Phim dài bốn tập, do NSƯT Lê Mạnh - Hoàng Sơn đạo diễn. Con hảo hán, tía không ngán kể về ông Bảy (Lê Bình) - người lẩn thẩn, sống đơn độc - đột nhiên nhận được thông tin không rõ nguồn gốc về con trai đã mất tích hơn 20 năm. Ông mừng quýnh và gác mọi công việc để lên đường tìm con nhưng bị hàng xóm can ngăn.
Tại khu chợ nổi, bất ngờ ông Bảy gặp Thịnh (Quốc Huy) - kẻ đào tẩu - đang tấp vào ghe của mình rồi nhảy xuống sông ẩn nấp. Nghĩ Thịnh tự tử, ông ra sức cứu vớt và tình cờ phát hiện trên người anh có vết bớt giống con trai mình. Ông Bảy ngộ nhận Thịnh chính là con ruột mà ông đang kiếm tìm.
Từ đây sự gắn kết giữa ông Bảy và Thịnh hình thành. Ban đầu, anh lưỡng lự nhưng nghĩ đến nhóm người đang truy đuổi, Thịnh ở lại với ông Bảy. Cuộc sống ông Bảy trở nên xáo trộn khi Thịnh vẫn giữ bản tính giang hồ, bày trò cá độ cho cả khu dân cư.
Ngày giáp Tết, dân xã hội đen tìm đến nơi ở của Thịnh, buộc anh phải chạy trốn. Thương con, ông Bảy giao hòm tiền cho Thịnh và muốn anh làm lại cuộc đời. Động lòng trước tình cảm của "cha hờ" dành cho mình, Thịnh quay về nhận mọi trách nhiệm và bị công an dẫn giải. Sau tất cả, anh gọi ông Bảy là "tía" (bố) trong bữa cơm đoàn tụ. Dù không phải là ruột thịt nhưng sự cảm hóa tình người đã khiến họ đến bên nhau và đón một cái Tết đong đầy thương yêu.
Phim phát sóng vào 20h từ ngày 16/2 (tức mùng một Tết) đến ngày 19/2.
Lộc lạ đầu xuân
Phim dài năm tập do Hoàng Thơ đạo diễn và phát sóng từ ngày 16/2 (mùng một Tết). Lộc lạ đầu xuân nói về nỗi lòng người lao động xa xứ, lập nghiệp tại Sài Gòn khi cái Tết cận kề. Bối cảnh của phim là xóm trọ nghèo Thủ Đức - nơi có nhiều bà con lao động tập trung sinh sống.
Trong mắt ông Năm (Thanh Điền) - Việt kiều trở về từ Mỹ, cuộc sống của người nhập cư bát nháo, kém vệ sinh. Vì vậy, ông muốn thu hồi lại mảnh đất, không cho dân nhập cư thuê. Sau những xung đột với dân sống tại khu trọ, ông dần hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của mỗi người.
Phim còn có sự góp mặt của diễn viên Hồng Kim Hạnh. Trong phim, Kim Hạnh thủ vai Hoa - cô gái miền Bắc vào nam lập nghiệp. Hồng Kim Hạnh được khán giả biết đến qua vai diễn Hơn trong Thương nhớ ở ai. Khác với nhân vật Hơn chịu khổ hạnh, Hoa của Lộc lạ đầu xuân có vẻ ngoài đanh đá, chanh chua nhưng sống tình cảm.
Tía ơi con muốn vợ rồi
Phim dài bảy tập do Xuân Phước đạo diễn sẽ lên sóng vào dịp Tết Mậu Tuất 2018. Tía ơi con muốn vợ rồi xoay quanh ông Hai (Hoài Linh) - người sợ vợ, thường xuyên buồn bực chuyện con cái mãi không chịu lập gia đình. Vì vậy, ông ra "tối hậu thư" buộc các con mang người yêu về ra mắt dịp Tết.
Nhằm đối phó với yêu cầu của bố, hai con ông Hai dùng mọi chiêu trò, thuê người về đóng kịch, giả làm người yêu. Từ đây, nhiều tình huống cười ra nước mắt xuất hiện trong phim.
Ngoài ra, Tía ơi con muốn vợ rồi tái hiện những trò chơi dân gian đậm chất Nam bộ như: đua thuyền, múa lân trên sông, chơi vượt cầu khỉ... để tạo không khí xuân rộn ràng.
Cô Thắm về làng phần 3
Phim thuộc thể loại hài - ca nhạc do Lê Hướng Nam đạo diễn. Tên của phim dựa theo bài hát cùng tên của nhạc sĩ Giao Tiên trong thập niên 1970. Sau hai phần công chiếu vào Tết Nguyên đán 2016 và 2017, Cô Thắm về làng ra mắt phần ba dài tám tập. Phim phát sóng vào 20h thứ bảy và chủ nhật hàng tuần từ ngày 20/1.
Phim kể về chuyện tình yêu hài hước của ba cặp: Thắm - Cần, Út Đượm - Út Kiệm, Toán - Lý. Kiệm là chàng trai sống lêu lổng và hy vọng trưởng thành hơn sau khi cưới vợ. Cần - anh trai Kiệm - đã giục mẹ cho anh lấy Đượm - người Kiệm cũng "thầm thương trộm nhớ".
Kế hoạch cưới xin không thành khi Thắm (Tường Vi thủ vai) - du học sinh xinh đẹp - trở về quê. Sự xuất hiện của cô khiến nhiều chàng trai trong làng si mê, trong đó có cả Cần. Cần bày trò để hút sự chú ý của Thắm. Cuối cùng, Thắm chấp nhận tình cảm của anh.
Ở phần hai, chuyện tình Thắm - Cần gặp trắc trở khi có sự chen ngang của Duyên - cô gái xinh đẹp đem lòng yêu Cần, tạo nên nhiều tình huống hài hước. Sang phần ba, cô Thắm quyết liệt bảo vệ tình yêu và gìn giữ những giá trị truyền thống của quê hương trong ngày Tết.
* Trailer "Cô Thắm về làng" phần ba
Giống hai phần trước, phần ba có nhiều ca khúc trữ tình quen thuộc được lồng ghép khéo léo vào nội dung phim như Gửi về em một lá thư, Một lần dang dở, Mối duyên quê, Nếu chúng mình cách trở, Mưa trên quê hương...
Qua bộ phim, khán giả có dịp hội ngộ dàn diễn viên quen thuộc như Hoàng Sơn, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Thụy Mười, NSƯT Lê Thiện cùng các diễn viên mới như: B Trần, Nhật Cường, Chí Tâm...
Mộng phù hoa
Phim dài 36 tập do cặp đạo diễn Quế Ngọc - Nam Yên thực hiện, khởi chiếu từ ngày 29/1. Lên sóng được vài tập, Mộng phù hoa gây chú ý khi tái hiện cuộc sống Sài Gòn những năm 1930 - 1940 với thân phận trôi nổi của phụ nữ. Diễn viên Kim Tuyến vào vai chính Ba Trang - cô gái miền quê bị đẩy vào con đường làm kỹ nữ.
Ba Trang bị mẹ bán ở đợ cho một người phụ nữ xảo trá, rồi bị lừa gả cho một công tử. Do nhà chồng đối xử tệ bạc, cô trốn đi thì bị ép làm gái bán hoa. Cô tiếp xúc với các công tử giàu có bậc nhất lục tỉnh. Ban đầu, cô muốn kiếm nhiều tiền để thoát khỏi nghề kỹ nữ, song dần buông xuôi, để cuộc đời chìm đắm trong bài bạc, á phiện.
Ngoài Kim Tuyến, phim còn có sự góp mặt của các diễn viên Thân Thúy Hà, Nhan Phúc Vinh, Tường Vy, Hà Việt Dũng... Mộng phù hoa phát sóng vào 21h40 thứ hai và thứ ba hàng tuần.
Tình khúc bạch dương
Phim dài 36 tập, do Vũ Trường Khoa đạo diễn và khởi chiếu từ ngày 25/1. Tình khúc bạch dương lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Tình khúc Lavanda của nhóm tác giả là cựu sinh viên khoa Nga, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Phim tập trung vào mối quan hệ tình cảm của Hùng, Quyên, Vân, Quang. Họ đều là du học sinh tại Liên Xô cũ những năm 1980.
Quyên xinh đẹp, sắc sảo, tính cách đỏng đảnh. Hùng là chàng trai thích cuộc sống tự lập, đem lòng yêu Quyên và hết lòng chiều chuộng cô. Vân – bạn thân Quyên – là người ít nói, dịu dàng. Chính tính cách này đã thu hút Quang – chàng trai tinh tế, lịch lãm. Trải qua nhiều biến cố và hiểu lầm, Quyên về nước cùng thời điểm Quang hoàn thành bốn năm học. Sau đó, cô lập gia đình với Quang. Ở Nga, Hùng và Vân kết hôn. 20 năm sau, Hùng tình cờ gặp lại Quyên. Kỷ niệm của mối tình đầu ùa về, cả hai không làm chủ được cảm xúc và trở thành nhân tình của nhau. Từ đây, sóng gió bắt đầu xảy đến với hai gia đình vốn yên ấm, hạnh phúc.
Mạch phim chảy từ tuổi thanh xuân đến thời trưởng thành của nhóm nhân vật. Xuất hiện ở thời trẻ, bốn nhân vật Hùng, Quyên, Quang, Vân lần lượt do Huỳnh Anh, Minh Trang, Bình An, Hồng Loan thủ vai. Sang giai đoạn trung niên, diễn viên Chi Bảo (Hùng), Thanh Mai (Quyên), Lê Vũ Long (Quang), Hoa Thúy (Vân) thay thế nhóm nghệ sĩ trẻ.
Phim phát sóng vào 20h45 thứ năm và thứ sáu hàng tuần.
Cả một đời ân oán
Phim dài 32 tập do đôi đạo diễn Trọng Trinh - Vũ Trường Khoa thực hiện. Cả một đời ân oán chiếu từ cuối tháng 12/2017. Phim hút khán giả nhờ khai thác chuyện tình cũ, con riêng trong xã hội hiện đại.
Bộ phim mua kịch bản và chuyển thể từ tác phẩm truyền hình nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc) - Cô dâu bạc triệu. Phim đề cập đến những mối quan hệ nhạy cảm: vợ cả - vợ lẽ, con chung - con riêng, anh chồng - em dâu... Cả một đời ân oán xoay quanh những câu chuyện trong Vũ Gia - công ty gia đình có tầm ảnh hưởng lớn trên thương trường. Ông Quang (NSƯT Mạnh Cường) là người sáng lập công ty và việc thừa nhận có con riêng khiến cuộc sống gia đình trở nên xáo trộn. Phong (Hồng Đăng) là con riêng của ông Quang với mối tình đầu - bà Mai (Minh Phương). Anh xuất hiện đã gây ra xung đột, tranh chấp và mối hiềm khích với thành viên trong gia đình ông Quang.
Bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) - vợ ông Quang - kịch liệt phản đối và ngăn cản mẹ con Phong bước chân vào gia đình. Trước những phiền toái mà bà Lan tạo ra, Phong tức giận và quyết tâm vào sống trong nhà họ Vũ, tạo thế đối trọng với những người không ủng hộ sự tồn tại của mẹ con anh.
Ngoài những cảnh diễn tâm lý căng thẳng, phim còn tạo tiếng cười sảng khoái cho khán giả thông qua cảnh quay có sự xuất hiện của bà Mai - NSƯT Minh Vượng thủ vai.
Phim lên sóng vào 21h50 thứ tư và thứ năm hàng tuần.
Thương nhớ ở ai
Phim dài 34 tập do Lưu Trọng Ninh đạo diễn. Phim phát sóng vào 14h30 thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Thương nhớ ở ai khởi chiếu từ cuối tháng 11 năm ngoái và đang ở hồi kết.
Phim chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, lấy bối cảnh làng Đông - một vùng quê Bắc bộ điển hình những năm 1950 - 1960. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ khao khát được yêu thương nhưng không thể vượt qua định kiến của xã hội.
Vạn (Lâm Vissay) là bộ đội phục viên, về làng Đông làm xã đội trưởng. Sau nhiều năm rời xa quê nhà, anh trở về làng với mong muốn xây dựng quê hương giàu đẹp. Vạn tốt bụng, luôn yêu thương và bảo vệ những phụ nữ bất hạnh. Tuy nhiên, Vạn dần bế tắc bởi không hòa nhập được với những hủ tục phong kiến ở quê nhà. Nhân (Ngọc Anh) - người đàn bà góa thủy chung - luôn dặn dò các con sống xứng đáng với truyền thống của gia đình liệt sĩ. Nhân có tình cảm với Vạn nhưng không dám vượt qua định kiến để đến với anh. Sau này, Vạn trót có tình một đêm với Hạnh - con gái Nhân - khiến mối quan hệ của ba người rơi vào bế tắc.
Để làm mới câu chuyện so với tiểu thuyết và bản điện ảnh do chính anh thực hiện từ 17 năm trước, đạo diễn sáng tạo thêm các vai diễn như ông chủ tịch xã "quái thai" Đột (Jimmi Khánh), cô ca nương bị ruồng rẫy tên Nương (Thanh Hương)...
Ngoài ra, phim gây chú ý bởi cảnh nóng, diễn viên không mặc nội y và khắc họa trực diện nỗi thống khổ người dân Việt Nam ở vùng quê Bắc bộ thời kỳ trước 1975.
Theo Trọng Trường (VnExpress.net)