Sau Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, khán giả yêu phim truyền hình Việt đang xôn xao vì bộ phim Thương nhớ ở ai.
Lấy bối cảnh làng quê Việt Nam thời kỳ 1945-1975, Thương nhớ ở ai không chỉ khắc họa sự chuyển mình của nông thôn Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám mà còn đề cập tới vấn đề nhức nhối về quyền sống của con người, về thân phận bé mọn của người dân trước sự tha hóa của đồng tiền.
Mới chỉ lên sóng vài tập song bộ phim đã gây được sự chú ý đặc biệt cho khán giả nhờ những thước phim vô cùng chân thực. Đặc biệt, cảnh quay "thả bè trôi sông" một cô gái vì tội chửa hoang đã khiến không ít khán giả bị ám ảnh.
Sau gần 10 năm xa quê, nhân vật Nương trở lại trên chuyến đò, cô bắt gặp 1 cô gái trẻ đang mang bầu khá lớn bị trói chặt trên chiếc bè chuối.
Cô gái có mái tóc bị cắt cụt, nham nhở lả người trên chiếc bè chuối trôi lập lờ, cứ mỗi khi chiếc bè dạt vào bờ sông lại bị người dân ra sức đẩy ra giữa dòng kèm những lời thóa mạ cay nghiệt.
Càng ám ảnh hơn khi Nương yêu cầu người lái đò quay lại cứu cô gái thì nhận được câu trả lời: "Tôi mà quay lại, cả làng sẽ chửi tôi", "Bố mẹ nó đã từ nó rồi, mình còn xía vào làm gì!", "Chúng nó làm bại hoại gia phong của làng, chết cũng đáng!"
Xuất hiện trong cảnh quay, với vai Nương, diễn viên Thanh Hương cho hay chính chị cũng bị ám ảnh nặng nề bởi cảnh quay này:
"Ngày trước, tôi từng nghe câu nói "cạo đầu bôi vôi, thả bè trôi sông", nhưng thực sự là nó không quá ấn tượng đối với tôi. Khi đọc kịch bản phim, tôi bắt đầu chú ý tới câu nói này và tìm hiểu kỹ hơn về hủ tục nói trên.
Nhưng phải đến khi thực sự bước vào cảnh quay, tôi mới thấy nó tàn nhẫn, ám ảnh đến như thế nào. Nhập vai, lòng tôi như thắt lại khi thấy hình ảnh một thai phụ trẻ tuổi lả người trôi lập lờ trên chiếc bè chuối.
Những câu mạt sát của người dân, của ông lái đò như những mũi kim chích vào lòng tôi khiến tôi cảm thấy đau nhói, dù mình không vào vai cô gái bị thả trôi sông.
Nhân vật của tôi – Nương – là người duy nhất trong làng dám quay đầu, kéo chiếc bè lại nên tôi rất nhớ cảnh quay đó".
Thanh Hương cho hay, dù biết hủ tục là những luật tục khắt khe và vô lý, nhưng chị không khỏi ám ảnh trước cảnh quay quá chân thực này:
"Là phụ nữ, nhìn thấy 1 người phụ nữ đang mang thai rơi vào hoàn cảnh như vậy, tôi không khỏi đau lòng.
Thú thực, dù biết việc "ăn cơm trước kẻng" ở giai đoạn ấy là điều vô cùng khó chấp nhận, nhưng dù thế nào, mạng người vẫn cần được gìn giữ và danh dự của 1 người vẫn cần được trân trọng.
Những người phụ nữ dù ở thời nào, rơi vào hoàn cảnh bị người đàn ông "bỏ của chạy lấy người" đều đáng thương như nhau! Bởi họ luôn là kẻ phải đứng mũi chịu sào, còn người đàn ông lại đứng ngoài vòng định kiến!
Lúc đó, tôi đã thầm thốt lên: Hủ tục ngày xưa thật khắc nghiệt! Phụ nữ Việt Nam muôn đời nay, vẫn luôn là những người thiệt thòi!".
Dù đã đóng rất nhiều phim, hóa thân vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng cảnh quay "cạo đầu bôi vôi, thả bè trôi sông" đã khiến Thanh Hương mất cả ngày trời để "thoát vai":
"Tôi ám ảnh trước cảnh cô gái chửa hoang, bị cắt tóc bôi vôi và thả bè trôi sông đến mức suốt cả ngày sau hôm quay, tâm trạng cứ bị u uất, xót xa. Đây thực sự là 1 cảnh quay vô cùng chân thực và ám ảnh về thân phận của người phụ nữ Việt nói riêng và của con người trong xã hội cũ nói chung!"
Theo Thảo Nguyên (Soha/Trí Thức Trẻ)