Phim Việt có gì đấu giải tại LHP Quốc tế Hà Nội?

06/11/2024 09:18:40

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII với khẩu hiệu Ðiện ảnh Sáng tạo - Cất cánh diễn ra từ 7-11/11 tại Hà Nội. Cả thảy 117 phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ được trình chiếu miễn phí. Ngày xưa có một chuyện tình là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự thi hạng mục phim dài. Thông tin được công bố tại họp báo ngày 5/11 tại Hà Nội.

Phim Việt có gì đấu giải tại LHP Quốc tế Hà Nội?
Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự HANIFF. Ảnh: Huấn Trần

Phim của Trấn Thành không đủ điều kiện

LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ VII khai mạc 19h50 ngày 7/11 tại Nhà hát Hồ Gươm, Đài PTTH Hà Nội truyền hình trực tiếp, livestream qua Facebook và TikTok. Lễ bế mạc và trao giải thưởng diễn ra vào 20h ngày 11/11, truyền hình trực tiếp trên VTV2.

Hơn 100 đại biểu, khách mời quốc tế tham dự, trong đó có các cố vấn cho liên hoan bao gồm: ông Kim Dong Ho sáng lập và cựu chủ tịch của LHP quốc tế Busan, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CJ Group Việt Nam, ông Philip Cheah, cố vấn chương trình cho nhiều LHP quốc tế và châu Á trong đó có LHP Quốc tế Thượng Hải, LHP Quốc tế Dubai…

Ban tổ chức cho biết muốn mời một số ngôi sao điện ảnh quốc tế tham dự, họ cũng sẵn sàng nhận lời. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức của HANIFF thường rơi vào tháng 11 và 12 trùng với mùa triển khai các dự án điện ảnh, nghệ sĩ quốc tế không thể sắp xếp lịch.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL, những kỳ tiếp theo sẽ tổ chức vào tháng 5-6 để thu hút sao quốc tế. Một lý do khác cũng quan trọng không kém, đó là việc đáp ứng yêu cầu của sao quốc tế.

Về yêu cầu khách sạn 5 sao, vé máy bay hạng thương gia thì không thành vấn đề, nhưng họ thường đòi hỏi phải kèm theo 3-5 trợ lý với yêu cầu tương tự về đi lại và ăn ở thì sẽ “rất khó cho những LHP dùng ngân sách nhà nước, không thể quyết toán cho các thành phần đi theo”.

HANIFF 2024 nhận được 500 phim từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Hungary, Colombia, Chile, Đức, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Ban Nha, Iceland, Benin, Kazakhstan, Pakistan, Indonesia, Serbia, Hy Lạp, Ai Cập…) gửi tới tham dự. Tổng số phim được chọn vào các chương trình tại liên hoan bao gồm 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam.

Hạng mục phim dự thi được tuyển chọn từ các nền điện ảnh trên thế giới, với điều kiện các phim chưa từng dự thi tại một LHP quốc tế nào ở châu Á đối với phim dài. Đây cũng là lý do khiến cho một số phim Việt Nam gây chú ý thời gian gần đây không đủ điều kiện để dự thi, trong đó có phim của Trấn Thành và Lý Hải.

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII trao các giải thưởng như: Phim dài xuất sắc nhất trị giá 125 triệu đồng; Phim ngắn xuất sắc nhất trị giá 75 triệu đồng; Ðạo diễn phim dài xuất sắc nhất trị giá 75 triệu đồng; Diễn viên nam/nữ chính xuất sắc nhất mỗi giải 75 triệu đồng; Giải thưởng của BGK cho phim dài trị giá 50 triệu đồng...

Bên cạnh đó còn có các giải Mạng lưới các Ủy ban điện ảnh Châu Á (AFCNet), Giải phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong chương trình phim Việt Nam đương đại và Bằng khen của UBND TP Hà Nội dành cho phim dài xuất sắc nhất.

Đại diện Việt Nam được lựa chọn là Ngày xưa có một chuyện tình,phim đang chiếu rạp của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Đạo diễn và đoàn làm phim sẽ ra mắt khán giả tại buổi chiếu 15h ngày 7/11 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Các phim dự giải còn lại đến từ Thụy Sĩ, Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ.

Các phim tham dự liên hoan được chiếu tại 3 cụm rạp, với tổng số 85 buổi chiếu, từ 7-11/11. Ngoài Trung tâm chiếu phim quốc gia, còn có BHD Star Cineplex và CGV Mipec Tower. Khán giả nhận vé xem phim miễn phí tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia.

Trong các buổi chiếu phim dự thi, phim Việt Nam và một số phim trong các chương trình khác, nghệ sĩ sẽ xuất hiện giao lưu với khán giả. Một số phim Việt Nam được chiếu dưới hình thức lưu động ngoài trời, phục vụ miễn phí tại các quận, huyện của Hà Nội.

Phim Việt có gì đấu giải tại LHP Quốc tế Hà Nội? - 1
Ngày xưa có một chuyện tình tranh giải cùng 9 phim quốc tế. Ảnh: PV

Việt Nam “xâm chiếm” Chợ Dự án phim

Đây là lần thứ 5 Chợ Dự án phim diễn ra trong khuôn khổ HANIFF 2024, là nơi gặp gỡ, trải nghiệm của các nhà làm phim có mong muốn giới thiệu dự án với các nhà đầu tư, các chuyên gia sản xuất quốc tế đầu ngành.

Năm nay, Chợ Dự án nhận được số lượng dự án tham dự kỷ lục - gần 70 dự án gửi từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhà tổ chức không chỉ mời phim tác giả kén người xem, mà còn có sự tham gia của phim mang tính thương mại hơn. Chất lượng được nhận định là “rất cao và đa dạng” khiến BTC “phải mất rất nhiều thời gian và rất khó khăn” để chọn ra được 8 dự án tham gia.

Hai hội thảo trong khuôn khổ HANIFF 2024 bao gồm Tiêu điểm điện ảnh Ðức diễn ra từ 9h ngày 8/11. Hội thảo trao đổi những bài học kinh nghiệm về sản xuất phim của điện ảnh Ðức, cách khai thác đề tài mang tính con người, xã hội và nhân văn, phân tích cách kể chuyện đa chiều sáng tạo, xu hướng làm phim của điện ảnh Ðức hiện nay. Ngày 9/11, hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học sẽ đặt vấn đề đổi mới tư duy của các nhà làm phim khi khai thác đề tài lịch sử và đưa ra một số giải pháp nâng tầm và phát triển các dòng phim theo kinh nghiệm của quốc tế.

Riêng Việt Nam đã chiếm đến 4 dự án gồm: Tôi muốn thuê hoài mãi (nhà sản xuất Bùi Lê Nhật Tiên/đạo diễn McFloyd Nguyễn), Memento Mori: Nước (Marcus Mạnh Cường Vũ), Người khóc thuê (Đỗ Sơn/Đỗ Hà) và Lời nguyền máu (Nguyễn Phạm Hoàng Quân/Nestor Sanchez Sotelo). Bốn dự án còn lại thuộc về các nước Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Malaysia.

Ban tổ chức khẳng định không có sự thiên vị dành cho nước chủ nhà. Ông Vi Kiến Thành cho biết, giám tuyển gồm 4 thành viên: đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (Việt Nam), nhà sản xuất Jodi Hildebrand (Mỹ), Thibaut Bracq (Pháp), Lee Jin Sung (Hàn Quốc) chọn 8 dự án được đánh giá có chất lượng tốt nhất chứ không phân biệt nước nào được bao nhiêu.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu: “Điện ảnh Việt Nam những năm qua có những bước phát triển rất mạnh. Việc chúng ta chiếm một nửa số dự án trong Chợ Dự án phim trong đó bao gồm cả các nhà làm phim tên tuổi và các tác giả đầu tay là tín hiệu đáng mừng”.