Người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung đều ít nhiều từng nghe tới danh xưng "bác Ba Phi". Ông xuất hiện trong nhiều câu chuyện, tài liệu liên quan đến văn hóa của người Nam Bộ.
Trong đó, bác Ba Phi được phác họa là người đàn ông trung niên sống ở vùng sông nước Cà Mau. Ông có biệt tài kể chuyện tiếu lâm và "nói dóc". Ngoài ra, bác Ba Phi còn được hình dung là người nhân hậu, hào sảng nên được nhiều thế hệ người Nam Bộ yêu mến.
Trên thực tế, hình tượng nhân vật bác Ba Phi trong những câu chuyện, tài liệu văn hóa dân gian được xây dựng trên nguyên mẫu đời thực của ông Nguyễn Long Phi.
Cha mẹ ông Phi ở Đồng Tháp Mười, bỏ xứ xuống vùng cực Nam Tổ quốc mưu sinh vào những năm 1880. Năm 1884, Nguyễn Long Phi sinh ra tại Rạch Mũi của huyện Cái Nước (Cà Mau).
Mồ côi cha năm 15 tuổi, ông gánh vác mọi chuyện trong gia đình vì là con cả trong gia đình 5 anh em. Khi ấy gia đình cơ cực, ngày đi khẩn hoang tìm miếng cơm manh áo nhưng đêm đến ông tham gia đờn ca vui vẻ với hàng xóm, được mọi người quý mến bởi tính tình vui vẻ, khẳng khái và hay kể chuyện làm lôi cuốn người nghe.
Thấy Phi khỏe mạnh, thật thà nên Hương quản Tế giàu nhất vùng nhận vào làm công rồi gả ái nữ Trần Thị Lữ kém ông 6 tuổi. Tá điền gọi bà là Ba Lữ nên từ đó về sau mọi người gọi Phi bằng Ba Phi theo thứ của vợ.
Sống với vợ cả không có con, đêm đêm Ba Phi kéo đờn não ruột. Sợ ông buồn, bà Lữ bàn cách cưới vợ cho chồng. Lúc đầu Ba Phi không đồng ý nhưng vợ nhiều lần nài nỉ nên ông đồng ý sống với cô gái Khmer. Ở được vài năm, Cà Cham sinh cho Ba Phi 3 người con gái rồi bệnh mất ở tuổi 24.
Bác Ba Phi qua đời vào ngày 06/12/1964. Ngôi mộ của ông hiện nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham tại Cà Mau.
Bác Ba mất đi nhưng đã để lại một kho tàng truyện tếu lâm cho thế hệ sau. Đến nay, rất nhiều câu chuyện mang "thương hiệu" bác Ba Phi còn được truyền lại trong dân gian như: Nếp dẻo, Cọp xay lúa, Câu ếch, Trèo cây ớt té gãy chân...
Tại hội thảo quốc tế về chuyện cười dân gian Ba Phi được Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức 10 năm trước, các nhà nghiên cứu đều cho rằng giá trị nghệ thuật của truyện cười Ba Phi mang đậm phong vị của làng quê Nam Bộ. Tiếng cười sảng khoái vui tươi, gắn chặt với đồng ruộng, chim thú, cây rừng; không châm chọc, đả kích các tầng lớp thống trị, nhưng giá trị nghệ thuật cao.
Hình tượng nhân vật bác Ba Phi từng xuất hiện trong không ít tác phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể đến tiểu thuyết Bác Ba Phi của nhà văn Anh Động và đặc biệt là hình ảnh người đàn ông trung niên phóng khoáng, chất phác nhưng có khả năng trò chuyện đầy duyên dáng Ba Phi trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi.
Sau này, tiểu thuyết được dựng thành phim truyền hình có tên Đất phương Nam. Trong phim, tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng hình ảnh bác Ba Phi do nghệ sĩ Mạc Can thể hiện đã in sâu trong ký ức của khán giả, trở thành nhân vật được nhiều người yêu mến, không hề thua kém nhân vật chính.
Mới đây, Trấn Thành gây tranh cãi khi được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lựa chọn vào vai bác Ba Phi trong bộ phim Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh. Nhiều khán giả cho rằng hình tượng của nam diễn viên không phù hợp, đặc biệt là về độ tuổi.
Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh hiện đang công chiếu tại các cụm rạm trên toàn quốc.
TH (SHTT)