Nền tân nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc hải ngoại nói riêng đã chứng kiến sự thành danh, ghi dấu ấn của nhiều danh ca lớn, đặc biệt là thế hệ trước 1975.
Họ được xem là thế hệ vàng có vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng, dựng xây và định hình tân nhạc thế kỉ XX ở thưở mạnh mẽ, phát triển trực rỡ, cao trào, sung sức và hăng hái nhất, nói như nhà phê bình Hoài Thanh là "một năm ở ta kể như ba mươi năm ở người".
Trong đó, có những danh ca đã lên tới hàng huyền thoại như Thái Thanh, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Duy Khánh, Chế Linh, với tầm vóc to lớn vượt ngoài âm nhạc, ảnh hưởng sâu sắc tới cả văn hóa, nghệ thuật, lối sống, xã hội.
Sau 1975, đời sống xã hội và âm nhạc nghệ thuật có nhiều đổi thay, nên cách thể hiện, trình diễn cũng khác. Chính vì thế, thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ sau 1975 cũng đi theo những hướng khác nhau, đặc biệt tại hải ngoại.
Một điều dễ dàng nhận thấy là lứa ca sĩ sau 1975 dù tài năng và hoạt động chăm chỉ, nhưng rất khó để đạt tới tầm vóc như thế hệ trước, vốn đã định hình được nền âm nhạc nước nhà.
Tuy nhiên, họ vẫn có những khác biệt, mới mẻ, để lại dấu ấn riêng khó phai trong lòng khán giả và tạo nên mắt xích mới trong tiến trình âm nhạc Việt Nam. Nhiều người trong số họ cũng được công chúng ưu ái gọi là danh ca như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ý Lan, Ngọc Lan, Bảo Yến, Trường Vũ, Tuấn Vũ…
Trong số những danh ca sau 1975 đó, Như Quỳnh tuy xuất hiện muộn hơn, tuổi đời và tuổi nghề cũng ít hơn, nhưng lại sớm trở thành hiện tượng đặc biệt, hiếm có và độc đáo bậc nhất, nói như lời nhạc sĩ Trúc Hồ - bậc thầy hòa âm của nền nhạc hải ngoại là: "Như Quỳnh là hiện tượng mà phải nửa thế kỷ mới xuất hiện một lần", hay "Tôi vẫn chọn Như Quỳnh là ca sĩ lớn nhất của thế hệ sau 1975".
Thời báo Nhạc xưa cũng nhận định: "Có thể nói, ở Như Quỳnh hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một ngôi sao, và cô đã thật sự bước được lên đài danh vọng khi có một sự nghiệp âm nhạc đỉnh cao.
Nếu chỉ nói riêng trong dòng nhạc vàng hải ngoại sau năm 1975, Như Quỳnh là nữ ca sĩ thành công nhất từ trước đến nay".
Để trở thành một hiện tượng độc đáo và lớn nhất như vậy, Như Quỳnh hiển nhiên phải sở hữu những nội lực, cá tính, tài năng riêng có về cả giọng hát lẫn phong cách, trình diễn, không giống với bất cứ ca sĩ nào xuất hiện trước và sau mình.
Nỗi đau bị chê hát live yếu và sự thật về giọng hát nửa thế kỉ mới xuất hiện một lần
So với những danh ca đi trước, giọng hát Như Quỳnh thường bị xem là "lép vế" hơn. Cô không sở hữu nhiều note cao sáng chói, cao vút như Thái Thanh, dày như Hoàng Oanh, trầm như Thanh Thúy, độc đáo như Khánh Ly, nội lực như Thanh Tuyền hay kĩ thuật như Tuấn Ngọc, Khánh Hà.
Ngược lại, tiếng hát Như Quỳnh lại rất girly, nữ tính, mỏng manh. Những giọng hát kiểu này thường bị xem nhẹ, không được đánh giá cao như type giọng nội lực, âm lượng lớn, có khả năng phô diễn trên sân khấu. Đây là một điều khá bất công.
Sự phân biệt này vô hình trung tạo nên một định kiến cố hữu trong thói quen thưởng thức của công chúng từ hàng trăm năm qua.
Ngay trong nền Opera thế giới, kiểu giọng light lirico sáng mảnh, girly như Mirella Freni cũng không được yêu thích nhiều, kém nổi trội hơn so với type giọng dày, nội lực hay virtuoso như Birgit Nilsson, Renata Tebaldi, Maria Callas, Joan Sutherland…, dù kĩ thuật và nhạc cảm rất tuyệt vời.
Định kiến này là sai lầm và những type giọng mảnh, nhẹ nhàng, nữ tính vẫn sở hữu giá trị riêng, đạt thành công lớn, gây dựng ảnh hưởng mạnh mẽ nếu biết phát huy hết năng lực, kĩ thuật, cá tính riêng có của mình.
Ngọc Lan và Như Quỳnh là hai trưởng hợp đặc biệt như vậy. Dù giọng hát live không mạnh mẽ, phô diễn, nhưng cả hai nữ danh ca vẫn cố gắng phát huy chất riêng của mình để tạo thành cả một thương hiệu, khó ai bắt chước được.
Trên thực tế, vì vấn đề sức khỏe nên khả năng hát live của Như Quỳnh không ổn định.
Từ khi mới sinh, Như Quỳnh đã rất khó nuôi, sức khỏe yếu và không được ổn định. Năm một tuổi, cô còn bị sốt xuất huyết, suýt nguy hiểm tới tính mạng. Ca sĩ Tường Khuê em trai cô kể lại:
"Hồi còn nhỏ, chị Như Quỳnh bị phong thấp cùng nhiều bệnh khác. Tôi là người hay chăm lo cho chị. Tuy ốm yếu, nhưng không khi nào chị tôi ngừng nghĩ về gia đình".
Bản thân Như Quỳnh cùng thừa nhận, sức khỏe của cô bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chứng mất ngủ kinh niên suốt 20 năm qua. Cô nói:
"Nhiều khi đến địa điểm diễn, tôi chỉ có hai tiếng để nghỉ ngơi trước khi lên sân khấu nhưng vẫn phải cố gắng chợp mắt để có sức và đảm bảo không bị khan tiếng".
Qua lời kể của Như Quỳnh, có thể thấy, cô đã phải rất cố gắng, chật vật để giữ được giọng hát ổn định khi đứng trên sân khấu, nhưng sức khỏe không cho phép cô làm được điều đó.
MC Trấn Thành, một trong những người em thân thiết từng có thời gian gần gũi với Như Quỳnh từng lên tiếng giải thích: "Có một số lần Như Quỳnh hát live gặp vấn đề là do dạo này chị bị chứng mất ngủ, uống thuốc ngủ quá nhiều nên thanh quản không tốt.
Mỗi lần bị stress, tụt canxi là chị Quỳnh lại bị giật động kinh, phải sử dụng thuốc nhiều nữa nên tội nghiệp chị lắm. Khi chị Như Quỳnh được nghỉ ngơi đầy đủ hát xuất sắc. Tôi đã qua gặp chị ở Mỹ rồi".
Em trai nữ danh ca là ca sĩ Tường Khuê cũng kể lại: "Cách đây khoảng tám, chín năm, chị Quỳnh bị kiệt sức vì quá chú tâm vào công việc. Có mấy lần ra sân bay để đi lưu diễn, chị ngất rồi bị chuyển vào viện cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán bị động kinh. Thực ra bệnh này chị tôi mắc từ nhỏ nhưng vì cuộc sống quá căng thẳng nên mới dẫn đến tình trạng như vậy".
Sức khỏe yếu chính là một phần nguyên nhân ảnh hưởng tới giọng hát của Như Quỳnh sau này. Nhiều người thường thắc mắc về phong độ ca hát của Như Quỳnh khi trình diễn trên sân khấu, chê cô hát live yếu, thiếu ổn định.
Nhưng ít ai hiểu rằng, Như Quỳnh đã và đang phải chịu nhiều vấn đề về sức khỏe.
Tuy hát live chưa thực sự ổn định, nhưng Như Quỳnh lại bù đắp được cho mình một âm sắc giọng rất đẹp, cùng những lối hát truyền cảm và khả năng cảm nhạc rất tốt. Tất cả những ưu thế này được phát huy tuyệt đối trong môi trường phòng thu, giúp cô sản sinh được những bản thu xuất sắc gửi đến khán giả.
"Về giọng hát, Như Quỳnh hát như thế nào, chắc không cần phải nói nhiều vì sự ghi nhận của khán giả suốt nhiều năm là minh chứng. Như Quỳnh là người có bề dày, và đã khẳng định được mình với khán giả" – Bằng Kiều khẳng định.
Trước hết, cần nói qua thông tin chung về giọng hát Như Quỳnh như sau:
Vocal type (loại giọng): Nữ trung cao trữ tình (Lirico Mezzo Soprano).
Vocal range (Quãng giọng): Gần hai quãng tám (từ F3 tới D5). Tuy nhiên, quãng giọng này bị giới hạn bởi dòng nhạc và ca khúc trình diễn, chưa phải quãng giọng thực sự Như Quỳnh có thể đạt tới.
Tessitura (quãng hát thoải mái): Từ B3 tới G4.
Support range (quãng hát được hỗ trợ kĩ thuật ổn định): Từ A3 tới B4.
Điểm nổi bật đầu tiên trong tiếng hát Như Quỳnh là âm sắc rất đẹp và có màu sắc, "hương thơm" riêng. Có thể ví chất giọng này như một trái lựu chín tới, ngọt lịm và thơm phức nhưng không quá nồng mùi.
Giọng Như Quỳnh thuộc kim pha mộc. Trong đó, tính kim nổi trội hơn khi cô còn trẻ (giai đoạn còn ở Việt Nam và thi Tiếng hát Truyền hình), khiến nhiều người nghĩ cô là nữ cao. Tuy nhiên, cô lại là một nữ trung đích thực.
Đặc biệt, khi hát live, Như Quỳnh để lộ chất giọng thiên về nữ trung hơn nữ cao (kể cả giai đoạn đầu sự nghiệp). Các note trung (G4 – C5) dày đanh hơn studio, ít tính mộc hơn.
Như Quỳnh xuống trầm khá ổn và mang nét tự nhiên của nữ trung cao. Trong điều kiện tốt về sức khỏe, Như Quỳnh có thể nhả chữ ở F3, F#3.
Nhờ sự nữ tính riêng có mà quãng trầm của Như Quỳnh khá đẹp, đầy đặn mà không quá nặng như nhiều nữ trung có cùng type giọng với mình. Cô điều khiển giọng hát trên quãng trầm thuần thục, trôi chảy mà không bị ngắt quãng, đứt đoạn.
Thế nhưng, Như Quỳnh lại lên cao rất sáng, uyển chuyển, hệt như một light lirico soprano (nữ cao sáng mảnh). Các note từ F4 trở nên của cô được thả trên light mixed và falsetto rất thoải mái, linh hoạt và nhẹ nhàng.
Đây là điều ít thấy ở một nữ trung (thường phát triển quãng cận cao theo hướng full lirico soprano). Vì thế, đa số mọi người vẫn nhầm cô là một nữ cao.
Tính mộc ít nổi trội hơn tính kim và thường được Như Quỳnh thể hiện ở soft voice, khiến giọng hát của cô có độ xốp và mịn, tạo nên những quãng âm mềm mại, bay lơ lửng nhưng lại nhẹ như khói thoảng.
Có thể nói, tiếng hát này sang trọng, quý phái như một tiểu thư, nhưng cũng chất chứa nét bình dân của những cô thôn nữ.
Nếu chỉ xét riêng về âm sắc, Như Quỳnh không hề thua kém những danh ca đi trước và thế kệ đàn em đi sau mình. Riêng trong mảng Bolero, Như Quỳnh cũng được xem là giọng hát ít thấy, độc đáo và có vị trí riêng.
Tuy giọng hát mang tính kim nhưng khi lên những note trung cao (G4 – D5), Như Quỳnh thường dùng light mixed voice gọn gàng (đôi lúc có cả twang nhẹ). Chính điều này tạo nên sự sắc nét nhưng nghe vẫn nhẹ nhàng, không bị gắt và chua.
Tuy khả năng hát live không ổn định và theo đuổi lối hát điệu đà, nữ tính, nhưng giọng Như Quỳnh không phải quá yếu. Trong điều kiện sức khỏe tốt, cô đẩy dược giọng ngực (chest voice) lên với cường độ mạnh hơn, thể tích âm thanh lớn hơn và tần số rung cũng cao hơn, tạo ra những note cao belting vô cùng ấn tượng.
Chẳng hạn, trong một lần trình diễn ca khúc Người tình mùa đông, Như Quỳnh vẫn có thể hát âm đóng trên G4, G#4, A4 hoàn toàn thuần chest, khá nổ và mạnh, kèm theo vibrato.
Thậm chí, ở gần cuối, Như Quỳnh còn bật lên xoang khá mạnh, tới mức gần như gằn giọng được.
Hay, ở đoạn kết ca khúc, Như Quỳnh bỗng nhiên bật giọng, belt trên B4, A4 với lực đẩy mạnh và độ mở vòm rộng, kèm theo cả vibrato, giúp tạo nên luồng âm thanh dày, chắc chắn. Rõ ràng, cô có lợi thế của một nữ trung khi hát quãng trung, chứ không phải nữ cao mảnh yếu.
Thế nhưng, trong suốt sự nghiệp của mình, Như Quỳnh lại hầu như không sử dụng những đoạn belt giọng với lực mạnh như vậy. Thay vào đó, cô thường dùng light mixed hoặc falsetto để mài cho giọng hát mảnh và mềm, nhẹ hơn.
Falsetto của Như Quỳnh khá ngọt và êm, lại sử dụng xen kẽ với light mixed nên tạo sắc thái mềm mại, không lộ sự chuyển giọng. Các sắc thái trong hai kiểu giọng cũng khá tương đồng.
Trong đa số các ca khúc Như Quỳnh thể hiện, cô đều lên tới Bb4, B4, C5 một cách dễ dàng. Điều này chứng tỏ khả năng mixed voice và chuyển giọng passagio của cô rất tốt. Nhưng vì Như Quỳnh hát nhẹ, mềm và chuyển quá tinh tế nên không ai nghĩ cô đang hát cao như vậy.
Mục đích của việc chuyển giọng nhẹ như vậy để Như Quỳnh phát huy tối ưu chất nữ tính trong tiếng hát của mình. Cô luôn cố gắng làm sao để hát nhỏ nhưng phải đẹp, lên cao mà âm lượng vẫn không đổi.
Đây là cách hát được Như Quỳnh định hướng cho mình ngay từ đầu sự nghiệp, nên dù hát dòng nhạc gì cũng không thay đổi và tạo nên phong cách của riêng cô. Nhiều người thường chê Như Quỳnh hát điệu, nhưng không thể phủ nhận đó là một nét riêng khó lẫn với bất cứ ca sĩ nào.
Để làm được điều này, Như Quỳnh phải có khả năng kiểm soát âm lượng và điều khiển hơi thở thật tốt. Nhờ cột hơi vững nên Như Quỳnh hát legato rất tốt, thể hiện được nhiều phrase trong một làn hơi và gần như không chênh phô.
Như Quỳnh luyến láy rất nhiều. Cô luyến láy mọi lúc mọi nơi và gần như trong câu hát nào cũng có luyến láy. Thậm chí, có những bài hát, Như Quỳnh cứ cách một từ lại luyến một lần. Đôi khi, cô còn thêm cả melisma hay vocal runs vào luyến láy.
Thế nhưng, Như Quỳnh lại không hề khiến người nghe bị bội thực hay cảm thấy mệt mỏi, mà vẫn giữ được sự tinh tế, dịu nhẹ của mình.
Đơn giản vì Như Quỳnh thường luyến rất khẽ, nhẹ và ngọt, với âm lượng nhỏ mà cao độ không đổi. Đôi khi cô luyến trên cả airy voice (âm hơi). Đặc biệt, Như Quỳnh luyến rất liền mạch, tròn trịa legato và biết điểm dừng, không quá đà, thừa thãi.
Để làm được điều này, Như Quỳnh phải điều khiển Dynamic âm lượng to nhỏ rất tốt, control sao không bị to vọt khi hát cao để đảm bảo tính trữ tình (trong khi đó 99% ca sĩ hát không thiên trữ tình sẽ bị chênh lệch to nhỏ quá nhiều).
Không những vậy, Như Quỳnh còn biết "giải thoát" không gian bằng cách chêm xen vibrato đuôi vào sau mỗi đoạn luyến, giúp nó thoảng và bay xa hơn, không bị tù túng, ngột ngạt.
Vibrato được Như Quỳnh sử dụng rất nhiều. Cô rung ở mọi âm tiết, chỗ nào cũng rung, nhưng vẫn tinh tế và hấp dẫn.
Điều độc đáo là vibrato của Như Quỳnh không đẩy lên từ cơ hoành mà chủ yếu đi từ rung thanh quản và cơ hàm. Về mặt thanh nhạc, nó không chuẩn xác, nhưng lại thích hợp với dòng nhạc trữ tình cô theo đuổi vì cho ra âm thanh nhẹ, hững hờ, chênh vênh hơn.
Như Quỳnh rung rất khẽ và nhẹ, tới mức nếu không nghe kĩ sẽ không biết là cô đang rung. Cô có nhiều cách rung khác nhau như rung ở airy voice, rung trên bạch thanh, rung khi chuyển lên nasal voice…
Các sắc thái rung của cô có thể chạy từ nhanh tới chậm, lúc rung nhanh, lúc rung chậm, tùy theo cảm xúc. Tất cả đều phối hợp nhịp nhàng để tạo nên sự ngọt ngào, xúc cảm cho câu hát, chứ không phải lạm dụng, rung vô tội vạ.
Chẳng hạn, rung trên bạch thanh giúp Như Quỳnh diễn đạt cảm xúc thẫn thờ, u buồn, ướt lệ. Trong khi đó, rung khi chuyển lên xoang mũi giúp cô làm câu hát trở nên êm ả, ngọt ngào hơn…
Như Quỳnh còn biết cách rung đuôi. Tức là cô có thể ngân dài một trường hơi hoặc thả một làn hơi không rung, rồi mới rung ở đuôi câu hát, tạo nên sự khoáng đạt, thư thái.
Nhờ cách điều khiển hơi độc đáo của mình, Như Quỳnh sử dụng vocal break rất tốt. Khi cô hát, nhiều chữ bị ngắt ra tưởng chừng như sắp đứt hơi, nhưng kì thực lại kéo dài vô tận và vẫn luyến láy lên xuống đầy mùi mẫn.
Cách hát này giúp cô biểu đạt sắc thái, cảm xúc bài hát một cách trọn vẹn, khi thì thững thờ, khi lại ngơ ngác…
Kĩ năng chuyển giọng của Như Quỳnh thuộc hàng thượng thừa trong nền Bolero Việt Nam. Trong một câu hát, cô có thể chuyển giọng liên tục từ chest voice sang light mixed, falsetto, nasal voice, từ trầm lên cao rồi từ cao xuống trầm mà vẫn liền mạch, trôi chảy như một dòng suối.
Như đã nói, nhờ kĩ năng chuyển nửa giọng tốt mà Như Quỳnh có thể nhảy thoải mái lên tận B4, C5 mà vẫn rất nhẹ nhàng, sâu kín.
Theo Long Phạm (Phạm Luật và Bạn Đọc)