Những bóng hồng trong sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng

15/03/2016 15:29:15

Sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn nói với bạn bè rằng, "con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi" nên ca khúc nào của ông cũng đều thấp thoáng 1 bóng hồng nào đó.

Sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn nói với bạn bè rằng, "con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi" nên ca khúc nào của ông cũng đều thấp thoáng 1 bóng hồng nào đó.

Từ "Chuyện tình của biển", "Giọt nắng bên thềm", "Phố biển", "Hát với chú ve con", đến "Hoa tím ngoài sân", "Lời tỏ tình của mùa Xuân", "Trái tim không ngủ yên"..., mỗi bài hát là một câu chuyện, là một người đẹp đến rồi đi trong cuộc đời nhạc sĩ đào hoa ấy.

Từng chia sẻ trên một tờ báo, nhạc sĩ Thanh Tùng cho biết, "Lời tỏ tình của mùa xuân" là bài hát ông viết tặng ca sĩ Ngọc Bích. Và nhạc sĩ cũng chính là người dựng tiết mục này cho đoàn Hải Đăng và Ngọc Bích hát.

Dù trong bài "Lời tỏ tình mùa xuân" có câu: "Và tôi biết rằng, nói yêu em là điều khó khăn" nhưng nhạc sĩ khẳng định, "Chẳng phải là tôi tỏ tình gì với Ngọc Bích cả.

Thời đó, viết một ca khúc có chữ yêu, đề tài tình yêu rất khó được giải, được biểu diễn trên Đài phát thanh. Và tôi viết, nói yêu em là điều khó khăn là nói với khâu kiểm duyệt đấy chứ".

Mặc dù ca khúc dành tặng Ngọc Bích nhưng ca sĩ được cho là thể hiện hay nhất lại thuộc về những cái tên như Thùy Dung, Thanh Lam, Cẩm Vân.
 

Ca khúc này gắn với một chân dài ở TPHCM mà sau này nhạc sĩ có dịp kể lại.

 
"Hát với chú ve con" của nhạc sĩ Thanh Tùng gắn với một mối tình buồn vào quãng năm 1984. Lúc đó, nhạc sĩ yêu một cô gái rất đẹp và có một số phận cũng rất... đau đớn.

Vì cuộc đời xô đẩy mà cô gái ấy trở thành tiếp viên và không còn tin vào tình yêu nữa, dù nhạc sĩ đã rất cố gắng chứng minh điều đó...

Sau này, cô gái ấy ra nước ngoài đoàn tụ gia đình và mang theo luôn bài hát "Hát với chú ve con" mà ông viết tặng lúc chia tay.

Ở ca khúc này, nhạc sĩ Thanh Tùng viết như viết một bức thư: "Đừng mang cho lời ca những nỗi ưu phiền và đừng mang cho tình yêu những tiếng ca buồn".

Trong số rất nhiều ca sĩ từng thể hiện ca khúc này, Thanh Lam được cho là người trình bày nhiều xúc cảm và thành công nhất.

Có lẽ, trong những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng, ít người đẹp nào được ông dành tặng nhiều ca khúc như ca sĩ Ngọc Thúy.

Sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng từng kể, ông viết "Chuyện tình của biển", "Giọt nắng bên thềm", "Phố biển" để tặng cô ca sĩ cũng là học trò của ông - Ngọc Thúy.

Giữa họ đã có nhiều kỷ niệm vui buồn mà sinh thời ông chỉ kể đến vậy với báo chí.

Sau này, Ngọc Thúy đã sang Mỹ và lấy chồng, chỉ để lại những ca khúc đã làm nên danh tiếng cho nhạc sĩ Thanh Tùng và nhiều giọng ca đình đám của Việt Nam như Trần Thu Hà, Thanh Lam.

Những ai yêu nhạc Thanh Tùng có lẽ không thể không yêu bài hát "Hoa tím ngoài sân". Ca từ của bài hát này rất vui cũng như chính câu chuyện dẫn tới sự ra đời của bài hát đó.

Nhạc sĩ Thanh Tùng từng kể: "Hẻm Cây Điệp nhà tôi ở có cô Tôn Nữ Minh Tâm đoạt giải Á hậu Áo dài đầu tiên của TPHCM. Cô ấy rất đẹp và thường đi bộ qua cửa nhà tôi.

Không hiểu vô tình hay cố ý mà qua cửa nhà tôi thường đi rất chậm hoặc ngó nghiêng làm dáng.

Và tôi viết về cô ấy: "Em đừng đi, xin em đừng đi/ Vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì/ Ai vội đi, để ai còn đứng đó, để bàn chân ai trong tiếng lá rơi".

Mỗi khi nhắc tới bài hát này, người ta đều tìm tiếng hát Trần Thu Hà để nghe, để cảm nhận được cái hồn của ca từ.


Cũng giống như bao ca khúc khác, "Trái tim không ngủ yên" có một hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt.

Hồi đó, nhạc sĩ Thanh Tùng mới quen một cô chân dài. Ngày 7-3, ông có việc phải ra Hà Nội gấp nên không kịp mua quà tặng người đẹp. Ông bỏ tiền vào bao thơ và ghi lại "Em mua giúp anh một món quà cho mình".

Buổi tối hôm đó, cô chân dài kia gọi điện ra Hà Nội nói nhạc sĩ không ra gì vì đã coi thường cô ấy. Lúc đó, nhạc sĩ Thanh Tùng tự ái lắm. Nằm ngủ mà tức quá không ngủ được.

Thế là ngồi lôi giấy ra viết: "Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu là thực ra anh đang dối lòng/ Còn anh nói đã trót yêu em rồi là thực ra anh đang dối anh".

Sau này, nhạc sĩ kể: "Lúc đó mối quan hệ mới chỉ là thích thích thôi chưa phải là tình yêu. Tôi gọi điện cho anh Trịnh Công Sơn vào lúc 2 giờ sáng, kể cho anh ấy nghe.

Anh Sơn cười "đêm hôm đánh thức người khác, không ngủ được thì đặt luôn bài hát đó là Trái tim không ngủ yên đi".

Không ngờ bài hát viết vội ấy lại là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Tùng. Sau này, chính nhạc sĩ Thanh Tùng hát bài này tại Hà Nội và Mỹ Linh ngồi dưới xem... xong, xin luôn.

Dù đã đích thân thể hiện bài hát này thì không ít người vẫn cho rằng, bài hát thực sự có sức truyền tải mãnh liệt bởi giọng hát Bằng Kiều - Mỹ Linh.

Trong gia tài nhạc phẩm cũng chính là gia tài tình yêu của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng chỉ viết duy nhất một ca khúc tặng vợ. Đó là ca khúc "Em và tôi", ông đã từng chia sẻ như thế.

Nhạc sĩ khẳng định: "Đó là những tình cảm và suy nghĩ thật nhất về một nửa cuộc đời của tôi".
 
>> Nhạc sĩ Thanh Tùng - Trái tim ca hát lãng du
 
Theo Cao Thanh Hương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật