Hoa hậu H'hen Niê dừng chân tại Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018 khiến nhiều khán giả vừa mừng vừa tiếc nuối. Mừng vì lần đầu tiên có một đại diện Việt Nam lọt top 5 cuộc thi nhan sắc danh giá này, tiếc vì H'hen Niê không thể đi sâu hơn. Vì sự tiếc nuối này, nhiều người cho rằng lỗi một phần nằm ở phiên dịch viên của đại diện Việt Nam.
Trong phần câu hỏi ứng xử của top 5, H'hen Niê đã phải nhờ tới phiên dịch viên. Trước câu hỏi: "Thế giới nói nhiều về phong trào #Metoo, bạn có nghĩ phong trào #Metoo có đang nói quá hay không?".
H'Hen Niê nói: "Bản thân tôi nghĩ phong trào Metoo không phải là điều gì nói quá bởi bảo vệ sức khoẻ con người trước nạn lạm dụng tình dục, bảo vệ sức khoẻ người phụ nữ là một quyền rất lớn. Con người chúng ta cần được bảo vệ, trong cuộc sống thì chúng ta cần được tự do và được bảo vệ. Cảm ơn!".
Tuy nhiên, khi dịch câu trả lời của H'hen Niê sang tiếng Anh, người thông dịch viên đã tóm tắt các ý của người đẹp Việt Nam chứ không dịch trọn vẹn từng câu nói của H'hen Niê. Điều này đã khiến cộng đồng mạng bức xúc và cho rằng, đó là nguyên do khiến H'Hen Niê trượt top 3 Miss Universe 2018. Nhiều ý kiến đùa vui, nhan sắc Việt "có thù" với các phiên dịch viên.
Trước H'hen Niê, đã có những đại diện Việt Nam tại các đấu trường nhan sắc đã "có thù" với phiên dịch viên. Tiểu biểu, trong cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2016, hoa khôi Nam Em nhận được câu hỏi về chủ đề "Empowered to make a change" (tạm dịch: "Được trao quyền để tạo ra một sự thay đổi"). Tuy nhiên, thông dịch viên của Nam Em lại tỏ ra lúng túng. May mắn, Nam Em đã hiểu câu hỏi và bình tĩnh trả lời: "Khả năng tạo ra sự thay đổi là luôn nỗ lực hết mình, tin vào những gì mình đã làm và đã đạt được. Xin cảm ơn!".
Thế nhưng, phiên dịch viên do BTC sắp xếp lại dịch không sát nghĩa. Anh này dịch: "It's my belief to do, to live the fullest, live up to the dreams that I always carry with myself, and the belief that I can do everything with my capability and desire to achieve the target. And that will make me... that will allow me to achieve the dream myself".
(Tạm dịch: Tôi tin rằng mình nên sống trọn vẹn cuộc sống này với những giấc mơ luôn ấp ủ. Và có niềm tin rằng mình có thể làm mọi thứ bằng khả năng và đạt được khát vọng. Và điều đó sẽ cho phép tôi đạt được ước mơ).
Hay trong cuộc thi "Nam vương Quốc tế 2017", đại diện Việt Nam là Tiến Đạt nhận được câu hỏi: "What do you think is the next big thing in your country in next decade?" (Tạm dịch: Theo bạn, đâu là vấn đề lớn nhất của đất nước bạn trong thập kỷ tiếp theo?).
Thế nhưng, người phiên dịch đã dịch thành một câu "lạc đề": "Bạn nghĩ ý kiến gì là điều mà bạn suy nghĩ lớn nhất đối với năm tiếp theo đối với đất nước của bạn?". Kết quả, câu trả lời của Tiến Đạt cũng lạc ý: "Việt Nam đang vươn lên toàn cầu nhưng vấn đề này của Việt Nam cũng đang rất yếu nên em nghĩ trong năm tiếp theo cần phải mở nhập hội toàn cầu".
Có thể nói, khả năng tiếng Anh vẫn luôn là một trong những cản trở của các của những đại diện Việt Nam trên các đấu trường nhan sắc quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia sắc đẹp thường khẳng định, một trong những yếu tố khiến các nhan sắc Việt không thể tiến xa trên các cuộc thi nhan sắc chính là vì tiếng Anh. Dù có thể được sử dụng phiên dịch viên, nhưng khả năng của phiên dịch viên đó như thế nào thì không ai có thể nói trước.
Theo Hồ An (Báo Giao Thông)