Ngán ngẩm vì phim chỉ toàn cảnh nóng
Biệt dược đen lên sóng VTV3 từ ngày 4/9, đánh dấu sự trở lại sau 4 năm vắng bóng của dòng phim điều tra phá án trong series Cảnh sát hình sự. Nội dung phim là cuộc đấu trí, đấu lực giữa đội cảnh sát hình sự với những tên tội phạm xảo quyệt, tàn nhẫn.
Sau 3 tập phát sóng ở khung giờ vàng, những trích đoạn bạo lực, cảnh nóng, gợi dục trong phim thu hút sự quan tâm của khán giả. Mở đầu là cuộc ăn chơi thác loạn trong quán bar của các thành viên nhóm Cityboy.
Phân đoạn cao trào chính là cảnh va chạm giữa nhân vật Tiến (Trương Hoàng) và Vương (Tuấn Anh). Sau đó, Vương trút cơn giận lên Tuyết (Quỳnh Châu) bằng những cái tát, đánh đấm, xô đẩy và chửi thề. Bạo lực được tăng kịch tính qua hành động đập phá đồ đạc, âm thanh thủy tinh vỡ vụn.
Gay cấn hơn khi trong cơn say thuốc chất kích thích, Vương lao tới với ý định cưỡng hiếp Tuyết. Tập 1 khép lại với cái chết bí ẩn của Vương - thủ lĩnh nhóm Cityboy.
Trong các tập tiếp theo và trailer giới thiệu phim liên tục xuất hiện cảnh ăn chơi thác loạn, gợi dục như tiệc bikini ở hồ bơi, phân đoạn sử dụng ma túy trong phòng kín…
Nhiều khán giả để lại bình luận bày tỏ lo ngại phim giờ vàng sẽ có tác động tiêu cực tới giới trẻ. “Phim hay nhưng dễ làm tư tưởng giới trẻ bị nhiễm”, “Phim cho giới trẻ học theo”, “Vẽ đường cho hươu chạy”, “Nhiều phim Việt đang lạm dụng khai thác yếu tố tình dục mà kịch bản không quá đặc sắc. Như vậy, phim chỉ để hút view chứ không mang giá trị gì”, “Phim hở hang lố bịch, chẳng ra làm sao”,
“Phim chiếu giờ vàng để cả gia đình ngồi xem mà dạo này toàn mông với ngực, nội dung thì nhảm, dần cũng giống mấy phim hài nhảm, hài sex bây giờ”, “Phim hình sự không thể không có cảnh bạo lực, cảnh nóng nhưng trần trụi có điểm dừng mới là nghệ thuật. Mới 1, 2 tập đã thấy nhiều cảnh nóng mà ngán ngẩm. Có rất nhiều cách để đề cập đến vấn đề đó nhưng vẫn tránh được tối đa hình ảnh gợi dục quá đà. Nhà đài lại chọn cách đưa những hình ảnh hoang dại, trần trụi nhất lên”, “Dù sao cũng là phim của VTV lại chiếu giờ vàng cả gia đình ngồi xem, những hình ảnh như vậy quả thật không phù hợp”…
Bên cạnh đó, một số ý kiến bênh vực cho rằng hiện thực cuộc sống, cảnh nóng, bạo lực đầy rẫy trên mạng xã hội. Vì vậy, phim đề cập tới vấn đề này giống như việc nâng cao đề kháng trước các thông tin xấu độc trên mạng.
“Phim hình sự đòi không có tệ nạn? Thế có cần cấm phim tình cảm không được lãng mạn, phim hài không được gây cười và phim kinh dị không có yếu tố đáng sợ?”, một ý kiến phản bác.
Xã hội bên ngoài còn khủng khiếp hơn phim
Chia sẻ tại buổi ra mắt phim chiều 22/8 ở Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Khải Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết: “Sau 4 năm, VFC mới trình làng một bộ phim về cảnh sát hình sự. Đây là quãng thời gian để chúng tôi nhìn lại bản thân, đầu tư từ nội dung đến kịch bản phim để hướng tới chất lượng tốt nhất. Bởi vậy, từ trang phục, bối cảnh, nội dung... Biệt dược đen đều được đầu tư công phu, hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả".
Trước những lo ngại về cảnh nóng, bạo lực trong phim, đạo diễn Phạm Gia Phương cho biết anh và ê-kíp Biệt dược đen đã suy nghĩ và cân đo đong đếm nhiều. Nếu tội phạm trên phim mà hiền, sau này con cái mình ra đời sẽ không biết đó là tội phạm.
“Ê-kíp bàn với diễn viên để mọi người nhập tâm, không phải diễn đi diễn lại những cảnh bạo lực, cảnh nóng. Vì là sóng truyền hình quốc gia nên chúng tôi hiểu phải tiết chế cho phù hợp. Nhiều phim Cảnh sát hình sự trước đây còn gai góc hơn nhiều và được người xem nhớ mãi. Do vậy, chúng tôi cố gắng làm một tác phẩm để không hổ thẹn vì VFC từng có những phim được khán giả yêu thích như thế", đạo diễn Phạm Gia Phương nói.
Đồng đạo diễn Biệt dược đen, đạo diễn Trần Trọng Khôi khẳng định xã hội bên ngoài còn khủng khiếp hơn nhiều những gì được thể hiện trên phim. "Nếu sản phẩm của VFC cứ làm an toàn quá, cứ sợ bạo quá, hở quá đến bao giờ mới có một phim Việt Nam chiếu trên Netflix? Đó là tâm lý chung của chúng tôi khi làm phim này", anh bày tỏ.
Nam đạo diễn cũng mong các bậc phụ huynh cùng xem Biệt dược đen với các con mỗi tối bởi dù phim có cảnh quay nhạy cảm nhưng luôn có sự so sánh giữa vấn đề gia đình và xã hội.
“Nhiều loại biệt dược chưa được gọi là ma túy nhưng gây hại cho giới trẻ. Nó rất độc hại, có tác hại lớn nhưng các bạn trẻ chỉ nghĩ nó mang lại khoái cảm. Tôi hy vọng các bậc cha mẹ cùng ngồi xem với con mình bộ phim này để thấy được nếu đi sai hướng hậu quả sẽ thế nào", đạo diễn Trần Trọng Khôi nhấn mạnh.
Chuyên gia tâm lý nói gì?
Trả lời Tiền Phong về vấn đề cảnh nóng, bạo lực trên phim giờ vàng của VTV, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) nhấn mạnh phim truyền hình chiếu giờ vàng tức là khung thời gian được ưu tiên để phục vụ nhiều đối tượng khán giả trong đó có người lớn, trẻ em và trẻ vị thành niên.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích, hành xử văn hóa có tính chất “dẫn đường” cho người dân. Thực tế, việc bắt chước thần tượng, học và làm theo nghệ sĩ của giới trẻ đã trở nên phổ biến. Cảnh nóng, bạo lực, phim ảnh tả thực trần trụi về vấn đề tình ái, ứng xử trong tình dục, ngón nghề của giới xã hội đen… được xem là “cần câu” thu hút công chúng.
Hành vi trong phim ảnh cũng dần thẩm thấu vào tư duy thẩm mỹ, tác động đến tư tưởng, cảm nhận của công chúng. Vì vậy, phim truyền hình đưa cảnh nóng nhất định có sự ảnh hưởng tới giới trẻ.
“Những cảnh nóng táo bạo, trần trụi trên phim ảnh làm méo mó quan điểm thẩm mỹ của công chúng và vô tình mang tính giáo dục lạc lối”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, văn hóa văn nghệ cần biểu dương người tốt, việc tốt hơn là đào sâu vào những góc khuất, những mánh lới ở đời sống.
“Tôi không phản đối việc đưa những cái xấu xí trong xã hội vào phim ảnh. Bởi ở góc độ nào đó, nó có tác dụng phê phán, bài trừ cái xấu, độc hại. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ nhấm nháp cái xấu, đưa với cường độ dày đặc sẽ khiến mọi người chìm sâu vào đó dẫn đến vô cảm. Đạo diễn, diễn viên nên tiết chế ở những cảnh nóng, cảnh quay nhạy cảm. Chúng ta nên phản ánh một cách ước lệ chứ không trần trụi theo chủ nghĩa tự nhiên”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ.
Theo Đỗ Quyên (Tiền Phong)