“Tôi viết bài thơ gốc từ năm 1996” – nhà thơ nói về bài thơ “Bạch lộ”, ban đầu có tên “Độc ẩm trước bình minh”. Phát ngôn này đồng nghĩa với việc Phan Huyền Thư tuyên bố không đạo thơ. Mặc dù vậy, Hội Nhà văn Hà Nội cho biết chưa đủ bằng chứng để khẳng định tuyên bố này là thật.
Phan Huyền Thư phủ nhận đạo thơ
Trong thư điện tử gửi cho một tờ báo được công bố sáng 20/10, Phan Huyền Thư khẳng định: chị làm bài thơ có tên Độc ẩm với bình minh vào cuối năm 1996, viết về một mối quan hệ sóng gió với một người bạn thân. Đến cuối năm 1997, khi gửi bài thơ sang Mỹ để in, chị sửa lại bài thơ, đổi tên thành Độc ẩm cuối thu. Mục đích gửi thơ là để in trên tạp chí thơ của hải ngoại.
|
Nhà thơ Phan Huyền Thư |
Mặc dù vậy, đến tận bây giờ, tức 18 năm sau, Phan Huyền Thư vẫn chưa rõ bài thơ đó của mình có được đăng trên ấn phẩm nào ở hải ngoại hay không. “Bây giờ tôi chỉ biết kỳ vọng là bên tạp chí Thơ và anh chị em văn nghệ bên đó có thể tìm lại xem đã từng in bài thơ của tôi hay chưa? Hoặc nếu có nhận bản thảo cho tôi thì còn giữ được không? Kể cả thư trao đổi, ghi chú hoặc bản thảo dạng viết tay chẳng hạn...” – chị viết.
“Tôi cũng đã gửi thư nhờ các bạn tôi bên đó tìm kiếm giúp. Như vậy sẽ có thứ để tôi đứng ra thưa chuyện được. Chứ tất cả chuyện có vậy thì tôi biết nói sao bây giờ?”.
Nữ nhà thơ cũng khẳng định, vào năm 2007, chị đổi tên bài thơ một lần nữa thành Bạch lộ khi chuẩn bị bản thảo cho tập Rỗng ngực (in năm 2007), và viết thêm lời đề từ là “độc ẩm với Lã Bất Vi”. Khi đưa vào tập thơ Sẹo độc lập (2014), bài thơ giữ nguyên tên và lời đề từ đó.
Phan Huyền Thư cho biết, sáng 19/10, chị đã gửi các bản thảo thơ mà mình còn lưu cho nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.
Hội Nhà văn Hà Nội: Chưa đủ căn cứ nói Phan Huyền Thư không đạo thơ
Liên quan đến vụ việc, Hội Nhà văn Hà Nội cũng yêu cầu nhà thơ Phan Huyền Thư giải trình vì Hội vừa trao giải thưởng cho tập thơ Sẹo độc lập của chị vào ngày 10/10.
Sáng 20/10, chúng tôi liên hệ với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ông Nguyên xác nhận việc nhà thơ Phan Huyền Thư đã gửi bản thảo cho Hội Nhà văn Hà Nội, nhưng nhấn mạnh đó là “bản đánh máy”. Khi được hỏi “Trong bản thảo đó, bài thơ tên là gì và đề sáng tác năm nào?”, ông Nguyên cho biết chưa thể cung cấp thông tin này.
“Phan Huyền Thư nói bản thảo chép tay đã gửi đi nên trong ổ cứng máy tính chỉ còn lưu bản đánh máy. Nhưng tài liệu này chưa đủ làm căn cứ”.
|
Tính đến hôm nay, chưa tìm thấy ấn phẩm nào in bài thơ của Phan Huyền Thư ngoài tập thơ "Sẹo độc lập" năm 2014
|
“Thời năm 1996, 1997 chưa có mạng Internet, việc thư từ liên lạc giữa Việt Nam và nước ngoài còn khó khăn, các tài liệu cũng chỉ chép tay. Theo Phan Huyền Thư, chị gửi bài thơ này cũng mấy chục bài thơ khác. Gửi sang, bạn bè bên đó cũng đem đi “rải” khắp các tạp chí. Cũng giống như ở một tác giả ở Việt Nam gửi truyện ngắn cho bạn bè nhờ chuyển đến các báo”.
Trước mắt, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ nhờ bạn văn ở nước ngoài xác minh qua nhiều nguồn xem bài thơ của Phan Huyền Thư đã đăng ở ấn phẩm nào chưa. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, sau 20/10, Hội mới có câu trả lời chính thức.
Trong khi đó, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan vẫn khẳng định bài thơ là của chị và cho biết không có ý định kiện Phan Huyền Thư. Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục thông tin cho bạn đọc về vụ việc.
>> Nhà thơ Phan Huyền Thư: "Tôi viết bài thơ gốc từ năm 1996"
>> Lại thêm một nữ tác giả “tố” Phan Huyền Thư “đạo thơ”
>> Phan Huyền Thư lên tiếng về nghi án “đạo thơ”
Theo Nha Đam (Thethaovanhoa.vn)