Trong dòng chảy điện ảnh Cách mạng Việt Nam, bộ phim Hoa Ban Đỏ ( sản xuất năm 1994) của đạo diễn Bạch Diệp là một tác phẩm đặc biệt. Bộ phim không đơn thuần kể lại những trận đánh oanh liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà khắc họa một cách sâu sắc và xúc động đời sống nội tâm, tình yêu, niềm tin và sự hy sinh cao cả của những con người giữa khói lửa chiến tranh.
Ở trung tâm câu chuyện là mối tình đẹp nhưng dang dở giữa tiểu đoàn trưởng Phương (NSND Trần Lực đóng) và y tá Tấm (NSND Thu Hà đóng). Ở khu cứu thương, Phương gặp lại Tấm (NSND Thu Hà) - vốn là hàng xóm cạnh nhà nay đã trở thành y tá. Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa không khí hối hả của cuộc chiến, Tấm đem lòng thầm yêu Phương.
Khi sức khỏe bình phục, Phương trở lại đơn vị cùng đồng đội chiến đấu. Cuộc chia tay của Phương và Tấm diễn ra giữa rừng hoa ban đỏ. Phương hẹn sẽ gặp lại Tấm vào ngày chiến thắng.
Phim không nhiều lời hoa mỹ, không bi kịch hóa cuộc chia ly, nhưng mỗi ánh mắt, mỗi cử chỉ giữa Tấm và Phương lại thấm đẫm sự tha thiết. Tình yêu của họ nảy nở giữa rừng hoa ban Tây Bắc. Hoa ban không chỉ là điểm nhấn nghệ thuật, mà còn là một lời nhắn gửi đầy nhân văn: tình yêu, dù ở nơi khốc liệt nhất, vẫn có thể nảy nở.
Một trong những phân cảnh xúc động nhất trong Hoa ban đỏ có lẽ đến từ hình ảnh Tấm chạy ngược lại đoàn quân và gọi tên Phương giữa rợp trời cờ hoa của ngày chiến thắng, hàng nghìn người lính hát vang khúc quân hành. Cô không biết rằng người mình yêu đã hy sinh. Tiếng gọi lạc trong tiếng quân ca, trong niềm hân hoan của ngày toàn thắng, là sự hòa quyện của niềm vui đất nước và nỗi đau riêng. Giây phút ấy khiến người xem như nghẹn lại, bởi để có được chiến thắng quý giá, độc lập, hòa bình cho dân tộc, biết bao người sẵn sàng chiến đấu, dâng hiến tuổi xuân, tình yêu và cả sinh mạng.
Không chỉ là câu chuyện tình yêu, Hoa Ban Đỏ còn là bản hùng ca của những người lính bình dị. Đoàn quân ra đi nguyên vẹn, rồi gần như hy sinh toàn bộ trong một đêm chiến đấu.
Hàng triệu khán giả nấc nghẹn, trào nước mắt khi xem phân đoạn người anh nuôi đau đớn vì những người lính không thể trở về ăn bữa cơm sáng:
"- Sáng nay đồng chí nấu bao nhiêu suất.
- Báo cáo đại đội trưởng vẫn nấu đủ quân số ạ.
- Gạo thì thiếu, mà cơm lại thừa.
- Đã làm suốt cả đêm, không về ngay mà ăn, còn tranh thủ chợp mắt chứ. Chúng nó đâu hết cả rồi.
- Chỉ còn mấy thằng đây thôi bố ạ.
- Hả, mày vừa nói cái gì. Chết nhiều thế cơ à. Thế mà hôm qua trước khi đi chúng nó còn dặn tao bố đừng cắt phần cơm của con bố nha".
Nhưng trong bi thương ấy, phim vẫn giữ được ánh sáng – ánh sáng của lòng dũng cảm, của lý tưởng sống và của niềm tin vào ngày mai.
Đạo diễn Bạch Diệp đã không chọn cách kể hào hùng, mà chọn cách kể bằng cảm xúc. Chính điều đó khiến Hoa Ban Đỏ trở thành một tượng đài trong lòng người xem – không chỉ như một phim chiến tranh, mà là một tác phẩm nghệ thuật chạm đến những tầng sâu nhất của trái tim.
Xem Hoa Ban Đỏ, chúng ta không chỉ xúc động trước sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước, mà còn thấy trong đó bóng dáng những giấc mơ, những tình yêu chưa kịp nói thành lời. Và từ đó, niềm tự hào về lịch sử dân tộc lại trỗi dậy – không chỉ bởi chiến thắng, mà bởi những con người đã sống, yêu và ngã xuống cho đất nước hôm nay.
Theo PV (Thanh Niên Việt)