởi khi khán giả đã yêu thích Vũ, dĩ nhiên sẽ tìm hiểu xem người đã “làm nên” thằng Vũ bad boy đấy là người sống như thế nào. Và khi biết về mình rồi có lẽ mức độ ghét của khán giả dành cho Vũ đã bớt đi phần nào. Dĩ nhiên, tôi không dám khẳng định mình là một người thực sự tốt, nhưng ở một góc độ nào đó, tôi không phải một bad boy. Chẳng người phụ nữ nào thích quen biết với người con trai lăng nhăng, chơi bời quá cả!
- Trên góc nhìn của cá nhân tôi, có thể vì mình là gương mặt quá mới lạ với khán giả phía Bắc, nên vai diễn lần này cũng có nhiều sức hút hơn. Đặc biệt, giọng nói của mình khác biệt với các bạn diễn cũng là thứ khán giả phải để tâm. Khi mới lên sóng, Vũ bị phê bình nhiều về âm vực lắm, nhưng rồi sau dần vì đã yêu nên khán giả lại thấy dễ chịu hơn mỗi khi Vũ lên tiếng.
- Điều cuối cùng, cũng chính là điều Quốc Trường thấy Vũ khiến khán giả phải yêu, đó là Vũ rất có hiếu với ba mẹ. Dù Vũ có ăn chơi cỡ nào, thì khán giả vẫn sẽ cảm nhận được đây là đứa con có hiếu. Cái hiếu nghĩa đó sẽ cứu lại tất cả. Chuyện này đúng cả trong phim và ngoài đời luôn! Dù bạn có ăn chơi cỡ nào đi nữa, nhưng bạn có hiếu với gia đình thì cái nhìn của người ta về bạn cũng bớt ác cảm hơn.
2. Quốc Trường từng chia sẻ Vũ chính là một cuốn album trải nghiệm thật của mình từ lúc mới lớn đến khi trưởng thành, vậy có điều gì Vũ dạy ngược lại được cho Quốc Trường, rồi sau đó anh mang bài học áp dụng vào đời thật của mình không?
- Bài học thì nhiều lắm nhưng nói ra lại lộ hết phim mất. Còn nếu chỉ tính đến thời điểm bây giờ là tập 30, điều quý giá nhất Quốc Trường học được từ Vũ chính là nếu mang danh một người đàn ông thì phải sống kĩ hơn, đặc biệt trong chuyện trai gái. Hãy hạn chế chuyện mình làm tổn thương những người phụ nữ xung quanh đi! Nếu mình chưa hẳn yêu người đó, thì cố gắng đừng đến sâu với người ta để rồi nhận kết quả không như ý muốn. Nó có thể là tổn thương tinh thần, nhưng thậm chí cũng có thể là một đứa con.
3 .Với những thông tin phim đang bị leak ra ngoài, rất có khả năng chuyện tình bạn của Dũng và Vũ sẽ đứng ở bờ vực vì “cô em Xính Lao". Vậy theo anh, nếu Vũ cố chấp không tiến tới với Thư, còn Dũng lại có thể làm tốt vị trí một người cha thì Vũ có nên chấp nhận để bạn thân chăm sóc vợ và con không?
- Chuyện chấp nhận cho đi hay giữ lại lần này cả Vũ và Dũng (Anh Vũ) đều không có quyền quyết định. Vấn đề nằm tất cả ở Thư (Bảo Thanh). Nếu Thư thực sự thương Dũng thì Vũ nên cho cô gái này sự giải thoát. Mặt khác, Vũ và Dũng cũng là bạn thân bao nhiêu năm, giờ cùng nhau chăm sóc một đứa con có lẽ lại là điều hay. Trong hoàn cảnh này, nếu những người đàn ông nên rộng lượng và vị tha thì câu chuyện của ba nhân vật sẽ không đố kị, bớt ghen tuông và thôi dằn vặt hơn.
4. Việc Về Nhà Đi Con đột nhiên hot hơn hẳn các phim đang chiếu cùng giờ mang đến cho ekip nói chung và anh nói riêng những điều thú vị hay trở ngại gì?
- Việc Về Nhà Đi Con nhận được sự quan tâm lớn của khán giả thực ra đã khiến đoàn phim ảnh hưởng khá nhiều. Tình yêu thương của khán giả chính là một ảnh hưởng tích cực, nhưng một phần cũng đem lại trở ngại cho đoàn phim. Khó khăn về tiến độ, về âm thanh, hình ảnh đều có. Nhưng có lẽ điều đáng đáng lo ngại nhất là lộ về thông tin bộ phim, và mình phải chấp nhận điều này. Về Nhà Đi Con đâu thể mời đủ vệ sĩ để giám sát tại phim trường. Đồng ý rằng việc lộ nội dung phim có thể khiến Về Nhà Đi Con trở nên hot hơn, gây tò mò hơn; thế nhưng cũng để lại nhiều rủi ro lắm!
5. Khán giả đặc biệt nhất của Về Nhà Đi Con mà anh từng gặp là một người như thế nào?
- Nếu nói là đặc biệt nhất thì không có đâu, vì nhiều cái nhất quá. Tập khán giả của Về Nhà Đi Con không chỉ riêng thanh niên, hay người trung tuổi, người lớn tuổi. Họ là tất cả mọi người, không kể là ai, làm nghề gì… Nếu phải nhắc tới kỉ niệm khó quên thì chắc chắn là ánh mắt dành cho tôi của một vị chủ tịch khách sạn – nơi mà tôi đến ghi hình.
- Không chỉ đến nơi cảm ơn từng diễn viên trong đoàn, anh ấy còn nhắc tôi rằng “Vũ! Mày khốn nạn, nhưng diễn đáng yêu lắm nha!”. Chưa hết, anh còn mời tôi vào phòng riêng để chỉ cho tôi những món đồ quý giá mà anh sưu tầm được. Lúc ấy không còn khoảng cách của khán giả với diễn viên nữa rồi, ánh mắt của anh ấy thực sự là một người bạn muốn giãi bày tâm sự với mình.
6. Mỗi nhân vật đều có một cá tính cốt lõi của mình, nhưng đến thời điểm hiện tại, có phải nhân vật Vũ đang hơi mâu thuẫn không? Khi ra đời, đây đích thị là một “con cáo” nhưng lại rất khờ khạo, ngô nghê với cha mẹ, tại sao lại như vậy?
- Xây dựng nhân vật Vũ như vậy chính là ý đồ của người biên kịch. Vũ từ nhỏ đã đi du học, sau lại về sống tại Sài Gòn, việc Vũ không hiểu hết ý đồ thâm sâu của ông Luật (NSND Hoàng Dũng) là một chuyện khá logic. Khi mới ra Bắc, Vũ đâu hiểu gì đâu. Ngay cả Quốc Trường cũng vậy thôi! Nhiều lúc các anh chị em đoàn phim nói chuyện mà tôi không hiểu gì luôn.
- Sau này, có một câu thoại của Vũ hỏi ông Luật “Cám là gì hả bố?”. Sau khi quay xong tôi có hỏi lại đạo diễn rằng “Anh ơi thế cám thực ra là gì?” vì không biết thật mà anh còn không tin là câu hỏi nghiêm túc. Dĩ nhiên “cám” thì ai cũng biết đó là gì, nhưng ở một vài hoàn cảnh mà ý nghĩa câu nói lại trở nên khác biệt. Nhất là với ông Luật – một người chuyên nói những câu có hàm ý thâm sâu để “đá thẳng” đứa con trai duy nhất của mình.
Một cuộc “Bắc tiến” thành công!
1. Khi tạm thời rời bỏ thị trường màu mỡ ở miền Nam ra Bắc, anh có cảm thấy mình bỏ lỡ điều gì ở trong Nam?
- Tôi chỉ được thôi, chứ không mất, cũng không bỏ lỡ gì cả. Với nghệ thuật, không có gì gọi là hy sinh cả! Bạn diễn, đổi lại bạn có danh vọng, sự nổi tiếng… cho nên không gọi là hy sinh được. Chính xác ra phải dùng từ đánh đổi. Tôi chấp nhận đánh đổi thời gian bên cạnh gia đình, chấp nhận không quản lý công việc ở trạng thái tốt nhất; nhưng những gì hôm nay tôi có được thậm chí còn nhiều hơn những gì tôi đánh đổi.
- Phải nói, tôi đang được sống trong những ngày đỉnh cao của một người nghệ sĩ. Cái “đỉnh cao” đó không phải chuyện sao hạng A, hay cát-xê thay đổi như thế nào, mà “đỉnh cao” đối với tôi chính là được xây bằng sự hạnh phúc trong tình yêu thương của khán giả.
2. Nhiều người nói truyền hình miền Nam đang “giãy chết”, phần vì phim không chất lượng, phần vì nghệ sĩ lo chạy show hết, cho nên những diễn viên đam mê diễn xuất đang đổ dần ra màn ảnh nhỏ phía Bắc, anh nghĩ thế nào về chuyện này?
- Việc anh chị em nghệ sĩ đổ ra Bắc hay không thì tôi không rõ, nhưng công bằng mà nói thì hiện tại phim ngoài Bắc đạt được hiệu ứng và tương tác của khán giả tốt hơn. Còn phim phía Nam không được đón nhận nhiều có lẽ là đúng. Số liệu tương tác của phim truyền hình trong Nam giảm hẳn, thay vào đó là tập trung dần sang gameshow hoặc phim chiếu rạp.
- Phim truyền hình phía Nam đã từng ở đỉnh cao vào khoảng 10 năm về trước, nhưng hiện tại thì khác rồi. Tôi tin rằng đến một lúc nào đó, thị trường phim truyền hình phía Nam sẽ thịnh vượng trở lại bởi đội ngũ làm phim trong đó thực sự rất giỏi. Chỉ là giới hạn kinh tế khiến cho sản phẩm không được tròn trịa và chỉn chu thôi!
3. Được làm việc chung với cả ekip Nam và Bắc, theo anh điểm khác nhau trong phong cách làm việc của hai nơi là gì?
- Sự khác biệt lớn nhất với tôi chỉ là văn hoá giữa người với người thôi. Cách ứng xử của hai miền khác lắm! Còn nói về phong cách làm việc thì người ngoài Bắc có phần kĩ càng và tỉ mẩn hơn. Có những phân cảnh ekip dành ra 2 tiếng đồng hồ để sửa từng câu thoại sao cho hợp lý nhất, chặt chẽ nhất.
4. Quốc Trường có chia sẻ ở một bài phỏng vấn khi là người miền Nam ra Bắc quay phim hay bị người miền Bắc trêu, anh đã từng bị như vậy chưa?
- Không chỉ trong đoàn phim đâu mà kể cả bạn bè chơi với nhau cũng bị đùa nữa. Người ngoài này rất thích dùng câu chữ để chọc ghẹo nhau, nói chuyện lại ẩn ý và thâm sâu nhưng tôi đâu có hiểu nổi! Thậm chí khi mình hỏi tới hỏi lui vì tưởng đó là thật thì bị mắng là “Thôi đừng có diễn nữa Trường, đời dạy mày bao nhiêu năm, rồi mở bao nhiêu cái nhà hàng mà hỏi câu ngớ ngẩn vậy!”.
Cảm ơn Quốc Trường vì buổi phỏng vấn này. Chúc anh luôn thành công trong sự nghiệp.
Theo Bảo Anh (Helino)