Nếu phải chỉ ra một tượng đài của dòng phim y khoa, với nhiều người, đáp án có lẽ sẽ là The Good Doctor. Tác phẩm này do Hàn Quốc sản xuất, Joo Won đảm nhận vai nam chính, lần đầu lên sóng vào năm 2013.
The Good Doctor từng tạo được sức hút lớn với rating lên đến 17.4%. Và không chỉ tại Hàn Quốc, tác phẩm này còn được khán giả quốc tế yêu thích và có nhiều bản remake. Tuy nhiên, chẳng phải bản remake nào cũng thành công. Và lý do tối quan trọng quyết định đến thành bại của chúng, đó là diễn xuất của nam chính.
Joo Won, nam chính bản gốc
Như đã đề cập, Joo Won là nam chính của bản gốc. Trong phim, anh vào vai Park Shi On, một người mắc chứng tự kỷ nhưng lại sở hữu trí nhớ siêu phàm cùng khả năng nhận thức về không gian cực kỳ tuyệt vời. Chính vì thế, anh đã bước chân vào con đường y khoa và trở thành một bác sĩ.
Tuy là một thiên tài, thế nhưng Park Shi On vẫn gặp nhiều khó khăn trong công việc vì chứng tự kỷ của mình. Đây là một vai diễn khó nhưng diễn xuất của Joo Won lại được khán giả đánh giá cao. Không chỉ vậy, anh còn từng được đề cử cho giải Diễn viên nam truyền hình xuất sắc nhất tại Baeksang 2014.
Freddie Highmore, "bác sĩ thiên tài" xuất sắc nhất
Năm 2015, bản remake do Mỹ sản xuất được phát sóng và thu hút được nhiều sự chú ý. Đảm nhận vai nam chính Shaun Murphy là diễn viên Freddie Highmore. Việc không có đủ các dây thần kinh gương khiến Shaun Murphy thiếu sự đồng cảm và gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Tuy nhiên, nhờ hội chứng bác học mà anh chú ý tới và nhớ được những chi tiết rất nhỏ. Nhờ đó, Shaun Murphy có thể đưa ra những phương thức phẫu thuật vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường.
Thực tế với nhiều khán giả, dù Joo Won xuất sắc nhưng Freddie Highmore mới là nam chính kinh điển nhất của thương hiệu The Good Doctor. Anh diễn giải nhân vật một cách rất tốt, thể hiện sự thông minh đặc biệt của Shaun Murphy. Cho đến hiện tại, 8 năm đã trôi qua nhưng vẫn chưa có ai vượt qua được cái bóng mà Freddie Highmore để lại.
Trần Phong, nam chính bản Việt gây thất vọng
Cách đây vài tháng, các khán giả đã được xem phiên bản Việt mang tên Bác sĩ hạnh phúc do Trần Phong đóng chính. Dĩ nhiên, khán giả không kỳ vọng anh làm tốt như Joo Won hay Freddie Highmore. Tuy vậy, điều đáng nói ở đây là nhiều khán giả đánh giá rằng Trần Phong thể hiện không đúng với bản chất nhân vật. Cụ thể, cách diễn phóng đại, hay đảo mắt và ngoẹo cổ khiến nhân vật trông ngớ ngẩn, ngốc nghếch chứ không giống một bác sĩ thiên tài mắc chứng tự kỷ. Về nội dung,Bác sĩ hạnh phúc cũng bị chê nhiều sạn, có những phân cảnh thể hiện sự thiếu kiến thức y khoa.
Yamazaki Kento, "hot boy mặt đơ" được chọn mặt gửi vàng ở bản Nhật
Ở bản Nhật, Yamazaki Kento là cái tên được chọn mặt gửi vàng. Anh có vẻ ngoài thu hút, thế nhưng diễn xuất lại thất thường. Tuy nhiên, cuối cùng thì "hot boy mặt đơ" lại thể hiện diễn xuất tốt hơn nhiều so với kỳ vọng của khán giả từ trước khi phim lên sóng. Tuy vậy, so với Joo Won hay Freddie Highmore thì vai diễn của Yamazaki Kento lại không tạo ra được dấu ấn khác biệt.
Trương Vãn Ý, nam chính bản Trung bị chê dù phim chưa chiếu
Trong mùa hè năm nay, màn ảnh Hoa ngữ chứng kiến hai ngôi sao nam được khán giả khen ngợi rất nhiều, đó là Thành Nghị và Trương Vãn Ý. Nếu như Thành Nghị diễn quá tốt vai Lý Liên Hoa trong siêu phẩm kiếm hiệp Liên hoa lâu, Trương Vãn Ý lại khiến người xem nổi da gà với nhân vật Thương Huyền ở bom tấn Trường Tương Tư.
Cho những ai chưa biết, Trương Vãn Ý cũng chính là người đảm nhận vai nam chính ở The Good Doctor bản Trung mang tên Bác Sĩ Phi Phàm. Tuy nhiên, vừa qua khi trailer phim được tung ra, diễn xuất của anh lại vấp phải những ý kiến trái chiều.
Một bộ phận khán giả cho rằng Trương Vãn Ý chưa thể hiện được sự thông minh của nhân vật do ánh mắt không đủ sáng. Cách anh thể hiện khiến người xem cảm nhận đây là một chàng ngốc. Tuy nhiên, cũng có netizen vẫn giữ thái độ khá lạc quan và đưa ra quan điểm dù sao phim cũng chưa chiếu nên lúc này, chưa có đủ cơ sở để đưa ra nhận xét chính xác.
Theo Đào Anh Tú (Phụ Nữ Mới)