Con đường “câu view bất chấp”
Đúng dịp Tết, Trung tâm văn hóa Pháp tại Việt Nam có giới thiệu (miễn phí) một loạt phim mới của Pháp, trong đó có Selfie của 5 đạo diễn (con số chắc là kỷ lục) gồm Thomas Bidegain, Marc Fitoussi, Tristan Aurouet, Cyril Gelblat và Vianney Lebasque. Thuật ngữ selfie đã trở thành từ cửa miệng của mọi quốc gia, không phân biên giới, màu da, và nó là một phần của cuộc sống hiện đại, bất kể chúng ta làm công việc gì, ở độ tuổi nào...
Như tựa đề, bộ phim nói về cuộc sống ảo (trên mạng) của nhiều người, nơi mà không ai có thể tách rời công nghệ, trong khi một số người nghiện đến mức bị nó chi phối thì một số khác ở trên bờ vực suy sụp tinh thần. “Những người tử tế” dường như rất dễ trở thành những kẻ nói dối như cuội khi họ bị đẩy thành “ngôi sao”, “người có ảnh hưởng trên mạng xã hội” hay “người sở hữu những video triệu view”...
“Lượt view” trở thành một thứ quyền lực thống trị, thậm chí làm méo mó nhân tính. Còn có thể giải thích thế nào với việc quay phim tường thuật bất chấp, thậm chí bịa tạc về một đám ma, xa hơn nữa là một tai nạn, một đám cháy... Việc cố tình phơi bày mất mát và nỗi đau của người khác để thu hút sự tò mò của đám đông nói gì thì nói cũng vẫn là một hành xử phi nhân. Sự hấp dẫn của nổi tiếng nhiều khi đã lấn át tất thảy, kể cả năng lực phân biệt tốt xấu đúng sai.
Phim Selfie có một câu chuyện (trong rất nhiều câu chuyện được kể trong phim) khá điển hình: Lucas - cậu con út của gia đình Perez mắc một căn bệnh hiếm gặp, sự sống của cậu chỉ tính bằng tháng. Bố mẹ Lucas muốn những ngày tháng cuối cùng của con trai phải thật vui vẻ đáng nhớ.
Do đó, họ thực hiện mong ước của cậu bé, là làm video đăng lên mạng xã hội và đợi cho tới khi đủ 2 triệu lượt xem. Ban đầu, chỉ là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những lần đi khám bệnh, quá trình chữa trị, thời gian lưu trú ở bệnh viện của cậu bé 10 tuổi. Dần dần, câu chuyện truyền cảm hứng của nhà Perez trở thành trend trên mạng, biến gia đình này thành “sao”.
Từ những lượt theo dõi khổng lồ, nhà Perez bắt đầu được truyền thông để ý, được Hollywood mời sang tham dự buổi ra mắt phim và chờ đợi họ là nhiều hợp đồng quảng cáo khác. Tuy nhiên, khi bác sĩ thông báo Lucas bất ngờ khỏi bệnh một cách thần kỳ, thì cư dân mạng quay ngoắt. Lượt tương tác từ đây giảm với tốc độ thẳng đứng. Không ai còn hứng thú với câu chuyện của một gia đình bình thường, nghĩa là không có kịch tính và nước mắt, hay nỗi đau...
Trang nhà Perez đã bị phủ bụi. Vợ chồng Perez không chấp nhận được chuyện này, họ nghĩ đủ mọi cách để có thể thu hút khán giả trở lại, đỉnh điểm của khao khát nổi tiếng bất chấp ấy là khi anh chồng đề nghị “hay chúng ta đóng phim con heo”?
“Mạng xã hội không phải chỗ cho lòng tốt và sự vị tha”
Đây là câu thoại trong phim Selfie. Sau tất cả nỗ lực mua vui cho công chúng, điều mà gia đình Perez nhận lại sau khi cậu út khỏi bệnh chỉ là những bình luận ác ý, những chế giễu, cười cợt khiến cả nhà lâm vào tình trạng ngã từ chín tầng mây.
Liều thuốc mạnh này không khiến cặp vợ chồng đã “ăn phải bả của lượt view” tỉnh ngộ. Việc cậu con trai lớn vì quá chán những trò lố của bố mẹ mà bỏ nhà tham gia vào hàng ngũ của kẻ khủng bố đã khiến cặp vợ chồng này tìm ra một hướng hút view khác.
Đoạn video đăng tải cảnh cậu con trai của họ cùng nhóm khủng bố xả súng ở một thị trấn đạt được 3 triệu lượt xem lập tức lại bơm đầy sinh lực cho hai kẻ nghiện view. Từ đây, họ quay sang chiêu đãi mạng xã hội một chủ đề khác: về những kẻ khủng bố vị thành niên, và những lượt view vẫn đeo bám họ từ phòng ăn, phòng khách, cho đến phòng ngủ.
Một YouTuber sau đám tang của nghệ sĩ Vũ Linh chia sẻ rằng áp lực giữ view khiến anh phải vác máy quay đến mọi sự kiện “dự là hút khách”, nếu không, chỉ sau vài tuần “ế ẩm” kênh sẽ tụt hạng, và đi kèm với nó là không có khoản thu. Đây là sự thật, và bài học nhỡn tiền là những kênh từng “hái ra tiền” như “bà Tân Vlog” sau khi đã khiến khán giả bội thực vì những món siêu to khổng lồ thì giờ mỗi video chỉ lèo tèo một vài nghìn lượt xem so với con số hàng chục triệu view trước đó. Làm video, nội dung... bây giờ không còn chỉ đơn thuần là nhu cầu giãi bày (hay phơi bày) và nhu cầu được chú ý nữa, nó còn là một nghề có thu nhập hẳn hoi.
Để hạn chế những tác dụng phụ của các chế phẩm này, hiện đã có nhiều kiến nghị các cơ quan luật pháp nên ban hành luật cụ thể về quy định “hành nghề” với các YouTuber và TikToker. Trên thế giới, rất nhiều nước đã có những bộ luật về các sản phẩm giải trí trên mạng, trong đó quy định tỉ mỉ, chi tiết những gì được làm, và những gì bị cấm.
Đơn cử, ở Pháp, ngoài quy định về độ tuổi, thời gian làm việc, chế độ giám sát thu nhập, thì Luật mới còn có một “quyền được lãng quên” cho những người có ảnh hưởng dưới 16 tuổi. Điều này có nghĩa là bất cứ lúc nào họ cũng có thể yêu cầu YouTube và các trang web khác xóa các video trực tuyến của họ. Nhiều “ngôi sao” khi lớn lên không muốn tiếp tục tỏa sáng nữa, thì có quyền trở lại cuộc sống đời thường và “xóa sạch” mọi dấu vết về “thời huy hoàng” để không ai còn có thể làm phiền họ “tái hòa nhập cộng đồng”.
Theo Hạ Đan (Tiền Phong)