Phim nào được đề cử Mai Vàng 2015?

12/11/2015 16:21:01

Năm qua, phim điện ảnh, truyền hình không có chất lượng đồng đều nhau. Một vài phim thật sự nổi bật cả nội dung, hiệu ứng khán giả nhưng cũng có nhiều phim nhạt nhòa, bị chê.

Năm qua, phim điện ảnh, truyền hình không có chất lượng đồng đều nhau. Một vài phim thật sự nổi bật cả nội dung, hiệu ứng khán giả nhưng cũng có nhiều phim nhạt nhòa, bị chê.

Năm ngoái, những tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa từ các đạo diễn Việt kiều giúp phim Việt ổn định, năm nay lại vắng dần những tác phẩm như vậy. Mặc dù doanh thu phòng vé tăng ngoạn mục nhưng không nhiều phim gây được tiếng vang. Suốt cả năm, điện ảnh Việt chỉ có “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là phim vừa được giới chuyên môn, báo chí đánh giá cao, khán giả đón nhận, đạt doanh thu phòng vé ấn tượng.
 

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"- bộ phim hiếm hoi gây "sốt" trong năm 2015

Là bộ phim đầu tiên được làm bằng vốn đầu tư dưới hình thức tài trợ một phần của nhà nước, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Việt Linh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Victor Vũ đạo diễn) là câu chuyện đầy xúc cảm về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của mỗi người. Phim được đánh giá là hài hòa tổng thể từ kịch bản, âm nhạc, dựng phim, quay phim đến diễn xuất của các diễn viên nhí. Đã từng thành công với dòng phim hài, hành động, kinh dị, lần này, đạo diễn Victor Vũ khiến mọi người nể phục với thể loại phim gia đình, thiếu nhi.

Hòa chung dòng phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học, “Quyên” (đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ) kể về cuộc đời của người phụ nữ tên Quyên trong thời kỳ loạn lạc ở Đông Âu, khi bức tường Berlin sụp đổ. “Quyên” được đánh giá cao ở việc đầu tư nghiêm túc, quan tâm tới chất lượng nghệ thuật hơn là doanh thu phòng vé nhưng lại chưa đi đến tận cùng của bi kịch, biến cố về cuộc sống mưu sinh của người Việt di dân tới Đức được cô đặc trong tiểu thuyết.
 

"Quyên" cũng là một phim nghệ thuật tử tế trong năm 2015

 
“Dịu dàng” (đạo diễn: Lê Văn Kiệt, chuyển thể từ truyện ngắn A Gentle Creature của đại văn hào người Nga Fyodor Dostoevsky) kể cuộc hôn nhân bế tắc, tù túng của người đàn ông trung niên làm nghề cầm đồ và cô gái nghèo dẫn đến bi kịch cô gái phải tự sát. Không được xếp vào nhóm phim ăn khách nhưng “Dịu dàng” là phim giàu ngôn ngữ điện ảnh.
 

Cảnh trong phim "Dịu dàng"

Sau nhiều năm rời xa điện ảnh, Việt Trinh bất ngờ quay lại với phim “Trót yêu”. Giữa lúc phim Việt ra rạp tràn ngập thể loại hài hước, kinh dị, “Trót yêu” là một nỗ lực tìm màu sắc khác cho điện ảnh Việt của đạo diễn Việt Trinh. Tương tự vậy, “Trúng số” của đạo diễn Dustin Nguyễn ra mắt vào dịp Tết vừa qua cũng là một “mảng màu” khác biệt khi khai khác một câu chuyện đẹp, đầy nhân văn về lòng tốt con người.

Đứng tách biệt hẳn với dòng phim hài nhảm khi không đi theo công thức chung nhưng “Trúng số” trở thành phim được đánh giá cao nhất và có doanh thu khả quan nhất của thể loại phim này tại phòng vé trong dịp Tết.
 

Việt Trinh và Đức Hải trong phim "Trót yêu"

Năm qua hàng loạt phim thể loại hài, kinh dị ra rạp như: “Sơn đẹp trai”, “Lật mặt”, “Bộ ba rắc rối”, “Kung fu phở”, “Hy sinh đời trai”, “49 ngày”, “Trùm cỏ”, “Ngủ với hồn ma”, “Thám tử Hên-ry”, “Cầu vồng không sắc”, “Con ma nhà họ Vương”…..nhưng chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả. Sự xuất hiện quá nhiều phim “dở tệ” và “thảm họa” đến mức bị “ném đá” hoặc tranh cãi quyết liệt như năm vừa qua chắc chắn sẽ không khiến bạn đọc phải đau đầu cân nhắc nhiều để lựa chọn đề cử hạng mục Phim điện ảnh, truyền hình hay nhất như mọi năm.

Truyền hình: Nhiều phim được đầu tư ấn tượng

Nhiều người nhận định 2015 là năm khó khăn với phim truyền hình Việt bởi sự cạnh tranh gay gắt của các chương trình truyền hình thực tế nở rộ. Sức ép về thu hồi vốn là bài toán khó cho các nhà sản xuất nhưng thực tế vẫn có nhiều tác phẩm mang tầm vóc được đầu tư. Dòng phim hành động, hình sự năm nay phát triển mạnh mẽ, đa dạng như: “Sương khói đồng hoang”, “Ông trùm”, “Con gái ông trùm”, “Thề không gục ngã”….

Là người tạo dấu ấn qua phim “Bí mật tam giác vàng”, năm nay, Nguyễn Dương tiếp tục khẳng định tài năng của mình qua việc khai thác cuộc đời các ông trùm thông qua hành trình truy tìm kho báu của một băng đảng nhiều thế lực trong phim “Sương khói đồng hoang”. Tuy đề cập nạn buôn lậu nhưng đó chỉ là cái cớ để phim khai thác bi kịch của những kẻ thủ ác.

Phim “Ông trùm” bên cạnh việc khai thác thế lực ngầm còn đề cập đến cuộc sống của những cảnh sát chìm - những người hi sinh cuộc sống riêng của mình cho nhiệm vụ cao cả.
 

Các nam diễn viên trong phim "Sương khói đồng hoang"

Cũng khai thác về đề tài “ông trùm” nhưng trong phim “Con gái ông trùm” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Trung) có nhiều khác biệt. Hình ảnh ông trùm (diễn viên Hai Nhất đóng) không phải là một người ác từ đầu mà thiện ác song hành. Dù ban ngày chuyên đi cướp, giết người không ghê tay nhưng tối đến, ông trùm này trằn trọc, trăn trở, lo lắng cho vợ con đang biền biệt nơi xa.

Phim “Thề không gục ngã” (đạo diễn Nguyễn Minh Cao) được đánh giá cao ở diễn xuất của diễn viên, võ thuật đẹp mắt và bối cảnh vươn ra ngoài lãnh thổ Việt khi được quay tại Hong Kong và Campuchia. Đây là phim đạt rating (tỉ suất người xem) khá cao khi phát sóng trên trên Đài THVL1.
 

"Con gái ông trùm" khai thác một hình ảnh khác của "ông trùm"

 
Cũng được đánh giá là một phim mang “tầm vóc”, “Biệt thự Pensée” (đạo diễn Châu Thổ + Minh Trương), là bức tranh sống động về một phần những thăng trầm của đất nước trải suốt chiều dài lịch sử 40 năm sau ngày giải phóng. Trong hàng loạt phim lên sóng năm nay của hãng M&T Pictures sản xuất, “Mặn hơn muối” (đạo diễn Nhâm Minh Hiền) là dự án trọng điểm nhất. Phim khai thác cuộc đời cơ cực “mặn hơn muối” của những diêm dân nghèo khổ, cơ cực khi đối diện với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và nạn buôn lậu muối ngoại. Ngoài kịch bản hay, diễn xuất tốt của diễn viên thì phim còn được ghi nhận bởi nỗ lực vượt qua khó khăn về thời tiết, địa hình trong suốt 3 tháng khởi quay tại vùng nắng gió Ninh Thuận.
 

"Mặn hơn muối"- một dự án trọng điểm của nhà sản xuất đang thu hút khán giả trên HTV7

 
Năm qua, các tác phẩm sân khấu hay sau khi được chuyển thể thành phim truyền hình được khán giả đón nhận tích cực như: “Khúc tương tư” (đạo diễn: Xuân Phước, phóng tác từ tác phẩm sân khấu “Khúc nguyệt cầm” của NSƯT Đoàn Bá), “Tần nương thất” (đạo diễn: Chu Thiện, chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng), “Tấm lòng của biển” (đạo diễn: Trương Dũng, chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng), “Nắng sớm mưa chiều” (đạo diễn: Trương Dũng, chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của tác giả Ngọc Linh)…..
 

Cảnh trong phim "Tấm lòng của biển"

 
Phim hợp tác và phim Việt hóa
 
Hai phim lên sóng VTV3 trong năm 2014 nhưng kéo dài đến năm 2015 gây chú ý là “Tuổi thanh xuân” (đạo diễn Khải Anh) và “Đam mê nghiệt ngã” (đạo diễn Nguyễn Minh Chung). Bắt đầu được phát sóng từ tháng 12- 2014 đến tháng 4- 2015 trên VTV3, "Tuổi thanh xuân” (phim dấu sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc) đã nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả truyền hình và trở thành bộ phim truyền hình đình đám nhất trong năm.
 
Tình yêu trong sáng, dễ thương đậm chất Hàn chính là điểm thu hút với khán giả trẻ. “Đam mê nghiệt ngã” (nhà văn Thùy Linh “Việt hóa” từ xêri phim truyền hình Pasión de Gavilanes) không chỉ kịch bản, bối cảnh, góc máy được đầu tư mà còn quy tụ dàn diễn viên khủng với gần 100 diễn viên, trong đó có đến 24 diễn viên đóng vai chính là những gương mặt nghệ sĩ tên tuổi.
 
>> "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thu hơn 70 tỷ đồng sau một tháng
>> "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh" - Hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử điện ảnh Việt
>> Bí mật về bé Mận của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
>> Nghệ sĩ bàn cãi quanh "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
>> "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh": Xem xong thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm...

Theo Minh Nga. Ảnh do NSXCC (Nld.com.vn)

Nổi bật