Theo công bố ban đầu của nhà sản xuất, Chúng ta của 8 năm sau kết thúc ở tập 48. Vì vậy, khi bộ phim kéo dài thêm 3 tập, nhiều khán giả ngỡ ngàng, khó hiểu. Bởi tác phẩm này vốn đã gây bức xúc vì dài dòng, lan man ở những tập gần cuối.
Khán giả bức xúc vì phim chiếu mãi không hết
Series phim Chúng ta của 8 năm sau gồm 2 phần. Nếu như phần 1 nhận được những hiệu ứng tích cực từ người xem, phần 2 liên tục bị chỉ trích vì diễn xuất của diễn viên và kịch bản thiếu hợp lý.
Những tập gần đây, Chúng ta của 8 năm sau bị nhận xét đi vào vết xe đổ của phim Việt, cố tình kéo dài số tập bằng những chi tiết lan man, nặng tính sắp đặt.
Cụ thể, trong 3 tập gần nhất, nội dung phim xoay quanh chuyện tình cảm của nhân vật Dương (Huyền Lizzie) và Lâm (Mạnh Trường). Sau những biến cố, cặp đôi yêu lại từ đầu. Họ cùng nhau đối đầu với Gia Khiêm (Hồ Phong) - kẻ lừa tình nhiều cô gái trẻ và có ý định cưỡng hiếp Dương, Như Ý (Thùy Anh).
Quyết đi đến tận cùng sự thật, Dương nghỉ việc và gặp gỡ những người liên quan, nhằm tìm bằng chứng buộc tội kẻ xấu. Tuy nhiên, hành trình đi tìm công lý của nữ chính bị phản ứng vì quá lộ liễu.
Cô công khai mọi hành động của mình với kẻ thù, thậm chí để lộ nguồn tin trong cuộc nói chuyện. “Tôi đã nói chuyện sơ bộ với toàn bộ sinh viên mà ông hướng dẫn, đội ngũ kiến trúc sư trong team. Cũng khá thú vị đấy. Ông không được hoan nghênh lắm đâu. Đừng nghĩ rằng lúc nào cũng một tay che trời”, Dương tự đắc khi đối thoại với Gia Khiêm.
Bên cạnh đó, Dương còn để các nhân chứng xuất hiện trong cuộc hòa giải giữa hai bên. Hành động này được cho là thiếu tính thực tế và gây nguy hiểm cho những người liên quan bởi Gia Khiêm là người không hề đơn giản. Hắn ta không chỉ gian xảo mà còn có quyền lực, gia thế.
Ngoài ra, nhiều khán giả cho rằng bộ phim giảm sức hút vì diễn xuất gượng gạo, thiếu tự nhiên của Huyền Lizzie và Mạnh Trường.
Riêng về Huyền Lizzie, đây có thể xem là dự án thất bại của nữ diễn viên. Cô bị chê diễn thiếu cảm xúc, biểu cảm gây ức chế. Hơn 2/3 bộ phim, để làm ra nét bất cần, suy nghĩ tiêu cực của nhân vật Dương, Huyền Lizzie lặp đi lặp lại biểu cảm cười nhếch mép, thở dài, phồng má.
Về sau, những cảnh tình cảm của Huyền Lizzie và Mạnh Trường được nhận xét chưa tới, thậm chí đơ cứng, gượng gạo. Nhiều khán giả đồng tình, cả Huyền Lizzie và Mạnh Trường không còn phù hợp với những vai diễn thanh xuân yêu đương. Họ có phần lép vế so với hai diễn viên của phần 1 là Quốc Anh và Hoàng Hà.
Vì đâu phim Việt không cắt được bệnh ‘đầu voi đuôi chuột’?
Việc phim Việt kéo dài thời lượng, rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” đã khá phổ biến. Nhiều tác phẩm kéo dài hàng chục tập so với dự kiến. Trong khi nội dung, diễn biến phim ngày càng lan man, gây thất vọng, ức chế cho người xem.
Bàn luận về câu chuyện “đầu voi đuôi chuột” của phim truyền hình, giới chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân phải kể đến là biên kịch đưa ra nhiều tình tiết, nhân vật nhưng không đủ sức kiểm soát dẫn đến đuối dần khiến nội dung phim thiếu hợp lý.
Hơn nữa, việc kịch bản được sáng tác theo nhóm cũng dễ đẩy tác phẩm chệch hướng, nhân vật không đồng nhất tính cách qua các giai đoạn. Chưa kể, một số kịch bản tiếp tục bị chỉnh sửa ở khâu biên tập của nhà đài.
Ngoài ra, nhà sản xuất cùng đạo diễn cố tình kéo dài thời lượng để thu hút quảng cáo khiến bộ phim trở nên lê thê, dài dòng.
Chia sẻ với Tiền Phong , một đạo diễn giấu tên cho biết đây là vấn đề tế nhị nên khó để cắt nghĩa.
“Vì được trao đổi thời lượng quảng cáo trên truyền hình nên các nhà sản xuất đều cố tình kéo dài số tập. Ví dụ, nhà sản xuất được đài truyền hình trả quyền lợi thời lượng quảng cáo tương ứng 500 triệu đồng/tập phim, thì 20 tập thu được 10 tỷ đồng. Nếu nhà sản xuất kéo thành 25 tập sẽ thu về 12,5 tỷ đồng quảng cáo. Trong khi sản xuất thêm 5 tập theo phương án kéo dài nội dung không hết bao nhiêu chi phí. Vì vậy, họ thường chọn phương án kéo dài số tập”, đạo diễn cho hay.
Cũng theo đạo diễn này, nhà sản xuất thường rơi vào thế khó mới buộc phải lựa chọn phương án kéo dài số tập. Anh lý giải việc kêu gọi tài trợ cho phim khó khăn nên hầu như phải bỏ số tiền lớn cho chi phí sản xuất. Sau đó, trông chờ vào quảng cáo để thu lại.
“Với một dự án phim, may ra kêu gọi tài trợ được chỗ ăn, nghỉ cho đoàn phim trong thời gian quay hoặc bối cảnh, nơi diễn ra họp báo… Tổng số tiền kêu gọi tài trợ chỉ khoảng vài trăm triệu đến 1-2 tỷ đồng. Khi phim lên sóng, chúng tôi phải giảm giá quảng cáo cho doanh nghiệp, thậm chí có lúc giảm tới 80%. Vì nền kinh tế khó khăn, đâu có doanh nghiệp nào bỏ ra 5-7 tỷ đồng để quảng cáo. Cứ nghĩ phim truyền hình kiếm lợi nhuận cao từ quảng cáo nhưng thực tế cũng vô cùng khó khăn”, đạo diễn nói.
Theo Đỗ Quyên (Tiền Phong)