Tối 24/2 (giờ địa phương), Liên hoan phim Berlin (Berlinale, Đức) lần thứ 68 khép lại với chiến thắng của tác phẩm Touch Me Not - bộ phim đang tạo ra làn sóng tranh cãi vì những cảnh sex và phơi bày da thịt táo bạo. Tác phẩm là phim đầu tay của Adina Pintilie - đạo diễn Romania. Trong phim, cô quan sát và ghi hình một nhóm người đủ lứa tuổi, giới tính - từ bình thường đến thiểu năng trí tuệ hoặc hạn chế vận động - chia sẻ và tiến hành các hoạt động tình dục với đủ phong cách, hình thức khác nhau. Ở buổi chiếu, nhiều khán giả vội vã rời rạp bởi phim tràn ngập các hình ảnh nhạy cảm.
Chia sẻ về đứa con tinh thần, đạo diễn Adina Pintilie cho biết cô cố gắng tạo ra một cuộc đối thoại với khán giả về mối quan hệ, về sự riêng tư, vẻ đẹp cơ thể, ranh giới thể xác mà con người trải qua. "Tôi biết nhiều khán giả thấy không thoải mái khi xem phim nhưng tôi muốn thách thức người xem, để các bạn cùng đối thoại với chúng tôi. Bộ phim như một tấm gương phản chiếu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, con người của xã hội hiện đại ngày càng sợ tiếp xúc với nhau", cô nói sau khi nhận giải.
Phim mang tính thể nghiệm cao, trộn lẫn giữa dạng phim tài liệu và một game show với những khung hình màu trắng đục. Ống kính máy quay luôn được mở tối đa để đặc tả gương mặt cũng như các bộ phận cơ thể của nhân vật, mang đến cảm giác mơ màng, hư ảo cho người xem. Nữ đạo diễn người Romania từng giành nhiều giải thưởng với các tác phẩm đứng ở ranh giới giữa tiểu thuyết, tài liệu và tác phẩm mỹ thuật, có phong cách thị giác ấn tượng, sự dũng cảm thử nghiệm với ngôn ngữ hình ảnh và các khám phá tinh tế về tâm lý con người.
Giải Gấu Vàng cho Touch Me Not gây nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà báo, nhà phê bình phim quốc tế có mặt tại đêm trao giải. Chia sẻ với VnExpress, nhà bình phim Mahari Seghid đến từ châu Phi cho rằng Touch Me Not có cách thể hiện khác biệt nhưng không phải tác phẩm nổi bật nhất cũng như không đại diện cho tinh thần của Liên hoan phim Berlin.
Hai nhà báo Guiherme Genestreti (Brazil) và Jana Trnkova (Czech) đồng quan điểm và bày tỏ một số cảnh trong phim khiến họ thực sự không thoải mái. Trái lại, cây bút đến từ CineFemme (Bỉ) - Christie Huysmans - hoàn toàn tán đồng quyết định của giám khảo: "Với tôi, đây là một bộ phim táo bạo, thể hiện một góc nhìn mới mẻ". Một số báo và cơ quan tin tức Âu Mỹ như Guardian, Hollywood Reporter, AFP nhận định chiến thắng của phim là bất ngờ.
Trước lúc công bố giải thưởng, khi được hỏi liệu danh hiệu cao nhất có gây bất ngờ và làm hài lòng người yêu phim, trưởng hội đồng giám khảo - đạo diễn Tom Tykwer - cho biết: "50-50. 19 tác phẩm tranh giải Gấu Vàng năm nay là những câu chuyện vô cùng khác biệt, đa dạng về nội dung và hình thức. Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều, đôi lúc cuộc tranh luận của chúng tôi còn dài hơn cả bộ phim. Giải thưởng năm nay sẽ dành cho tác phẩm thể hiện những gì điện ảnh đang làm được và sẽ làm được trong tương lai".
Touch Me Not đồng thời được vinh danh ở hạng mục độc lập (ngoài hạng mục tranh giải chính) với giải GWFF dành cho "Phim xuất sắc" của Hiệp hội bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình.
Giải thưởng lớn (Grand Jury Prize) thuộc về Mug của Małgorzata Szumowska - đạo diễn Ba Lan. Phim kể câu chuyện buồn của Jacek - một chàng trai trẻ, đầy nhiệt huyết bất ngờ gặp tai nạn tại công trường khiến khuôn mặt điển trai bị phá hủy. Trải qua nhiều lần phẫu thuật, Jacek vẫn bị mẹ ruột ghẻ lạnh và vợ tương lai bỏ rơi, coi anh như hiện thân của quỷ dữ. Tác phẩm chinh phục khán giả bởi cách kể chuyện hài hước với tính châm biếm sâu cay. Nhiều cây bút khen ngợi phim bởi cách chỉ trích các vấn đề xã hội hóm hỉnh mà sâu sắc. Âm nhạc tinh tế cùng những cảnh quay sáng tạo của phim cũng được đánh giá cao.
Phát biểu khi nhận giải, nữ đạo diễn Małgorzata Szumowska nói: "Tôi vô cùng hạnh phúc. Giải thưởng này rất quan trọng vì câu chuyện trong phim là một vấn đề đương đại không chỉ nhức nhối ở đất nước tôi mà ở toàn châu Âu. Cảm ơn các cộng sự, tôi vô cùng tự hào và hạnh phúc vì mình là một đạo diễn nữ". Đây không phải lần đầu Małgorzata - đạo diễn sinh năm 1973 - giành giải ở Berlin. Năm 2015, nhà làm phim Ba Lan cũng thắng giải "Đạo diễn xuất sắc" với phim Body.
Berlinale 2018 diễn ra từ ngày 15 đến 25/2, quy tụ hàng trăm phim đủ thể loại trong đó có 19 phim tranh giải Gấu Vàng. Sự kiện thu hút hơn 140 hãng thông tấn và cơ quan báo chí với gần 4.000 phóng viên từ khắp thế giới đến tác nghiệp. Nhiều chủ đề thời sự được các đạo diễn chuyển tải lên màn ảnh như cuộc khủng hoảng người tị nạn và căng thẳng chính trị (The Waldheim Waltz, Isle of Dogs, Transit Dovlatov, Utoya, Aga, The Silent Revolution...), bình đẳng giới và nữ quyền (The Heiresses, Eva, The Real Estate...), vấn đề đương đại như ảnh hưởng của mạng xã hội (Knook).
Năm nay, nhiều tên tuổi châu Á góp mặt tại liên hoan như Kim Ki Duk (Inkan, gongkan, sikan grigo inkan), Hong Sang Soo (Grass), Lav Diaz (Season of Devils) và Hu Bo (An Elephant Sitting Still). Đại diện một công ty phát hành phim tại Lisbon (Bồ Đào Nha) cho biết bộ phim 66 phút của Hong Sang Soo gây ấn tượng với anh hơn cả, khiến anh muốn sớm thương lượng để mua bản quyền chiếu tại Bồ Đào Nha. Season of Devils - phim Philippines - cũng được giới phê bình đánh giá cao với nội dung xoay quanh những vụ bắt bớ, giết hại dân thường ở một ngôi làng trong rừng ở nước này thập niên 1970.
Danh sách giải thưởng chính tại Berlinale 2018
Gấu Vàng cho "Phim xuất sắc": Touch Me Not
Gấu Bạc Alfred Bauer cho "Phim mở ra tầm nhìn mới": The Heiresses
Gấu Bạc cho "Giải thưởng lớn của giám khảo": Twarz
Gấu Bạc cho "Đạo diễn xuất sắc": Wes Anderson (Isle of Dogs)
Gấu Bạc cho "Nam diễn viên chính xuất sắc": Antony (The Prayer)
Gấu Bạc cho "Nữ diễn viên chính xuất sắc": Ana Brun (The Heiresses)
Gấu Bạc cho "Kịch bản xuất sắc": Museum
Gấu Bạc cho "Cống hiến nghệ thuật nổi bật": Elena Okopnaya (Dovlatov)
Gấu Vàng dành cho phim ngắn: The Men Behind The Wall
Gấu Bạc dành cho phim ngắn: Imfura
Giải GWFF dành cho phim truyện hay nhất: Touch Me Not
Giải Phim tài liệu hay nhất: The Waldheim Waltz
Theo Hoàng Phương (VnExpress.net)