Theo đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese, điện ảnh ban đầu không thực sự ra đời với mục đích kể một câu chuyện hay, nhân văn. Lúc đó, người ta trả tiền đi xem chiếu bóng chỉ để trải nghiệm những hình ảnh có thể mang đến sự hứng khởi hay cảm xúc mãnh liệt. Và các nhà làm phim dần nhận ra một trong những loại nội dung dễ bán vé nhất chính là nỗi sợ.
Chỉ vài năm sau khi Thomas Edison đăng ký bằng sáng chế chiếc máy quay đầu tiên, các nhà làm phim Pháp đã cho ra đời một tác phẩm kinh dị dài 3 phút với nhan đề Le Manoir du diable (1896). Cũng từ đó, thể loại này dần trở thành một dòng chảy có sức sống mãnh liệt trong lịch sử điện ảnh thế giới. Đây thường không phải thể loại ra đời để đi thi những giải thưởng danh giá nhưng cực kỳ được ưa chuộng vì khả năng thu hồi vốn và sinh lời.
Các nhà làm phim Việt Nam từ lâu cũng đã nhìn thấy tiềm năng của thể loại đặc thù này. Trong những năm gần đây, các tác phẩm kinh dị nước nhà đã có những bước phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng, đặc biệt khi hệ thống kiểm duyệt cởi mở hơn và cho phép sản xuất những câu chuyện ''ma thật''. Mới đây, series Tết Ở Làng Địa Ngục gây chú ý khi vượt nhiều bom tấn quốc tế để chiếm vị trí top 1 trên Netflix Việt Nam. Dù không thiếu điểm trừ, bộ phim nhận nhiều lời khen vì sự chỉn chu trong các khâu bối cảnh, phục trang cùng với một kịch bản chưa thực sự kín kẽ nhưng đủ lôi cuốn, hấp dẫn.
Sự tiến bộ đáng kể của các nhà làm phim kinh dị Việt
Tại Việt Nam, thể loại kinh dị bị nhận xét còn khá non trẻ so với các quốc gia khác trong khu vực. Mười (2007) được coi là bộ phim ma đầu tiên của ngành điện ảnh nước nhà tính từ sau năm 1975. Sau đó, rất nhiều đạo diễn cũng đã thử sức với thể loại nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thử thách này. Thế nhưng, số tác phẩm thực sự để lại dấu ấn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không ít lần, khán giả phải thất vọng bởi những lỗ hổng kịch bản ngớ ngẩn, kỹ xảo hình ảnh ''giả trân'' và diễn xuất quá gượng gạo của dàn diễn viên. Đã có thời, công chúng chỉ cần nghe thấy phim ma Việt đã thấy ngán ngẩm vì đi xem chả thấy sợ mà còn mang bực vào người.
Thế nhưng, mọi thứ đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Điều thay đổi dễ nhìn thấy nhất chính là sự đi lên ở chất lượng hình ảnh. Các dự án phim kinh dị gần đây ngày càng được đầu tư bài bản hơn. Năm 2022, một bộ phim kinh dị khác cũng gây chú ý tại rạp là Chuyện Ma Gần Nhà. Ekip nhận nhiều lời khen nhờ sự chăm chút trong khâu bối cảnh, tạo hình nhưng kịch bản vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Đây cũng là tác phẩm hiếm hoi có đủ những chất liệu cần thiết của một bộ phim kinh dị thực thụ, từ câu chuyện ma quái với đủ thứ tà thuật, mê tín cho đến hình máu me, đâm chém đủ tạo hiệu ứng thị giác mạnh. Với doanh thu gần 60 tỷ đồng trong bối cảnh phòng vé mới trải qua đại dịch, Chuyện Ma Gần Nhà thực sự xuất hiện như một hiện tượng và trở thành điểm sáng hiếm hoi trong một năm đáng quên của điện ảnh Việt nói chung.
Như ở trường hợp mới đây của Tết Ở Làng Địa Ngục, điểm ấn tượng của dự án cũng đến từ khâu hình ảnh với bối cảnh chính ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Hà Giang, giúp tạo được cảm giác ''rừng thiêng, nước độc'' rất phù hợp với nội dung phim. Khâu tạo hình tuy chưa thể nói là xuất sắc nhưng cũng có nhiều nhân vật để lại ấn tượng với khán giả như Thập Nương (Lan Phương), Đại (Đình Khang), lão ăn mày (NSƯT Phú Đôn)...
Một điểm sáng khác của dự án đến từ việc chọn lọc tốt những yếu tố văn hóa bản địa để đưa vào phim. Những câu chuyện ma mị, rùng rợn được lưu truyền trong dân gian là nguồn tài nguyên vô tận cho các đạo diễn. Trước Tết Ở Làng Địa Ngục, nhiều tác phẩm như Bắc Kim Thang, Thất Sơn Tâm Linh cũng đi theo hướng phát triển này và nhận sự quan tâm từ đông đảo công chúng, đạt doanh thu không tệ. Những câu chuyện này không chỉ lôi cuốn mà còn gần gũi với khán giả Việt Nam. Đây cũng là hướng đi đã được nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan áp dụng nhiều năm trước và rất thành công.
Mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim
Theo số liệu của công ty Kaggle thống kê, từ năm 1971 đến nay, ngân sách trung bình cho một bộ phim kinh dị tại Hollywood là rất thấp, chỉ khoảng 13 triệu USD (đã tính yếu tố lạm phát). Trong khi đó, những thể loại được ưa chuộng khác đều cần số vốn cao gấp nhiều lần. Đắt đỏ nhất là dòng phim phiêu lưu và hoạt hình với ngân sách trung bình khoảng 73 triệu USD cho mỗi phim. Thế nhưng, dù đầu tư ít, kinh dị lại là dòng phim có tỷ suất hoàn vốn cao nhất với tỷ suất 173%, vượt xa thể loại đứng thứ hai là phim gia đình (111%).
Những năm gần đây, nhiều người thường nhắc đến siêu anh hùng là thể loại thống trị phòng vé. Tuy nhiên, hãng phim Hollywood sở hữu tỷ suất lãi suất cao nhất tại Hollywood hiện nay lại chính là ''ông hoàng kinh dị'' Blumhouse với lợi nhuận lên đến 997% so với số vốn họ bỏ ra, vượt xa hãng đứng thứ hai là Disney (154%), cũng theo số liệu của Kaggle thống kê tính từ năm 1971. Những chỉ số đó cho thấy kinh dị vẫn luôn là sự lựa chọn an toàn và dễ sinh lời. Đồng thời, đây là sân chơi hứa hẹn cho những nhà làm phim tại các quốc gia có ngành phim ảnh đang trong giai đoạn phát triển, chưa có nhiều ngân sách để chạy theo xu hướng sản xuất những bom tấn thương mại đắt đỏ.
Nhìn lại thị trường Việt Nam, dù chưa có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn rõ rệt về chất lượng, các dự án kinh dị gần đây vẫn thường có doanh thu tốt, nhận được đông đảo sự quan tâm của công chúng. Kể cả những bộ phim bị chê thảm họa như Cù Lao Xác Sống (2022) vẫn kiếm 12,8 tỷ đồng - một thành tích không tệ với một tác phẩm bị netizen chê tan nát suốt thời gian dài. Hay trước đó vài tháng, Bóng Đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt cũng gây tranh cãi về chất lượng nhưng cũng về đích an toàn với doanh thu khoảng 40 tỷ.
Kinh dị còn được đánh giá là thể loại dễ dàng mang đi xuất khẩu nhất, đặc biệt với những quốc gia có nền điện ảnh đang trong thời kỳ phát triển. Nhìn lại những năm đầu thập niên 2000, các bộ phim ma chính là cầu nối giúp nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan tiếp cận các thị trường quốc tế. Lúc đó, những cái tên như Ring, Audition hay Nang Nak được đánh giá là đại diện tiêu biểu cho làn sóng ''Asia Extreme'' càn quét các quốc gia như Mỹ, Anh…, nơi khán giả đã ngán ngẩm với những bộ phim kinh dị Hollywood quá rập khuôn, cũ kỹ. Thể loại này cũng là bệ phóng cho nhiều đạo diễn tài năng gốc Á như Apichatpong Weerasethakul, Kim Jee Woon hay Hideo Nakata tìm đường ra biển lớn, chinh phục khán giả toàn cầu.
Chờ đợi những bom tấn thực thụ
Dù mặt bằng chung về chất lượng có dấu hiệu đi lên, điện ảnh Việt thực sự đang cần những tác phẩm mang tầm bom tấn để vực lên cả dòng phim tiềm năng này. Tính đến nay, dự án kinh dị duy nhất vượt mốc trăm tỷ lại chính là Lật Mặt: Nhà Có Khách của đạo diễn Lý Hải. Tuy nhiên, bộ phim này thực chất nghiêng về thể loại hài nhiều hơn, chỉ mượn câu chuyện về tâm linh để làm nền.
Cuối năm nay, khán giả sẽ tiếp tục có cơ hội thưởng thức 3 dự án mới thuộc thể kinh dị gồm Kẻ Ăn Hồn, Người Mặt Trời và Quỷ Cẩu. Qua những hình ảnh công bố đầu tiên, tất cả đều là những tác phẩm đáng chờ đón và hứa hẹn nhiều điều thú vị. Trong đó, Người Mặt Trời là bộ phim điện ảnh Việt đầu tiên lấy đề tài Ma Cà Rồng, nghiêng về thể loại kỳ ảo, giật gân nhiều hơn. Các dự án còn lại đều là những phim kinh dị thuần và có điểm chung là lấy cảm hứng từ những câu chuyện dân gian Việt Nam.
Phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn chính là tiền truyện của series Tết Ở Làng Địa Ngục, tiếp tục xoay quanh câu chuyện truy lùng nguồn gốc cổ thuật Rượu sọ người. Ngay từ trailer, khán giả đã bị hấp dẫn bởi những hình ảnh đậm chất Việt như đám cưới chuột hay những con rối nước bị ma ám. Trong khi đó, Quỷ Cẩu là dự án tiếp theo của "ông hoàng kinh dị" Quang Tuấn với kịch bản lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian Chó Đội Nón Mê.
Ngay sau khi công bố những hình ảnh đầu tiên, các tác phẩm kinh dị này ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Trên các diễn đàn điện ảnh dịp cuối năm, người ta có thể bắt gặp những cuộc thảo luận rôm rả về các tình tiết, giả thuyết được hé lộ trong trailer. Điều đó không chỉ cho thấy sự quan tâm của công chúng mà còn là minh chứng của việc khán giả nước nhà đã dần tìm lại niềm tin vào các bộ phim ma ''made in Vietnam''. Đây chính là cơ hội để các nhà sản xuất, đạo diễn nắm lấy và cho ra đời những tác phẩm có chất lượng tốt hơn nữa.
Thể loại kinh dị Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Với thế mạnh về văn hóa và lịch sử, các nhà làm phim không thiếu chất liệu để nhào nặn lên những câu chuyện mới mẻ và hấp dẫn. Hiện nay, chi phí sản xuất các dự án phim ảnh nói chung và kinh dị nói riêng ở nước ta còn khá khiêm tốn. Ngân sách để hoàn thiện một series như Tết Ở Làng Địa Ngục chỉ bằng hoặc thậm chí thấp hơn một tập phim thuộc mặt bằng chung của các quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực như hiện nay, chắc chắn nhiều nhà sản xuất sẽ sớm đầu tư mạnh vào mảnh đất màu mỡ này. Khán giả nhiều khả năng không phải chờ đợi lâu để thấy những bộ phim ma có doanh thu trăm tỷ trong tương lai.
Theo Phan Đạt (Phụ Nữ Mới)