NSƯT Thành Lộc có nhiều vai diễn để đời cả trên sân khấu cũng như màn ảnh. Bên cạnh đó, anh còn là diễn viên gần như đầu tiên đảm nhận vai diễn người đồng tính ở thời điểm mà xã hội và con người Việt Nam còn có cái nhìn khắc nghiệt và kỳ thị họ.
Tháng 4/2019, bộ phim "Ngôi nhà bươm bướm" do Thành Lộc đảm nhận vai chính sẽ ra mắt công chúng. Đây cũng là một bộ phim về đề tài người đồng tính và do chính đạo diễn phim Lô-tô Huỳnh Tuấn Anh biên kịch kiêm đạo diễn.
Phóng viên và NSƯT Thành Lộc đã có buổi trò chuyện thẳng thắn về dự án này cũng như những vai diễn người đồng tính mà anh thủ diễn thành công suốt 20 năm qua.
"Vai diễn của tôi gây chấn động dư luận"
20 năm trước, anh vào vai người chồng đồng tính trong vở kịch "Tiếng chim hót trong vườn ngọc lan" từng dậy sóng dư luận ở sân khấu 5B. Từ vai diễn này tới nhân vật đồng tính trong "Hợp đồng mãnh thú", Ngọc Hân trong "Ngôi nhà bươm bướm" có gì giống và khác nhau, thưa anh?
Vào thời kỳ mà phim ảnh và sân khấu Việt không dám mạo hiểm chạm vào đề tài đồng tính thì sân khấu 5B dựng "Tiếng chim hót trong vườn Ngọc lan". Ở đó, tôi hoá thân vào nhân vật người chồng đồng tính, khát khao thầm kín được sống thật với giới tính thật của mình.
Vai diễn của tôi gây chấn động dư luận với hai chiều ý kiến trái ngược. Lúc đó, tôi nghĩ mình dũng cảm vì dám nói hộ nỗi lòng của nhiều người.
Về sau, khi sân khấu IDECAF thành lập, chúng tôi mang vở này về tập. Nhưng chúng tôi quyết định bỏ hẳn vở diễn vì số phận nhân vật đồng tính này rất yếm thế, yếu ớt và bi kịch trong khi, người đồng tính Việt Nam đã cất lên tiếng nói bình đẳng giới.
Với vai người đồng tính trong "Hợp đồng mãnh thú", tôi phải thể hiện người đồng tính thông minh và giỏi giang hơn người dị tính. Đây là tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ đến mức cực đoan nó cho thấy người đồng tính vẫn còn ở thế yếu. Vì yếu thế nên họ mới bùng lên mạnh mẽ.
Nhân vật Hồ Ngọc Hân trong "Ngôi nhà bươm bướm" lại khác hẳn. Chúng tôi không miêu tả nhân vật đáng thương theo kiểu học thức thấp, bệnh tật, bị kỳ thị. Chúng tôi cũng không ăn mặc loè loẹt, hay chọc cười theo kiểu rẻ tiền.
Trong Ngôi nhà bươm bướm, người đồng tính sống hạnh phúc một cách tự nhiên bên cạnh người dị tính. Hồ Ngọc Hân sống văn minh, làm việc hết mình, hy sinh và sẻ chia hết mình.
Chúng tôi không gào ghét phải bình đẳng giới vì chúng tôi nghiễm nhiên cho rằng giới tính thứ ba tồn tại hiển nhiên trên cõi đời này như các giới tính khác.
Không gây cười theo lối rẻ tiền, hạ thấp hình ảnh người đồng tính
Anh có nghĩ rằng làm phim đề tài đồng tính mà thiếu bi kịch, thiếu tiếng cười sẽ không còn sức hấp dẫn công chúng không?
Chúng tôi không muốn mọi người nhìn người đồng tính như những người đáng thương và rẻ tiền. Bởi vậy, sau khi đọc qua kịch bản, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và tôi ngồi tranh luận nghiêm túc với nhà sản xuất.
Một bên muốn xây dựng số phận người đồng tính theo lối cũ. Một bên gồm tôi và đạo diễn muốn Hồ Ngọc Hân phải là một nhân vật đồng tính văn minh.
Hồ Ngọc Hân tồn tại như một người phụ nữ bình thường, và như thế chúng tôi sẽ kể câu chuyện mà người đồng tính là một cá thể xã hội rất bình thường, chẳng có gì khác thường, yếu thế để người khác phải thương hại.
Từ đây, chúng tôi kết luận phim kể về một câu chuyện gia đình. Trong gia đình đó thay vì có một người phụ nữ thì người phụ nữ ấy được thay bằng một phụ nữ trong hình hài đàn ông.
Người phụ nữ hình hài đàn ông cũng có niềm vui và nỗi buồn. Và đây chính là điểm mấu chốt tạo nên kịch tính câu chuyện.
Về tiếng cười, kịch bản xây dựng nên nhiều tình huống hài hước văn minh. Chúng tôi không gây cười theo lối rẻ tiền bằng cách hạ thấp hình ảnh người đồng tính.
Có những buổi chiếu thử nhằm thăm dò ý kiến, người người đã khóc rất nhiều và cười rất nhiều. Nhưng niềm vui và nỗi buồn ấy đến từ sự tôn trọng chứ không phải lòng thương hại.
Kịch bản gốc của Ngôi nhà bươm bướm rất nổi tiếng trên sân khấu Pháp tầm 40 năm trước. Liệu rằng câu chuyện có phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại?
Biên kịch của "Ngôi nhà bươm bướm" là một người giỏi và đam mê. Bạn ấy đã chuyển thể tài tình sang kịch bản phim và thổi vào câu chuyện thuần Việt Nam. Tôi tin người xem sẽ thấy hình ảnh mình trong phim qua nhiều nhân vật trong câu chuyện.
Được biết trong quá trình làm phim, dù là nhân vật chính nhưng anh luôn là người đến phim trường từ rất sớm và ra về sau khi đã hết việc. Có vẻ như anh xác định đây là vai diễn quan trọng đặc biệt trong cuộc đời mình?
Khi tôi đã nhận vai, dù là vai nhỏ tôi cũng dành hết tâm huyết cho nó. Tôi muốn khai thác cảm xúc nhân vật lên đến tận cùng. Quay vài lần thấy còn có thể làm tốt hơn, tôi sẽ xin đạo diễn bổ sung. Đó là vì tôi xem nghệ thuật là đạo. Chỉ có lòng tôn kính và thái độ làm việc nghiêm túc người nghệ sĩ mới có thể tạo ra một tác phẩm tốt.
Xin cảm anh về buổi trò chuyện!
Theo Nguyễn Huy (Thế Giới Trẻ)