"Bộ phim có đạo diễn tự tử trước thềm công chiếu chính thức...", đó là ấn tượng của khán giả đại chúng khi nghe bất cứ ai nhắc đến Chú Voi Nằm Im Trên Đất. Dự án ra mắt năm 2018 là một chuỗi bi kịch buồn thấu trời từ trong phim ra đến ngoài đời. Thế nhưng giống như cách mà các nhân vật lê thân mình đến với sự tự do mới sau nhiều tháng ngày khổ đau, bản thân bộ phim cuối cùng cũng tìm thấy một chút ánh sáng cuối đường hầm.
Chuyện 4 người khốn khổ muốn đi xem chú voi trong truyền thuyết, nhưng thực hư ra sao?
Đúng như tựa phim gợi mở, có một chú voi ở rạp xiếc Mãn Châu Lý, ngày ngày ngồi yên bất động mặc cho bị nhiều người vây kín, thậm chí bị hành hạ thể xác. Không ai biết thực hư về sự tồn tại của chú voi, nhưng có 4 người bị thông tin này thu hút. Bốn con người cực kì khổ tâm.
Một cậu học sinh vì nghe bạn xúi giục mà lỡ tay xô ngã tên bắt nạt từ bậc cầu thang. Một thanh niên ngoại tình với vợ bạn, để rồi tận mắt chứng kiến bạn mình nhảy lầu tự tử. Một người đàn ông tuổi xế chiều bị con cái bỏ rơi, sống với một chú chó nhưng rồi cũng bị chó nhà khác cắn chết. Một cô gái trẻ dan díu với thầy giáo đã có vợ, cảm thấy đó là chốn yên bình đầy mỉa mai. Tất cả họ, dù có lỗi hay không, đều bị trói buộc bởi khổ đau trong cuộc đời, là những minh chứng hùng hồn cho câu nói: "Con người sinh ra đã là một cái khổ". Đó là cho đến khi họ nghe về chú voi Mãn Châu Lý kia và quyết định một lần đến thăm chú.
Chú voi kia vốn chỉ là cái cớ. Cả 4 người tìm đến chú voi như một cách thoát khỏi cuộc sống bế tắc, thê lương hiện tại, trốn xa khỏi thị trấn u ám chả có nổi ánh mặt trời. Xuyên suốt phim, khán giả đều có chung một câu hỏi: "Chú voi kia có thật hay không?", thế nhưng dần dần nó cũng không còn quan trọng nữa. Cả 4 nhân vật chính của Chú Voi Ngồi Im Trên Đất lần đầu tiên cảm thấy tự do khi bỏ được nỗi đau lại đằng sau, có mặt ở vùng đất mới, cùng nhau đá cầu lúc trời nhá nhem và không mấy quan tâm đến chú voi kia nữa. Đó chính là góc nhìn của riêng Hồ Ba về cách con người đối mặt với chữ "khổ". Có người hơi khổ, có người quá khổ, nhưng lâu dần chúng sẽ bào mòn tâm hồn chúng ta, khiến một số người như thể bị đánh gục đến mức thờ ơ với mọi thứ. Tận dụng việc kể nhiều câu chuyện song hành cùng lúc, Chú Voi Ngồi Im Trên Đất khiến thời lượng 3 tiếng 50 phút của nó trở nên ý nghĩa, không thừa không thiếu, mang đến cho người xem trải nghiệm kì lạ và trần trụi nhất.
Bi kịch đạo diễn tự vẫn trước khi phim công chiếu, lỗi đến từ nhà đầu tư?
Câu chuyện đằng sau Chú Voi Ngồi Im Trên Đất cũng tràn đầy thảm kịch, tăm tối không thua gì nội dung phim. Tác phẩm là "đứa con tinh thần" của đạo diễn trẻ Hồ Ba, được chuyển thể từ tiểu thuyết Huge Crack (Vết Nứt Lớn) do chính anh viết. Thế nhưng cũng giống như bất kì nhà làm phim độc lập nào khác, tác phẩm của anh chịu sức ép lớn từ nhà đầu tư. Một bộ phim dài gần 4 tiếng là quá nhiều so với tiêu chuẩn chiếu rạp đại chúng, vì vậy những yêu cầu cắt xén, thêm bớt xuất hiện. Với lòng tự tôn đối với "đứa con" của mình, Hồ Ba không chấp nhận.
Rồi một ngày nọ, một người bạn học tìm thấy Hồ Ba treo cổ tự tử.
Thông tin vị đạo diễn trẻ kết liễu đời mình khiến truyền thông bùng nổ. Lúc này, sự chú ý đều hướng về phía đầu tư từng đứng sau Hồ Ba thực hiện Chú Voi Ngồi Im Trên Đất - Đông Xuân ảnh nghiệp do đạo diễn Vương Tiểu Soái đứng đầu. Người vợ Lưu Toàn đã giới thiệu Hồ Ba cho chồng mình, sau đó dự án phim Chú Voi Nằm Im Trên Đất được tiến hành. Không chỉ làm đạo diễn và biên kịch, Hồ Ba còn kiêm luôn vị trí biên tập phim, cuối cùng cho ra thành quả 4 tiếng. Thế nhưng Vương Tiểu Soái không chịu, liên tiếp cự tuyệt giữ nguyên và đòi Hồ Ba cắt xuống còn 2 tiếng.
Hồ Ba nhìn bộ phim của mình mất một nửa thời lượng gốc, trở thành một mẩu sản phẩm cắt ghép vụng về, thiếu trước hụt sau thì đâm chán nản. Anh gửi bản phim gốc của mình cho nhà biên tập phim tài ba Liêu Khánh Tùng, được ông khen ngợi nhưng bấy nhiêu đó cũng không thuyết phục được Đông Xuân ảnh nghiệp. Kết quả, Hồ Ba và công ty của Vương Tiểu Soái trải qua một trận giải trừ hợp đồng, ngoại trừ kịch bản phim thì tất cả mọi thứ đều thuộc quyền sở hữu của Đông Xuân ảnh nghiệp. Đó là toàn bộ mọi chuyện xảy ra trước ngày định mệnh - ngày mà Hồ Ba giã từ cõi trần.
Đương nhiên không ai có quyền quy chụp hay khẳng định Đông Xuân ảnh nghiệp đã "bóp nát" cuộc sống của Hồ Ba. Đây vốn dĩ là mâu thuẫn thường thấy giữa nhà làm phim tâm huyết và phía đầu tư luôn đặt lợi ích kinh doanh lên hàng đầu. Hơn 3 năm đã trôi qua nhưng Đông Xuân ảnh nghiệp vẫn không có bình luận gì thêm, còn bạn bè, người thân của Hồ Ba cũng thôi không oán hận điều chi. Bởi vì ít nhất, sau khi "cha đẻ" đã ra đi vĩnh viễn thì "người con" ở lại cuối cùng cũng phát triển đầy đủ, công thành danh toại ở LHP danh giá bậc nhất khu vực.
Chiến thắng vang dội trước "bậc thầy" Trương Nghệ Mưu
Bỏ lại tất cả những lùm xùm đằng sau, Chú Voi Ngồi Im Trên Đất đã chiến thắng vang dội tại lễ trao giải Kim Mã lần thứ 55. Bộ phim giành hai giải là Phim hay nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, vượt mặt hàng loạt đối thủ nặng kí mà trong đó có cả siêu phẩm Vô Ảnh của Trương Nghệ Mưu. Lên sân khấu nhận giả thay Hồ Ba là mẹ của anh. Khi phát biểu, bà đã không giấu được sự xúc động, khiến những người ngồi bên dưới cũng khó cầm được nước mắt.
Sau Kim Mã, danh tiếng của Chú Voi Ngồi Im Trên Đất vượt ra khỏi lãnh thổ châu Á. Hàng loạt trang báo phương Tây dành lời khen có cánh cho bộ phim Trung Quốc này, thậm chí tác phẩm của Hồ Ba còn xứng đáng giành giải FIPRESCI (giải của Liên đoàn quốc tế báo chí điện ảnh) tại LHP Berlin.
Giờ đây sau gần 3 năm Chú Voi Nằm Im Trên Đất ra mắt, một số khán giả Việt đã chia sẻ cảm xúc của mình sau khi xem bộ phim. Nhiều netizen đồng ý đây là bộ phim quá buồn, quá ám ảnh nhưng vô cùng "ổn áp". Tinh thần của bộ phim vẫn còn đậm giá trị cho đến hôm nay, chứng tỏ "chú thiên nga" Hồ Ba đúng thật đã để lại cho đời một tác phẩm cuối cùng vô cùng chất lượng.
Theo Thành Vũ (Trí Thức Trẻ)