Phim Việt 2016: Doanh thu thấp, nhiều "bom xịt"

21/12/2016 11:17:00

Sự bùng nổ của thị trường điện ảnh trong nước năm qua không đi kèm với chất lượng mà ngược lại, nhiều phim ăn khách nhờ quảng bá "lố".

Sự bùng nổ của thị trường điện ảnh trong nước năm qua không đi kèm với chất lượng mà ngược lại, nhiều phim ăn khách nhờ quảng bá "lố".

Năm 2016, phim Việt Nam có sự bùng nổ rõ rệt về số lượng so với những năm trước. Không còn tập trung vào một số thời điểm nhất định, giờ đây phim nội liên tục phát hành từ đầu đến cuối năm. Trung bình mỗi tháng có ít nhất ba tác phẩm ra rạp. Nhiều phim cạnh tranh với các bom tấn Hollywood khi chọn cùng thời điểm ra mắt chứ không còn rụt rè, né lịch như trước đây.

Tuy vậy, tính đến cuối tháng 12, thị trường phim ảnh trong nước khép lại ảm đạm bởi gần như ngập tràn "bom xịt".

"Tấm Cám" là phim thương mại nổi bật nhất năm qua.

Hai bộ phim dẫn đầu phòng vé năm nay là Tấm Cám: Chuyện chưa kể và Nắng chỉ dừng ở mức xấp xỉ 70 tỷ đồng (trong khi hai quán quân 2014 và 2015 - Để Mai Tính 2 và Em là bà nội của anh - đều có doanh thu trên 100 tỷ đồng).

Tấm Cám: Chuyện chưa kể nhận được sự quan tâm nhất năm qua nhưng lại nhờ lùm xùm xung quanh chuyện phát hành. Chất lượng của tác phẩm dựng lại cổ tích dân gian Việt Nam bằng kỹ xảo gây tranh cãi. Tuy nhiên, cách kêu gọi quảng bá kiểu - bộ phim cứu vớt nền điện ảnh nước nhà hay người Việt phải ủng hộ phim Việt - gây dư luận trái chiều. Ngoài ra, chuyện đạo diễn Ngô Thanh Vân khóc trong lễ họp báo ra mắt thu hút sự chú ý dành cho tác phẩm, góp phần lôi kéo khán giả đến rạp.

Giữa tháng 7, bom tấn ca nhạc Fan cuồng của đạo diễn Charlie Nguyễn được kỳ vọng lớn cuối cùng trở thành bom xịt. Với kinh phí 26 tỷ đồng (gần tương đương một phim hành động nội địa gần đây) đồng thời có sự tham gia của “vua phòng vé" Thái Hòa, bộ phim gây bất ngờ khi thất thu thảm hại. Sau ba ngày chiếu, phim chỉ đạt tám tỷ đồng. Chỉ sau hơn một tuần, phim bị rút dần các suất chiếu để nhường chỗ cho các tác phẩm mới của Hollywood.

* Ngô Thanh Vân khóc trong họp báo ra mắt "Tấm Cám"
 
Trong khi nội dung của hai phim đình đám này gây tranh cãi vì kịch bản non tay, nhìn chung, năm qua phim thương mại Việt kém chất lượng độc chiếm thị phần.

Hầu hết phim rạp có điểm chung là kịch bản yếu, hời hợt, phi logic, cố gắng câu khách bằng những chi tiết hài cường điệu quá lố, diễn viên không có kinh nghiệm diễn xuất được vào vai chính chỉ vì là cái tên hot trên mạng xã hội hoặc là một người đẹp đắt sô sự kiện. Theo đó, danh sách phim dở này có thể nối dài tới 30 phim trong tổng số hơn 40 phim ra rạp, tiêu biểu như Điệp vụ chân dài, Vợ ơi… Em ở đâu, Bảo mẫu siêu quậy 2, Thần tiên cũng nổi điên, Sứ mệnh trái tim, Vệ sĩ tiểu thư và chàng khờ…

Nhiều phim tung “chiêu” quảng cáo rất rầm rộ như Cô hầu gái, Truy sát, Sứ mệnh trái tim nhưng vẫn không hấp dẫn được khán giả đi xem vì chất lượng kém. 

dien-anh-viet-2016-phim-ky-luc-hut-70-ty-nho-lum-xum-1
Mike Tyson đến Việt Nam đóng "Những cô gái và gangster" đầu tháng 8.

Trước tình trạng khan hiếm kịch bản hay, nhiều nhà sản xuất nội địa chuyển hướng sang việc mua bản quyền phim nước ngoài để làm lại. Xu hướng này bắt nguồn từ thành công doanh thu năm ngoái của Em là bà nội của anh khi làm lại từ Miss Granny (Hàn Quốc).

Tới năm nay, giới làm phim Việt đổ xô làm lại nhiều phim ăn khách Đông Nam Á như Cô nàng ngổ ngáo (Hàn Quốc), ATM (Thái Lan), Sắc đẹp ngàn cân (Hàn Quốc), Lời nguyền tình yêu (Hàn Quốc). Các phim này đang được sản xuất và đều dự kiến ra mắt trong năm 2017. Xu hướng mới được kỳ vọng giải quyết vấn đề kịch bản nhưng lại khá rủi ro về mặt hiệu ứng vì dễ bị đem ra so sánh với phiên bản gốc.

Một hướng đi khác của phim Việt là hợp tác với các êkíp nước ngoài để tạo nên những tác phẩm “lai”. Bộ phim Hình nhân có sự kết hợp giữa Việt Nam và phía TVB (Hong Kong) với sự tham gia của ngôi sao Hoa ngữ - Quách Tấn An. Những cô gái và gangster có Trần Bảo Sơn đóng chung với võ sĩ huyền thoại Mike Tyson và các người đẹp Hoa ngữ như Tiết Khải Kỳ, Trần Ý Hàm, Trương Quân Ninh.

Một dự án đi vào sản xuất năm qua cũng nhận được sự chú ý là Sám hối của đạo diễn Ấn gốc Việt - Peter Hiền. Đây là phim tâm lý có sự tham gia của diễn viên Việt Nam lẫn Ấn Độ. Sám hối đã hoàn thành quá trình ghi hình và được đưa về Ấn Độ dựng để kịp ra mắt trong năm 2017 ở hai quốc gia.

Hai làn sóng mới này báo hiệu điện ảnh Việt Nam có cuộc thử nghiệm phòng vé trong năm 2017.

dien-anh-viet-2016-phim-ky-luc-hut-70-ty-nho-lum-xum-2

Việt Nam trở thành điểm đến mới cho các bom tấn Bắc Mỹ.

Ở giai đoạn phim Việt vẫn đang loay hoay tìm đường ra thế giới thì nhiều nhà làm phim quốc tế chú ý tới Việt Nam nhờ bối cảnh đẹp. Việc đoàn phim bom tấn Kong: Skull Island tới Việt Nam quay trở thành một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất năm qua. 

Năm ngoái, bom tấn Pan từng tới Sơn Đoòng ghi hình nhưng không có sự tham gia của đoàn phim. Lần này, hãng Legendary tổ chức họp báo giới thiệu đoàn phim ngay tại Hà Nội, với sự tham gia của những ngôi sao hạng A Hollywood như Tom Hiddleston, Brie Larson, Samuel L. Jackson, Thomas Mann và đạo diễn Jordan Vogt-Roberts. Từ hồi trailer và poster Kong: Skull Island được công bố, phong cảnh đẹp như Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bảng hay Đầm Vân Long xuất hiện trang trọng trên các ấn phẩm truyền thông thế giới.

* Hình ảnh Việt Nam trong trailer "Kong: Skull Island"
 

Sau Kong: Skull Island, đoàn phim Pháp - Những nơi tận cùng thế giới - dự kiến sang Việt Nam làm việc để xin phép ghi hình vào đầu năm sau. Đây là dự án phim nói về chiến tranh Việt Nam, có sự tham gia của huyền thoại điện ảnh Pháp - Gerald Depardieu - và tài tử mới nổi là Gaspard Ulliel. Phim dự định lấy bối cảnh chính ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Việc Việt Nam trở thành bối cảnh cho các bộ phim quốc tế mở ra con đường cho các nhà làm phim trong nước học hỏi từ những nền điện ảnh hàng đầu thế giới. Xu thế này còn tạo cơ hội để các diễn viên nước nhà có dịp xuất hiện bên nhiều ngôi sao thế giới, đồng thời tạo cơ hội để quảng bá du lịch - văn hóa trong nước.

Ở mảng điện ảnh độc lập, bộ phim gây tiếng vang năm nay là Thành phố những tấm gương của đạo diễn Trương Minh Quý. Tham gia hạng mục Cửa sổ châu Á tại Liên hoan Busan hồi tháng 9, tác phẩm của đạo diễn trẻ viết tiếp giấc mơ vươn ra thế giới của những phim nghệ thuật Việt như Cha và con và... hay Đập cánh giữa không trung hồi 2015 và 2014.

Theo Nguyên Minh (VnExpress.net)

Nổi bật