Trong tháng 9, cuộc chiến phim chiếu rạp chứng kiến sự thất bại nặng nề của phim Việt trước các đối thủ ngoại. Đầu tháng, Ngược dòng thời gian để yêu anh của Thái liên tục đứng đầu bảng phim ăn khách nhất tuần, đạt tổng doanh thu gần 80 tỷ đồng tính đến hiện tại. Cuối tháng, Bỗng dưng trúng số tiếp tục oanh tạc phòng vé, vượt con số 64 tỷ đồng chỉ trong vòng một tuần phát hành, trở thành phim Hàn mở màn thành công nhất tại thị trường Việt.
Dù đến từ hai quốc gia khác nhau, các dự án lại có nhiều điểm chung, chẳng hạn đều ra mắt ở quê nhà ít nhất 1 tháng trước khi được cùng nhà phát hành mang về rạp Việt. Cả hai đều thuộc dòng phim giải trí, có nội dung đơn giản, gần gũi, kịch bản cài cắm tình huống hài giúp người xem có những phút giây thư giãn. Nhưng xét về chất lượng, cả hai phim chỉ ở mức trung bình, ý tưởng cũng không mới. Cụ thể, Ngược dòng thời gian để yêu anh được phát triển từ series cùng tên, có mô-típ và dàn diễn viên tương đồng. Trong khi Bỗng dưng trúng số lại gợi nhớ loạt phim truyền hình nổi tiếng Hạ cánh nơi anh.
Một trong những yếu tố giúp hai dự án đến gần khán giả trong nước chính là chiến lược của nhà phát hành. Khi về Việt Nam, tên phim đều được chuyển ngữ theo lối dịch thoáng thay vì bám sát tên gốc. Tựa Việt Ngược dòng thời gian để yêu anh nghe có vẻ bay bổng và hấp dẫn hơn so với tựa quốc tế Love Destiny: The Movie, giúp phim tăng độ hút khách. Tương tự, nhan đề Bỗng dưng trúng số cũng đơn giản và dễ hiểu hơn tên tiếng Anh 6/45 – ám chỉ tên loại vé số phổ biến tại Hàn Quốc nhưng không phải người Việt nào cũng biết.
Ngoài ra, đội ngũ dịch thuật còn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt câu chuyện. Trong quá trình dịch phụ đề, ê-kíp nắm bắt tốt tâm lý giới trẻ, đặc biệt là lứa Gen Z (những người sinh sau năm 1996). Họ không ngại lồng ghép những ngôn từ cập nhật, được dùng phổ biến trên mạng xã hội như TikTok để tăng thêm tính hài hước cho lời thoại. Đơn cử, nhiều khán giả ấn tượng với những câu nói trong Ngược dòng thời gian để yêu anh như "dùng hoa thay nút thả tim trên Instagram", "ờ mây zing, gút chóp" (tuyệt vời, làm tốt lắm)… Phần thoại chuẩn Việt, cộng thêm ngữ điệu đặc trưng Thái Lan tạo tiếng cười tự nhiên, khiến người xem thích thú và ghi nhớ.
Đến Bỗng dưng trúng số, nhóm dịch thuật còn mạnh tay hơn hẳn. Trong một cảnh, nhân vật ngân nga câu hát tiếng Hàn nhưng phần lời Việt lại trở thành bài Dằm trong tim của Lương Bích Hữu: "Vì một tình yêu không thể nói… vì một hình dung không thể quên…".
Ở phân đoạn khác, chàng lính Triều Tiên nhận nhiệm vụ đóng giả làm người Hàn Quốc và gia nhập quân đội nước bạn. Để không bị lộ thân phận, anh được cấp trên "bổ túc văn hóa" bằng loạt từ ngữ đang thịnh hành của giới trẻ. Đội ngũ dịch phụ đề đã rất nhanh trí khi đưa các cụm từ quen thuộc và hài hước như "rìa lý" (nghiêm túc), "chầm zn" (trầm cảm) "ét ô ét" (khẩn cấp lắm rồi), "ô dề" (làm lố),… từ đó khiến khán giả bật cười.
Về cơ bản, cách dịch thuật này chưa thể đảm bảo độ chuẩn so với nghĩa gốc. Song, hướng đi của ê-kíp cũng không ảnh hưởng đến nội dung hay trải nghiệm xem phim của khán giả. Theo thời gian, tần suất các câu thoại "bắt trend" ngày càng tăng lên nhưng không khiến người xem ngán ngẩm. Trái lại, nhiều ý kiến cho rằng nội dung cả hai phim hài hước hơn hẳn nhờ đội ngũ dịch phụ đề, thậm chí xứng đáng đạt điểm 10/10.
Tại thị trường Việt Nam, Ngược dòng thời gian để yêu anh có bước khởi đầu chậm nhưng nhanh chóng chinh phục khán giả vì ra rạp vào thời điểm vàng, ít đối thủ mạnh. Trong khi đó, Bỗng dưng trúng số tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt nhờ phần dịch phụ đề khéo léo, cập nhật các từ ngữ thịnh hành và yếu tố nội địa để làm nổi bật sự hài hước của câu chuyện. Chính vì vậy, phim nhanh chóng hút khách, đạt doanh thu tốt và gần vượt mặt tác phẩm Thái.
Thành công của hai phim cho thấy tầm quan trọng của lời thoại nói chung và phụ đề nói riêng. Việc dịch không chuẩn, không sát hoặc chưa hấp dẫn có thể ảnh hưởng đến cách khán giả đón nhận phim. Điển hình là nhiều dự án gần đầy thường xuyên bị chê trách vì dịch sai nội dung, từ ngữ. Nhiều phim được lồng tiếng Việt nhưng lại hoàn toàn không ăn khớp phụ đề chạy bên dưới, gây mất cảm tình.
Lời thoại luôn là yếu tố quan trọng, gần như then chốt trong hầu hết tác phẩm điện ảnh. Thế nhưng, đội ngũ biên kịch Việt lại chưa thể tạo ra những câu thoại dí dỏm, gần gũi và "bắt trend". Phần lớn phim điện ảnh trong nước còn bị đánh giá là có lời thoại chưa tự nhiên hoặc còn nặng về kịch. Việc nhóm biên kịch sử dụng từ ngữ thịnh hành cho thấy họ nắm bắt tốt tâm lý khán giả, kịp thời cập nhật các xu hướng phổ biến. Đây là điều các biên kịch nên học hỏi để tìm tòi hướng đi mới trong tương lai, nhất là trong việc xây dựng tình huống và viết lời thoại.
Theo Sơn Phước (Tiền Phong)