Hầu hết các vai phản diện nổi tiếng tại Kinh đô điện ảnh Hollywood đều thuộc về phái nam, thế nhưng để bàn về mức độ độc ác vô tình thì không thể không nhắc đến những nhân vật nữ khó quên này.
Beverly R. Sutphin trong Serial Mom (1994)
Chẳng ai muốn kết hôn với cô vợ tâm thần như Beverly, người phụ nữ bề ngoài thì ôn hòa vui vẻ nhưng ẩn bên trong là tâm lý bất ổn định, luôn ám ảnh bởi các câu chuyện giết người hàng loạt, sẵn sàng bảo vệ gia đình mình vô điều kiện đến mức mù quáng.
Quá trình trở thành kẻ ác của Beverly đi từ cấp độ nhẹ đến tăng dần và đỉnh điểm là... sát hại bạn trai cũ của con gái vì biết tin anh ta phản bội con gái mình.
Kể cả những ai chống đối gia đình và người thân của mình, Beverly sẵn sàng ra tay triệt hạ.
Để hạn chế tranh cãi, đạo diễn John Waters đã chọn cho phim thể loại black comedy (hài châm biếm) để giảm thiểu mức độ tâm lý nặng nề, dễ ảnh hưởng tâm lý người xem.
Tuy nhiên, do hạn chế độ tuổi bộ phim "rớt đài" khi ra mắt rộng rãi dù từng được khen khi chiếu tại Liên hoan phim Cannes.
Cảnh phim Carrie |
Carrie White trong Carrie (1976)
Được sáng tác bởi cây bút tài ba Stephen King, Carrie White là một trong những nhân vật phản diện nổi bật và thú vị nhất màn bạc.
Chính ông cũng thừa nhận đã lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về hai nữ sinh bị bắt nạt đến chết trong trường trung học.
Thay vì để cho nhân vật của mình chịu số phận bi thảm, Stephen King lại để Carrie White tự báo thù cho những kẻ hãm hại và dồn cô vào bước đường cùng.
Sống trong một gia đình gia giáo tới mức khắc nghiệt, Carrie không còn là chính mình và luôn phải sống trong sợ hãi để chiều lòng bà mẹ và những đứa bạn ác ý cho đến khi "tức nước vỡ bờ", Carrie sẵn sàng "tắm máu" bất kì ai nghịch ý cô.
Carrie đã ba lần được dựng thành phim nhưng không phiên bản nào thành công như bản gốc ra đời năm 1976 do Sissy Spacek đóng vai chính.
Cảnh phim Alice, Sweet Alice |
Mrs. Tredoni trong Alice, Sweet Alice (1976)
Lấy đề tài kinh dị và ra đời vào giai đoạn bộ máy kiểm duyệt còn chưa hình thành chuyên nghiệp như bây giờ, những màn hạ sát thảm thương trong phim đã khiến phim bị tịch thu tại Anh, và khi ra mắt rộng rãi đã bị cắt đến 10 phút.
Bộ phim xoay quanh một hình nhân đeo chiếc mặt nạ có nụ cười vô cảm, tác giả những cái chết của các nhân vật trên phim.
Đó chính là bà Tredoni, kẻ mất đi đứa con gái nhỏ nhưng lại tin rằng cái chết đó là do Đấng tối cao báo hiệu cho bà, và bà có nhiệm vụ trừ khử bất kì ai phạm lỗi.
Alice, Sweet Alice được lên kế hoạch làm lại vào năm 2006 nhưng sau nhiều lần trì hoãn thì đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Cảnh phim The Hand That Rocks the Cradle |
Mrs. Mott trong The Hand That Rocks the Cradle (1992)
Không có tội ác nào thiếu đi khởi nguồn của nó, và bà Mott cũng có lý do để hủy hoại cuộc đời kẻ khác.
Đang yên đang lành, chồng bà bị Claire - một nữ sản phụ tố làm dụng tình dục khiến ông nhục nhã tìm đến cái chết.
Vụ kiện tụng liên lụy tới nhiều nạn nhiên, làm gia đình bà Mott lâm cảnh khó khăn, thậm chí áp lực khiến bà sẩy thai...
Sau khi phục hồi sức khỏe, biết mình đã mất tất cả trong khi Claire được mời vào Hội đồng y tế, bà Mott quyết tâm trả thù, đòi lại những gì đã mất.
Ban đầu Mott là giả làm vú em, xin vô gia đình Claire, sau đó quyến rũ chồng và sát hại những người thân của Claire trước khi ra tay giết chết Claire.
Bộ phim có doanh thu cực kỳ tốt khi ra mắt, và cũng là phim xuất sắc nhất sự nghiệp Rebecca De Mornay - người thủ vai bà Mott nham hiểm.
Cảnh phim Single White Female |
Hedra Carlson trong Single White Female (1992)
Mang dáng dấp của Fatal Attraction nhưng là phiên bản đồng tính nữ, bộ phim kể về xung đột nội tâm của Hedra - cô bạn gái xin ở chung phòng với một phụ nữ xinh đẹp vừa mới chia tay bạn trai Allison.
Để chiếm trọn trái tim của Allison, Hedra không từ bất kì thủ đoạn tàn nhẫn nào, kể cả việc giết chết hai người đàn ông mà Allison từng yêu đương hò hẹn.
Thậm chí trước đó, Hedra còn giở trò quyến rũ bạn trai Allison để anh ta tự nguyện từ bỏ và "nhường" Allison cho cô.
Vai thủ ác Hedra tuy bị ghét nhất phim nhưng lại mang về cho diễn viên Jennifer Jason Leigh giải MTV Movie Award hạng mục Vai phản diện. Bộ phim cũng đạt doanh thu tương đối năm đó.
Cảnh phim Friday the 13th |
Mrs. Pamela Voorhees trong Friday the 13th (1980)
Ít ai biết một trong những kẻ sát nhân đáng sợ nhất mọi thời đại Jason Voorhees lại sở hữu dòng máu lạnh từ chính mẹ ruột của mình - Pamela Voorhees, bà cũng là nhân vật trung tâm của phim trước khi... nhường sân cho con trai mình "tỏa sáng".
Tức giận vì sự vô trách nhiệm của những tình nguyện viên trại hè khiến Jason bị chết đuối, bà Pamela ra tay sát hại hàng loạt nhằm trả thù con và giúp bà vơi đi nỗi đau mất mát.
Thậm chí, cứ mỗi dịp trại hè tổ chức ở hồ Camp Crystal, bà sẵn sàng ra tay giết tất cả những ai tham gia.
Thực tế Pamela Voorhees mới là kẻ giết người hàng loạt, còn Jason Voorhees vốn đã chết ngay bộ phim đầu tiên.
Tuy nhiên, mức độ thành công của Friday the 13th khiến đạo diễn Sean S. Cunningham làm tiếp phần hai với sự trỗi dậy của tay đồ tể Jason Voorhees.
Cảnh phim Basic Instinct |
Catherine Tramell trong Basic Instinct (1992)
Hẳn mọi người sẽ khó quên nhan sắc nóng bỏng của tiểu thuyết gia nổi tiếng Catherine Tramell, thế nhưng đừng bị nhan sắc ấy lu mờ lý trí, bởi trong chính tiểu thuyết The First Time đầu tay, Catherine đã ngụ ý chính cô lên kế hoạch sát hại bố mẹ mình để "cuỗm" di sản lên tới 110 triệu USD.
Thậm chí khi tham gia tâm lý học, Catherine còn sát hại cả giáo sư của mình và viết chi tiết trong cuốn tiểu thuyết Love Hurts sau đó ít lâu.
Tất nhiên không loại trừ cả chồng hay những nhân tình đồng giới khác giới của Catherine. Cô cũng có thói quen... thích kết bạn với kẻ sát nhân.
Câu chuyện của Basic Instinct bắt đầu bằng vụ ám sát dã man một nam rock star mà nghi phạm số một là Catherine Tramell.
Tuy nhiên như mọi lần, hành trình phá án và đưa Catherine ra vành móng ngựa thật sự rất khó khăn bởi bản lĩnh và sự thông minh vô đối của sát nhân học thức này.
Cảnh phim Natural Born Killers |
Mallory Wilson Knox trong Natural Born Killers (1994)
Dưới sự tiếp tay của bạn đồng hành kiêm bạn đời Mickey mà Mallory dễ dàng trở thành nỗi ám ảnh cho những ai chẳng may là nạn nhân của cô.
Cả Mickey và Mallory đều có tuổi thơ đầy thương tổn khi bị chính cha ruột của mình lạm dụng tình dục, trong đó Mallory bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khiến cô trở thành kẻ sát nhân điên loạn.
Bên cạnh Micky, Mallory ra tay tàn sát tổng cộng 53 nạn nhân trên phim trước khi bị tống giam.
Do sở hữu quá nhiều cảnh giết người bạo lực, phim từng bị dán nhãn NC-17 trước khi phải cắt đi 4 phút để rộng đường ra rạp.
Năm 2006, tờ EW nổi tiếng của Mỹ còn xếp phim này hạng 8 trong danh sách những tác phẩm gây tranh cãi nhất, khi xây dựng chân dung người phụ nữ máu lạnh như Mallory.
Cảnh phim High Tension |
Marie trong High Tension (2003)
Mở đầu và diễn biến không khác những phim kinh dị Mỹ thường thấy, thế nhưng tác phẩm đầy tranh cãi của điện ảnh Pháp (từng được TIME chọn là phim bạo lực nhất) lại xử lý tình huống vô cùng hiệu quả, đặc biệt là cái kết khó đoán khi tiết lộ sát nhân thật sự của những cái chết thương tâm trên phim.
Vào một ngày đẹp trời, Marie đến nhà Alex để vui chơi, nhưng vô tình rơi vào trận chiến khốc liệt với kẻ sát nhân hàng loạt giết chết cả gia đình cô bạn Alex và cả những kẻ ngoài lề ngăn cản bước chân hắn.
Tuy nhiên đến phút cuối phim, khán giả mới biết chính căn bệnh đa nhân cách đã biến Marie thành kẻ sát nhân tâm thần thật sự và vì tình yêu dành cho Alex, cô sẵn sàng vung máy chém để quyết độc chiếm người con gái mỏng manh kia.
Theo Đức Trần (Tuổi Trẻ)