Bộ phim truyền hình dài tập “Người phán xử” tính đến thời điểm trung tuần tháng 5 mới chiếu được 17 tập, nhưng đã tạo ra một sức hút đáng kể đối với đông đảo người xem truyền hình ở các lứa tuổi khác nhau.
Đối với một phim truyền hình, đó là hiện tượng đáng mừng. Một kịch bản hay với dàn diễn viên nhất là ở các nhân vật chính trong phim đã được trao vào các diễn viên có tay nghề cao, có nghệ thuật “nhập vai như thật” như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Hương Dung, NSƯT Thanh Quý. Diễn viên Việt Anh trở lại vai sở trường – con đại gia có quyền lực, được chiều chuộng, chăm bẵm... Có lẽ lâu lắm mới thấy người xem truyền hình mong ngóng tối định kỳ (thứ tư, thứ năm) trong khung giờ vàng để được theo dõi “Người phán xử “.
Bộ phim “Người phán xử” có nhiều cảnh bạo lực. ảnh: YOUTUBE |
Tốc độ phim mang tính hành động, nhanh, lôi cuốn, nhiều tình tiết sôi động, lời thoại được thể hiện tốt, lột tả tính cách của nhân vật, những mảng miếng được đạo diễn cắt, cúp tài ba... Bao trùm lên toàn bộ bộ phim là cuộc sống đầy những biến cố rợn người, kích thích sự tò mò của khán giả bởi sự thanh trừng của thế giới ngầm đã tạo nên sức hấp dẫn ghê gớm.
Xem “Người phán xử”, người xem truyền hình hiển nhiên bị thu hút hơn hẳn các phim “Bí thư tỉnh ủy”, “Chủ tịch tỉnh” và cả mảng phim hình sự đã chiếu trước đây như “Bí mật tam giác vàng”, “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, “Sát thủ online”... Nhưng “Người phán xử”, trong suy nghĩ của cá nhân tôi, lại tạo ra nhiều mối lo.
Xã hội ta đang trong giai đoạn chuyển biến và đổi mới. Mặc dù cơ chế bao cấp đã chuyển sang cơ chế thị trường ba mươi năm, nhưng phải sòng phẳng chỉ ra rằng, luật pháp cho một cơ chế thị trường để đảm bảo một xã hội vận động và phát triển của chúng ta chưa thật chặt chẽ và phù hợp. Trong khi đó, sự mở cửa nhiều hướng kéo theo nhiều hiện tượng xã hội không lành mạnh tràn vào nước ta. Trong tình trạng như vậy, để câu khách, truyền thông đã cho đăng tải tin tức, bài phản ảnh những sự việc đánh vào thị hiếu bản năng của người đọc.
Không phải ngẫu nhiên người đọc có trách nhiệm từng âu lo trước hiện tượng nhiều tờ báo hút khách bằng các bài báo dẫn dụ độc giả xoay quanh những câu chuyện “cướp, giết, hiếp”... và hậu quả nhãn tiền là vài năm trở lại đây, tình trạng phạm tội gia tăng một cách đáng sợ ở nước ta. Tỷ lệ tội phạm ngày càng tăng và độ tuổi của thủ phạm ngày càng được trẻ hóa. Phải chăng cũng do tác động ít nhiều của những bài báo có chủ đề hình sự kia? Một danh ngôn đã nói rõ về tình trạng này: Khi nói nhiều và quá gần về cái xấu, điều tốt sẽ xa rời.
Một số phim về đề tài hình sự trên truyền hình trước đây đã tạo ra sự hấp dẫn và ở liều lượng chấp nhận được. Còn với “Người phán xử”, dường như mọi yếu tố hình sự gây tò mò cao, đậm đặc nhất cùng những mánh khóe đen tối nhất của thế giới ngầm, những cảnh trừng phạt thất nhân tâm gây tò mò, kích thích bản năng nhất lại được mô tả kỹ lưỡng có bài bản và đầy sức hút được lặp đi lặp lại, tung hoành không ít trường đoạn của phim.
“Giáo khoa đen” cho khán giả trẻ
Những cảnh chặt ngón tay theo lệnh ông trùm, xe hơi nổ tung vì mìn trừng phạt của đối thủ, con dao sắc lẹm lăm le chặt tay nạn nhân... được mô tả rất cận cảnh. Đặc biệt, sự phô diễn quyền lực đi liền với những mánh khóe thâm độc, tàn nhẫn, sẵn sàng gây tội ác bất chấp luật pháp của kẻ đứng đầu băng đảng thế giới ngầm, những âm mưu, thủ đoạn triệt hạ lẫn nhau trong xã hội đen được đặc tả tỉ mỉ đã... gây sự cuốn hút cho khán giả, nhất là khán giả trẻ. Biết đâu, những điều đó lại trở thành thứ “giáo khoa đen” cho lứa khán giả này.
Phim là một thể loại nghệ thuật, nhưng khi nó được chiếu trên truyền hình thì lại có chức năng của một tác phẩm bảo chí. Phim chiếu ở rạp có thể hạn chế và khoanh vùng đối tượng, còn khi đưa lên truyền hình thì đương nhiên thu hút đông đảo người xem đủ mọi lứa tuổi. “Người phán xử” mô tả thể giới ngầm ở mọi góc độ đáng sợ như thế. Dù không muốn nhưng nó đã làm cho những Phan Quân, Phan Hải, Lương “bổng”, Thế “chột”... dã man, tàn bạo, sống phi luật pháp như vậy ít nhiều trở thành những mẫu hình lý tưởng cho tầng lớp khán giả trẻ noi theo, bắt chước (?!). Những mánh khóe bất nhân, sự trừng phạt tàn bạo như phim diễn tả có tác động “vạch đường” cho khán giả trẻ không?
Được biết, kịch bản “Người phán xử” được Việt hóa từ kịch bản The Abitrator của Israel - một phim thương mại 4 phần đã từng gây ra cơn sốt tại quốc gia này. Phim kể về ông trùm Baruch Asulin - kẻ đầy quyền lực giữ vai trò hòa giải trong thế giới ngầm. Chưa từng chứng kiến thực tế xã hội Israel ra sao, nhưng tôi hiểu kịch bản và phim gốc đã phản ánh, điển hình hóa thế giới ngầm trong xã hội của quốc gia này. Còn ở ta, tôi tin cho dù ít nhiều có thế giới ngầm, có xã hội đen nhưng bản chất, diễn biến của lực lượng này không giống như Israel.
Tôi hiểu do yêu cầu về phát sóng, vấn đề sản xuất phim để trám vào giờ vàng là nhu cầu cần thiết, cấp bách. Nhưng tìm kịch bản nước ngoài để Việt hóa cũng chỉ là một hướng đi. Ngay cả hướng này cũng cần chọn lọc kịch bản dựa trên sự tương đồng ít nhiều thực tế xã hội, tâm lý, nếp nghĩ và cao hơn cả là tôn trọng và có trách nhiệm với người xem với chức năng là sản phẩm nghệ thuật trên truyền hình.
Những Phan Quân, Phan Hải, Lương “bổng”, Thế “chột”... dã man, tàn bạo, sống phi luật pháp như vậy ít nhiều trở thành những mẫu hình lý tưởng cho tầng lớp khán giả trẻ noi theo, bắt chước (?!) |
Theo Nhà văn Nguyễn Hiếu (Dân Việt)