Sau một tháng công chiếu tại các rạp trên toàn quốc, đoàn làm phim Tháng năm rực rỡ vui mừng công bố bộ phim đã cán mốc 84 tỷ đồng, vượt qua Tèo em, Quả tim máu để giành lấy ngôi vị thứ 5 trong danh sách phim Việt doanh thu cao nhất lịch sử.
Bảng xếp hạng doanh thu phòng vé phim Việt gần đây chứng kiến nhiều biến động mạnh mẽ trong thứ hạng. Con số 100 tỷ đồng từng được coi là cái mốc quá xa tầm với thì giờ đây đã thành điều hoàn toàn có thể.
Mỗi khi có một phim Việt mới ra mắt, giới làm phim lại truyền nhau câu chúc "100 tỷ nhé" như một ước vọng đạt tới thành công đáng ghi nhận về mặt thương mại.
Nhưng thực sự những con số doanh thu "khủng" này chứng tỏ điều gì về thị trường phim Việt hiện đại?
Loanh quanh vẫn là phim hài tình cảm
Cùng điểm lại 5 bộ phim dẫn đầu về doanh thu hiện nay gồm Em chưa 18 (169 tỷ), Siêu sao siêu ngố (103 tỷ), Em là bà nội của anh (102 tỷ), Để Mai tính 2 (101 tỷ) và Tháng năm rực rỡ (84 tỷ). Điểm đáng chú ý là trong đó có tới 2 phim được làm lại từ kịch bản Hàn Quốc..
Sự lên ngôi của các phim remake thời gian gần đây đang làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc thị trường phim nước ta phụ thuộc quá lớn vào chất liệu nước ngoài thay vì khai thác bản sắc văn hóa Việt.
Công bằng mà nói, nếu cho rằng thành công của Em là bà nội của anh và Tháng năm rực rỡ là nhờ vay mượn văn hóa hay "dựa bóng" bản gốc thì không chính xác.
Trong làn sóng remake ồ ạt, không phải cứ làm phim remake là "ăn", mà còn cần nhờ tài khéo léo đưa hồn Việt vào kịch bản ngoại, như những gì mà hai đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và Nguyễn Quang Dũng đã làm được. Remake vụng về như Sắc đẹp ngàn cân hay Bạn gái tôi là sếp vẫn thất bại.
Mặt khác, nhìn từ góc độ thể loại, khán giả yêu điện ảnh chợt giật mình nhận ra cả 5 phim kể trên bao gồm 2 phim remake đều thuộc thể loại hài tình cảm.
Phim Việt doanh thu cao ngày càng nhiều, tốc độ soán ngôi trên bảng xếp hạng doanh thu ngày càng nhanh do nhu cầu thị trường lớn thêm nhưng thực tế quanh đi quẩn lại chẳng có gì mới ngoài công thức chung hài kết hợp trai xinh gái đẹp.
Người xem hài lòng với dạng phim "ra khỏi rạp xong là quên", nhẹ nhàng, đơn giản và đầy tính giải trí. Người làm phim cũng không dám vượt qua giới hạn này vì sức ép từ yếu tố kinh doanh làm phim phải lãi.
Những nỗ lực chuyển hướng sang thể loại hành động hay kinh dị, chính kịch, tâm lý không suôn sẻ, có khi cũng được khán giả đón nhận nhưng hầu hết đều chịu cảnh thảm bại. Hài tình cảm vẫn là dạng thức phim vừa dễ làm, chi phí đầu tư không cần thiết quá cao, lại dễ được lòng khán giả.
Vì thế nên dù lượng người ra rạp tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước nhưng phim ăn khách lại trở nên kém phong phú về thể loại.
Cùng với sự lụn bại của các xưởng phim Nhà nước, những bộ phim giàu tính nghệ thuật và chiêm nghiệm cũng dần biến mất khỏi rạp chiếu, cho đến nay gần như tuyệt chủng vì không có tác phẩm nào đủ chất lượng để thuyết phục số đông khán giả.
Mỗi khi ra rạp, người xem lại ngán ngẩm vì cứ phải xem đi xem lại những mô típ phim giống nhau nhưng vẫn mua vé vì có nhu cầu giải trí. Cứ như vậy cả nhà làm phim và khán giả Việt vẫn đang loanh quanh trong trò đuổi bắt vòng tròn mà không tìm ra được lối đi đột phá.
Những phim cân bằng thành công được hai mặt giải trí và nghệ thuật như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vẫn là ca hiếm trong lịch sử điện ảnh Việt.
Gu xem phim của khán giả đang thay đổi
Vẫn loay hoay trong lối mòn hài tình cảm nhưng trên các phương diện khác, phim Việt nhiều năm nay đã có chuyển biến tích cực.
Doanh thu ngoài mong đợi 169 tỷ của bộ phim nhỏ xinh Em chưa 18, vượt mặt hàng loạt bom tấn Mỹ có kinh phí đầu tư lên đến cả trăm triệu đô la đã khẳng định vị thế của phim Việt trên thị trường. Dù hay dù dở, người Việt vẫn có tâm lý ưa xem phim Việt vì sự gần gũi.
Nhà kinh doanh phim muốn thắng lớn chắc chắn không thể chỉ dựa vào nguồn phim nước ngoài. Bởi phim ngoại tuy chất lượng cao nhưng lợi nhuận không tối ưu do hợp đồng ràng buộc khắt khe với nhà sản xuất quốc tế.
Cú nổ Em chưa 18 kinh phí thấp lại ăn lãi hàng chục lần là điển hình cho việc đầu tư hiệu quả vào sản xuất phim có thể đem tới món lời lớn đến thế nào.
Giấc mộng làm giàu nhờ sản xuất phim ảnh chưa bao giờ gần tầm với tới vậy.
Nếu trước kia phim Việt chỉ đợi đến Tết mới có dịp bội thu thì giờ đây dù ra mắt vào bất kỳ thời điểm nào, các sản phẩm trong nước vẫn có cơ hội đua tranh công bằng với phim nước ngoài.
Năm 2014, Để mai tính 2 vẫn thắng đậm hơn 100 tỷ khi ra mắt ngoài dịp Tết từng khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng ngày nay, phim Việt "hốt bạc" không chỉ trong mùa Tết đã không còn là chuyện lạ.
Ngay cả việc phim Tết của Trường Giang là Siêu sao siêu ngố vừa bứt phá ngoạn mục, bước vào vị trí Á quân doanh thu cũng không phải hoàn toàn nhờ công chiếu dịp Tết, mà do hội tụ nhiều yếu tố khác như ăn theo scandal, may mắn không có nhiều đối thủ cạnh tranh...
Một số kiểu làm phim rẻ tiền, gợi sự tò mò của khán giả qua chi tiết sốc, sex hay chọc cười bằng chuyện giới tính thứ ba từng nhan nhản trên màn ảnh rộng nay đã trở thành dĩ vãng. Những gương mặt hài quen thuộc từng là bảo chứng doanh thu như Hoài Linh đang dần mất chỗ đứng trên màn ảnh nếu không thay đổi theo kịp thị hiếu khán giả.
Rõ ràng là khán giả ra rạp ngày càng "tinh" và đang yêu cầu chất lượng phim phải được nâng cao. Phim Việt vì thế đa số cũng hoàn thiện hơn xưa, những yếu tố phụ như nhạc phim, thiết kế cũng đươc chú trọng hơn trước nhiều.
Với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của cả thị trường và trình độ làm phim, những bước biến chuyển nhỏ nói trên sẽ lớn dần, cơ hội để thay đổi là không hề nhỏ.
Và, có lý do để chúng ta tin rằng, nếu nhà làm phim chịu thức thời mạo hiểm, không chỉ chăm chăm chiều lòng phần đông khán giả thì bài toán bao giờ công thức hài tình cảm được phá vỡ sẽ sớm có lời giải.
Theo Phương Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)