Sau buổi công chiếu phim tại New York, Hai Phượng- đứa con tinh thần của "đả nữ" Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt đã chính thức bắt đầu chinh phục khán giả tại Mỹ.
Ngô Thanh Vân tái ngộ đạo diễn phim Kong và nhiều bạn bè trong buổi ra mắt phim tại Mỹ.
Việc một bộ phim Việt Nam có chất lượng được trình chiếu tại Mỹ không phải là chưa có tiền lệ.
Trước đây, nhiều tựa phim Việt như như Âm mưu giày gót nhọn, Dạ Cổ Hoài Lang, Em là bà nội của anh,... đã từng có dịp được giới thiệu với cộng đồng khán giả Mỹ. Thế nhưng, chưa tựa phim nào mang đến sức hút đặc biệt như Hai Phượng.
Thông qua nhà phát hành Well Go USA, bộ phim về hành trình đi tìm con của cô gái giang hồ Hai Phượng (tựa tiếng Anh là Furie) được trình chiếu tại 13 cụm rạp tại Mỹ.
Trong đó, nổi bật nhất có cụm rạp ở hai thành phố San Jose (AMC Eastridge) và Orange (AMC Orange 20) - nơi tập trung đông đúc của cộng đồng người Việt Nam.
Phóng viên của chúng tôi có mặt tại Mỹ đã thử trải nghiệm một suất chiếu của Hai Phượng tại thành phố San Jose, thuộc bang California. Rạp chiếu Hai Phượng tại đây là rạp AMC Eastridge nằm trên tầng hai của khu thương mại Eastridge.
Vé phim Hai Phượng tại Mỹ.
Khi thử mua vé xem Hai Phượng vào suất chiếu buổi sáng ngay trong ngày đầu công chiếu (ngày 1/3 theo giờ Mỹ), phóng viên khá bất ngờ khi hơn nửa hàng ghế của phòng chiếu đã có người đặt.
Chưa dừng lại ở đó, hai suất chiếu thuộc khung giờ đẹp cùng ngày là 19h và 21h30 đều kín vé. Điều này cho thấy sự quan tâm của khán giả với bộ phim.
Các suất chiếu phim Hai Phượng ở Mỹ trong ngày đầu ra mắt. Những dãy ghế được tô đậm là vị trí đã có người đặt mua.
Thực chất, ngoài phim bom tấn Hollywood đánh vào đối tượng đại chúng, các phim "ngoại" như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam có điều kiện xâm nhập vào thị trường Mỹ đều rơi vào tình trạng "phim nước nào thì dân nước ấy đi xem".
Hai Phượng cũng không nằm ngoại lệ. Tuy rạp kín người nhưng đối tượng ra rạp trong ngày đầu công chiếu này vẫn chỉ có người Việt.
Cũng như các bộ phim "ngoại" khác, Hai Phượng không có cơ hội được quảng bá tại rạp chiếu. Không hề có poster hay bất cứ ấn phẩm quảng cáo nào của phim được xuất hiện tại đây. Người xem biết đến phim chủ yếu qua việc quảng bá và truyền miệng trên kênh mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc phim bán sạch vé cũng là một phản hồi đáng mừng với Hai Phượng trong cuộc chinh chiến nơi xứ người.
Vào buổi tối, rạp AMC Eastridge nhộn nhịp hơn hẳn. Ngược lại với cảnh dọn dẹp vội vã chuẩn bị ngưng bán của các hàng ăn bên cạnh, cánh cửa ngoài rạp có phần đông đúc, chật chội và sôi động.
Người trẻ có, những người mặc đồ công sở cũng có, ngay cả các cụ già cũng rôm rả bàn tán về những bộ phim sắp sửa xem. Trong đó, hầu hết người Việt Nam đều bàn về Hai Phượng.
Theo bạn Tuấn Anh hiện đã sinh sống tại Mỹ hơn 5 năm, không phải mọi bộ phim Việt Nam được đánh giá cao tại thị trường nội địa đều đến được nước Mỹ. Vì vậy, đây là cơ hội để những người trẻ yêu phim Việt tại San Jose có dịp ra rạp.
Nhiều bạn trẻ còn quyết định tập trung bạn bè để cùng đi xem phim của "đả nữ" Ngô Thanh Vân.
Nhóm của bạn Ivy Hoàng đã đưa ra những nhận xét khá khách quan với tư cách khán giả thường xuyên xem phim Mỹ. Nhóm bạn này cho biết "những cảnh hành động rất hay, nhưng có phần hơi… ảo". Yếu tố hành động được các bạn đặc biệt hưởng ứng nhưng nội dung phim có thể tốt hơn.
Nhiều khán giả lại bị ấn tượng bởi các giá trị nhân văn về tình mẹ, tình thân gia đình được cài cắm xuyên suốt phim. Bạn Cường Tôn (30 tuổi) nhận xét rằng phim có những khoảng khắc khiến bạn thực sự cảm động. Ngoài ra, việc được xem một bộ phim Việt nơi xứ người cũng khiến bạn thổn thức.
Hai Phượng của Ngô Thanh Vân có vẻ đã phá được một "kỷ lục ngầm", khi trở thành bộ phim Việt Nam gây chú ý nhất tại nước Mỹ.
Những tựa phim trước đây từng tạo dấu ấn như Âm mưu giày gót nhọn hay Em là bà nội của anh chưa bao giờ trải qua trường hợp kín rạp.
Đây ắt hẳn là một tín hiệu đáng mừng, một cú "bật đèn xanh" để nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng như những nhà làm phim tại Việt Nam nói chung đủ can đảm để cho ra đời những tựa phim ngày càng chất lượng hơn, đủ sức đem quảng bá đến tới khán giả tại nước ngoài.
Theo Kaiser (Thế Giới Trẻ)