Ngày 26/9, nhà sản xuất thông báo phim được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đi dự Oscar lần 91. Ngô Thanh Vân hy vọng phim ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế.
Theo quy định của giải Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc", mỗi nước sẽ cử một tác phẩm dự tranh. Các phim nước ngoài tham gia Oscar phải khởi chiếu từ ngày 1/10/2017 đến 30/9 năm nay. Ban giám khảo sẽ chọn năm phim được đề cử, công bố đầu năm sau. Giải thưởng sẽ được công bố tại lễ trao giải, dự kiến diễn ra ngày 24/2/2019 ở Los Angeles (Mỹ).
Chuyện phim theo chân Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) sống ở thập niên 1960, khinh thường nghề may áo dài gia truyền. Khi du hành đến tương lai, cô chứng kiến nhiều đổi thay và tìm được tình yêu với áo dài.
Trên nền câu chuyện giải trí, Cô Ba Sài Gòn có yếu tố xã hội khi đề cao tinh thần gìn giữ nghề truyền thống giữa sự lấn át của văn hóa hiện đại. Hồi tháng 4, tác phẩm nhận giải Cánh Diều Vàng cho phim điện ảnh xuất sắc.
Cô Ba Sài Gòn vốn được đông đảo khán giả đại chúng đón nhận và đạt doanh thu khoảng hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi ra mắt, tác phẩm gặp nhiều luồng dư luận khen chê trái chiều trên mặt báo.
Năm nay, nhiều tác phẩm nặng ký được gửi đến hạng mục này, như Shoplifters (Nhật Bản), Burning (Hàn Quốc), Roma (Mexico), Cold War (Ba Lan) hay The Wild Pear Tree (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong lịch sử, phim nói tiếng Việt duy nhất vào top 5 đề cử ở giải này là Mùi đu đủ xanh (The Scent of Green Papaya) do Trần Anh Hùng đạo diễn hồi năm 1994.
Theo Pha Lê (Dân Sinh)