Khán giả thích sự "đểu màn ảnh" của tôi
Khá lâu từ sau "Tuổi thanh xuân 2" mới thấy NSND Tiến Đạt trở lại với phim truyền hình?
- Nói cho cùng, mấy chục năm trong nghề tôi đã để lại được những dấu ấn nhất định, nên đôi khi tôi nghĩ cần dành dụm "bản mặt" này một chút để không phải lúc nào cũng chường ra truyền hình khiến khán giả chán (cười).
Tôi quan niệm, nghệ thuật không quan trọng số nhiều. Có điều kiện, thời gian chăm chút cho kịch bản, vai diễn thì kết quả chắc chắn sẽ hơn kiểu nhận phim "ào ào". Thú thật là thời gian qua tôi cũng nhận được khá nhiều lời mời từ VFC. Nhiều phim lên sóng tôi mới nhận ra là từng được đề nghị tham gia như: "Sống chung với mẹ chồng", "Hôn nhân ngõ hẹp"…
Ngoài ra, còn một lý do là đóng phim truyền hình tốn khá nhiều thời gian, mà cứ ra khỏi Hà Nội để đi quay là tôi không đáp ứng được. Vì còn vướng kinh doanh nên tôi ngại đi và đành từ chối. Kể ra cũng là thiệt thòi.
Vậy điều gì khiến anh chấp nhận rời Hà Nội để đi quay "Cô gái nhà người ta" suốt nhiều tháng liền?
- Khi đạo diễn Trịnh Lê Phong đưa kịch bản cho tôi có nói rất rõ phim đề tài nông thôn nên sẽ phải đi xa, tất nhiên không quá xa Hà Nội. Lúc đó, tôi cũng có chút "lấn cấn" nhưng vẫn nhận đọc kịch bản.
Chưa đánh giá về vai diễn của mình thì công bằng mà nói tôi rất cảm tình với câu chuyện nông thôn ngày nay đang dần lột xác hội nhập. Rất nhiều vấn đề, đặc biệt vấn đề của các bạn trẻ. Kể cả những sai sót cũng thấy đáng yêu. Thậm chí khi đọc đến đoạn Viễn ung thư tôi đã khóc. Nên tôi nói với đạo diễn: Nếu phải rời "xới" mà đi thì tôi cũng làm.
Với vai ông Tài - đại gia làng giàu lên nhờ xưởng dệt tương đồng với mặt hàng kinh doanh của anh ngoài đời thực. Đây có phải một lý do để anh nhận vai hoặc diễn nhập tâm hơn?
- Nếu nói điểm tương đồng này là một trong những lý do thì không hẳn. Có thể nói việc quá quen với thước dây, cây kéo đã giúp cho những cảnh quay ông Tài tại xưởng vải nhìn chân thực hơn bởi cách nâng niu từng mét vải, kiểm tra vải, đánh giá sản phẩm thêm "đời" hơn.
Ngoài ra tôi cũng tính toán rất kỹ để làm sao thể hiện được nhân vật ông Tài - đúng bản chất của một đại gia nhưng phải là đại gia làng - nửa nông thôn, nửa thành thị. Từ cách nói năng, đi đứng đến trang phục sao cho hợp nhất.
Nói như thế, nghĩa là trang phục của nhân vật trong phim này được anh đích thân chuẩn bị?
- VFC bây giờ rất chuyên nghiệp khi tổ chức những buổi gặp gỡ diễn viên để bộ phận phục trang làm việc cụ thể hoàn thiện hình ảnh. Tôi có lợi thế ngành nghề nên đã tự chuẩn bị rất kỹ phục trang cho nhân vật.
Tôi cho rằng với gương mặt mình nếu mặc áo cổ cồn thì sẽ bị hơi sang trọng - không đúng chất đại gia làng nên tôi chuyển sang cổ tàu, kính gọng ngang, đội một chiếc mũ pha trộn vài nếp gấp nhăn... Những điều đó cộng huởng lại không thể hiện sự sành điệu mà có tí đua đòi, xuất phát nông thôn có tiền.
Nhưng cứ như thế, mấy chục năm nay anh gắn bó với vai đểu. Anh không cảm thấy nhàm chán với hình ảnh nghệ thuật của chính mình sao?
- Trong cuộc đời nghệ thuật của mình vai tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn làm vai phản diện, vai đểu đến nỗi đã thành sở trường, thành thương hiệu. Nhưng tôi đểu đa dạng, đểu đặc sắc.
Tôi không lo ngại hay nghĩ đến sự nhàm chán vì luôn nhắc bản thân phải thích vai diễn, thích phim của mình trước đã. Sản phẩm nghệ thuật là món ăn mà bản thân mình không mê thì sao khiến người thưởng thức mê được. Và bằng chứng là cho đến giờ khán giả vẫn yêu thích sự "đểu màn ảnh" của tôi đấy.
Không phân biệt nghề tay trái, tay phải
Trên màn ảnh, anh vào vai đểu đến mức đặc sắc thì trong cuộc sống, anh sắm cho mình một vai thế nào?
- Nhiều người đều biết ngoài nghệ thuật tôi còn có một cửa hàng may gia truyền và một gia đình hạnh phúc. Tôi vừa sắm vai một thợ may vừa là một người chồng người cha. Có thể nói cuộc sống hiện tại là viên mãn.
Vậy kinh doanh và nghệ thuật với anh, đâu là nghề tay trái, đâu là nghề tay phải?
- Tôi còn nhớ khi bắt đầu theo nghệ thuật bố tôi (Nghệ nhân Tiến Thành) có nói: "Cả nhà có mình mày nảy nòi theo nghệ thuật, nhưng đấy là cái duyên. Nếu hết duyên thì định làm gì?"
Thực tế là vợ chồng tôi đều theo nghệ thuật nên thời điểm tôi chưa bắt tay vào nghề may, kinh tế thực sự khó khăn khiến bà xã phải bán dép ở Hàng Dầu. Sau này tôi đã quyết định học thêm nghề may complet từ bố. Ông khuyên tôi nên bước tiếp hành trình "làm thợ" dẫu "nghề thợ" cũng là nghề rất vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, châm chút.
Còn với nghề diễn, bố tôi nhắc: "Mày đi làm nghệ thuật đã là xướng ca vô loài mà suốt ngày lại làm cái anh chạy cờ thì chán lắm con ạ". Vì thế tôi có động lự cố gắng khai thác biến nhược điểm thành ưu điểm. Và tôi đã thành công với hình ảnh đểu lỗi lạc.
Vì thế, với tôi chẳng có nghề chính - phụ. Đâu cũng là đam mê. Nghề may gia truyền còn nghệ thuật, chỉ khi nào cảm thấy không thể diễn được nữa chứ không có kế hoạch cho việc dừng lại.
Thành công với nghệ thuật có trở thành lợi thế cho việc kinh doanh của anh không?
- Tôi hay nói đùa rằng, gương mặt mình là thứ "câu khách". Có rất nhiều vị khách đến cửa hàng không phải vì chuyện quần áo mà vì ngưỡng mộ vai diễn. Họ cầm đến một mảnh vải như một cái cớ để được gặp và nói chuyện, chụp hình cùng diễn viên khiến tôi thấy tự hào nghề nghiệp.
Nhưng "câu khách" là một chuyện còn câu xong ăn cá có ngon không, có hài lòng để khách quay lại lần nữa mới là vấn đề. Và cho đến nay, cửa hàng của tôi cứ "hữu xạ tự nhiên hương" mà không cần PR quá nhiều.
Nhiều nghệ sĩ thế hệ của anh đến một ngưỡng nào đó sẽ chuyển sang làm đạo diễn. Anh có định thử sức vai trò mới không?
- Tôi cũng từng nghe nhiều người nói già đời diễn viên rồi thì chuyển sang làm đạo diễn nhưng tôi chắc không. Ông trời chẳng cho ai quá nhiều thứ. Những người làm diễn viên giỏi không hẳn sẽ là đạo diễn xuất sắc. Bản thân tôi thì thà làm thằng diễn viên tốt còn hơn làm anh đạo diễn tồi (cười).
Cảm ơn chia sẻ của NSND Tiến Đạt!
Theo Ngọc Mai (Gia Đình & Xã Hội)