Trailer 'Tháng năm rực rỡ'
Trong hơn 1 tuần càn quét các rạp chiếu toàn quốc, phim Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã đạt doanh thu khủng, đồng thời gây được tiếng vang với tư cách phim remake khá tốt.
Tính đến hết ngày 18.03, phim đã thu hút hơn 1 triệu lượt khán giả và cán mốc doanh thu gần 65 tỷ đồng. Tuy chưa thực sự "rực rỡ" như Em chưa 18, nhưng Tháng năm rực rỡ đã vượt qua Cô ba Sài Gòn về mặt doanh thu phòng vé. Bộ phim của Ngô Thanh Vân dù tạo nên trào lưu mạnh mẽ nhưng chỉ thu về khoảng 60 tỷ.
Nhiều ý kiến đánh giá rằng Tháng năm rực rỡ hoàn toàn ngang cơ với Em là bà nội của anh của Phan Gia Nhật Linh về độ chỉn chu trong các chi tiết Việt hóa.
Tính đến thời điểm hiện tại có thể nói rằng bộ phim khá thành công những vẫn chưa thực sự là tác phẩm hoàn thiện bởi đôi chỗ vẫn còn những lỗi vô lý mà khán giả không khó để nhận ra.
Thời trang quá hiện đại
Phần tuổi trẻ của Tháng năm rực rỡ được đặt tại thời điểm năm 1975. Nếu so với bối cảnh thời kỳ này thì tạo hình của các cô gái nhóm Ngựa hoang quá thiếu thuyết phục.
Để đạt hiệu quả về mặt thẩm mỹ, đội ngũ sản xuất của phim đã khoác lên mình các cô thiếu nữ trang phục nhiều màu sắc sặc sỡ nhưng mẫu mốt lại hiện đại như của thập niên 90,2000.
Giày sneaker, quần jeans ống đứng, sơ mi kẻ caro, áo thun in hình hay cả kiểu tóc của dàn nhân vật cũng đều lệch lạc với phong cách miền nam năm 75.
Đồng tiền sử dụng không thống nhất
Đến khi các nữ quái siêu quậy của nhóm đã trưởng thành 25 năm sau, khán giả lại phát hiện thêm một lỗi khác về bối cảnh.
Lúc này là năm 2001 nhưng trong cảnh Hiểu Phương trả tiền cho lũ trẻ để tìm nhà thì người ta đã thấy cô sử dụng tiền polymer. Trong khi mãi đến năm 2003 loại tiền này mới được Nhà nước phát hành và đưa vào sử dụng.
Chỉ sau đó một đoạn ngắn thì Lan Chi mập lại sử dụng tiền giấy, thậm chí đoạn sau còn có cảnh cận đồng 10.000 giấy màu đỏ.
Đám tang không giống truyền thống Việt Nam
Ở cảnh cuối phim khi nhóm Ngựa hoang tề tựu trong đám tang của "đại ca" Mỹ Dung, hẳn nhiều khán giả sẽ cảm thấy xa lạ với cách bài trí đám tang.
Nếu đã xem bản gốc Sunny thì có thể nhận ra ngay sự tương đồng trong dàn cảnh và thiết của cảnh này và cảnh trong phiên bản gốc.
Kiểu cách của vòng hoa và đám tang không hương khói trong Tháng năm rực rỡ rõ ràng không phải cách làm truyền thống của Việt Nam mà giống với kiểu sắp đặt nghi lễ ở Hàn Quốc hơn.
Kỹ xảo chưa hoàn thiện
Cảnh phim khi Tuyết Anh bị rạch mặt là bước ngoặt bất ngờ đem đến nhiều cảm xúc cho người xem trong phim. Vết rách từ từ hiện lên trên gương mặt xinh đẹp của cô tiểu thư lạnh lùng làm khán giả thực sự xót xa.
Chi tiết xúc động này được giữ nguyên trong Tháng năm rực rỡ nhưng chỉ tiếc rằng phần kỹ xảo vết rách lại chưa chỉn chu. Khi vết thương hiện trên màn ảnh thấy rõ là không dịch chuyển đồng nhất với gương mặt, tạo cảm giác rất giả tạo.
Cuốn sách giáo khoa và chai nước ngọt lạc thời
Hầu hết bối cảnh Đà Lạt và các đạo cụ trong Tháng năm rực rỡ đều được ê kíp nghiên cứu, chuẩn bị tương đối cẩn thận để hợp với thời kỳ.
Tuy nhiên nếu soi kĩ thì vẫn phát hiện ra một vài đồ vật lạc thời. Như trong cảnh quay tại nhà Hiểu Phương, ống kính có lướt qua tập sách giáo khoa môn Vật lý.
Lạ lùng thay cuốn sách này lại có khổ to như loại sách hậu cải cách của những năm 2000. Còn sách giáo khoa trước năm 75 được in khổ nhỏ hơn cuốn vở.
Hay khi những chai nước ngọt in logo nhãn hiệu Chương Dương xuất hiện thì những khán giả lớn tuổi sẽ phát hiện ra ngay sự bất hợp lý bởi thương hiệu này phải đến năm 1977 mới được hình thành.
Theo Phương Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)