NSND Hoàng Dũng cho biết anh và đồng nghiệp tại Nhà hát Kịch Hà Nội từng diễn kịch tại thành phố Vinh (Nghệ An) với chỉ 8 người xem, cả trẻ lẫn già.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng bên cạnh sự nghiệp màn ảnh, NSND Hoàng Dũng là một tên tuổi gạo cội của làng sân khấu phía Bắc. Anh từng đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội trước khi đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 1/2017.
NSND Hoàng Dũng xúc động trong đêm diễn chia tay Nhà hát Kịch Hà Nội với vở Tiếng đàn vùng mê thảo. |
'Ít nhưng vẫn phải diễn vì đó là phục vụ'
Nam nghệ sĩ cho biết anh vẫn luôn nặng lòng với sân khấu dù thừa nhận sân khấu thưa vắng khán giả, tình trạng phát triển cũng ngày càng khó khăn. NSND Hoàng Dũng bảo anh từng diễn với các đồng nghiệp ở Vinh (Nghệ An) với chỉ 8 khán giả, cả người lớn lẫn trẻ con.
“Tôi và các bạn trong Nhà hát đi diễn tỉnh nhiều chứ. Ít khán giả nhưng mình vẫn phải diễn vì đó là phục vụ”, “ông trùm Phan Quân” chia sẻ.
Trước câu hỏi mà nhiều người đã hỏi “Tại sao sân khấu lại đến mức bi đát như vậy?”, NSND Hoàng Dũng thừa nhận bây giờ có nhiều loại hình giải trí, người ta không còn nhu cầu đến nhà hát như trước. Thêm nữa, kịch chính luận bây giờ nhiều khi còn đi sau báo chí nên đã mất tính thời sự, mất tính hấp dẫn.
“Trước đây kịch còn đi trước báo chí, có những điều báo chí không dám viết, kịch đã nói rồi. Nhưng bây giờ báo chí quá mạnh và kịch thì đã đi sau”, nguyên giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thẳng thắn.
Bên cạnh đó, NSND Hoàng Dũng cũng cho biết không gian sân khấu ở Việt Nam không thể bằng nước ngoài. Ngoài Nhà hát Lớn, ở Hà Nội không có nhà hát nào đạt quy chuẩn quốc tế.
“Bao nhiêu năm, chúng ta không được xây nhà hát mà lại đi xây hội trường và tưởng đó là nhà hát. Người thiết kế rạp không hiểu biết về sân khấu, không nắm được sân khấu cần gì, không đồng bộ được mọi thứ. Sân khấu rạp Công nhân nơi biểu diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội cũng vậy. Khi tôi tiếp quản, mọi sự đã rồi nên cũng không biết làm cách nào”, nghệ sĩ gạo cội nói.
Lấy dẫn chứng cho nhận định của mình, NSND Hoàng Dũng cho biết ghế trong nhà hát phải là so le nhưng bên thiết kế lại làm thẳng. Chính nghệ sĩ Hoàng Dũng đã phải báo cáo với lãnh đạo cấp trên và yêu cầu bên thi công làm lại vì nếu ghế thẳng nhau, khán giả không thể xem kịch được.
“Sân khấu nhà hát có những đặc thù về âm thanh, ánh sáng và nhiều thứ khác. Thế nên nhà hát không thể giống hội trường”, “Người phán xử” kết luận.
Nghệ sĩ Hoàng Dũng là gương mặt nổi bật của sân khấu và màn ảnh phía Bắc |
'Tạo điều kiện cho diễn viên sân khấu đi đóng phim'
Dù sân khấu khó khăn, không gian nhà hát thực thụ không có nhưng với NSND Hoàng Dũng và nhiều đồng nghiệp khác sân khấu vẫn là thánh đường.
Nguyên giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội bảo mỗi nhà hát có một phong cách diễn kịch khác nhau. Thế nên, ngay cả lúc bí bách, NSND Hoàng Dũng chưa bao giờ để kịch đi vào con đường dễ dãi. Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn theo đuổi kịch chính luận như những thế hệ đi trước đã dày công xây dựng.
“Mỗi nhà hát là một địa điểm cho những người yêu thích riêng. Đừng thấy nhà hát khác làm cái nọ, cái kia thành công mà chạy theo. Tôi không bao giờ làm thế”.
Vì quan niệm sân khấu là thánh đường nên trong thời gian làm công tác quản lý, NSND Hoàng Dũng cũng không bao giờ để các diễn viên của mình phải hóa trang đi ra chợ bán vé như một số nhà hát khác.
“Khi đi diễn ở các địa phương, trong đoàn bao giờ cũng phải có diễn viên lao động, sắp xếp. Nhưng nếu hôm đó, người nào đóng chính, tôi yêu cầu người khác phải lao động thay, tức những người đóng vai phụ. Đóng chính mà lại lao động ở sân khấu, khán giả họ nhìn thấy, đến tối, họ đến xem, cảm xúc chắc chắn sẽ khác”, nam diễn viên nhấn mạnh.
Những diễn viên như Hồng Đăng hay Chí Nhân được Nhà hát Kịch Hà Nội tạo điều kiện cho đi đóng phim truyền hình dù thuộc biên chế của nhà hát. Ảnh: VFC. |
Khắt khe trong nhiều chuyện nhưng trong thời gian làm giám đốc, NSND Hoàng Dũng rất tạo điều kiện cho các diễn viên đi đóng phim để nâng cao thu nhập.
“Ở bên Nhà hát Tuổi trẻ hay Nhà hát kịch Việt Nam, trước đây, diễn viên đi làm phim rất khó khăn. Nhưng ở Nhà hát Kịch Hà Nội từ trước đến nay, tôi luôn tạo điều kiện cho diễn viên đi làm phim như Trung Hiếu, Thu Hà, Công Lý, Hồng Đăng, Chí Nhân,…
Phim hay, tôi đều cho đi làm. Làm phim thành công hình ảnh nhà hát nhờ vậy cũng tốt lên. Có nhà hát khán giả đến xem, không biết ai là ai. Nhà hát Kịch Hà Nội thì khác, trẻ nhưng toàn sao là sao. Thế nên nhiều vở diễn có Chí Nhân, Tiến Lộc, Hồng Đăng, khán giả của những bạn đó sẽ đi xem khá nhiều. Truyền hình đã quảng bá cho sân khấu đấy chứ”, NSND Hoàng Dũng khẳng định.
Theo Khuê Tú (Tri Thức Trực Tuyến)