Thăng hoa
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (2020 - 2021), thị trường âm nhạc Việt Nam ví như cánh cung đã giương hết cỡ, dẫn đến cú nở bung toàn lực vào năm 2022.
Sự bùng nổ thể hiện quá số lượng lẫn chất lượng sự kiện, hoạt động trong thị trường: festival, live concert, album, E.P, đĩa đơn,... hầu như không khung thời gian nào trong năm thiếu vắng hoạt động âm nhạc.
Hai hình thức nổi cộm nhất năm 2022 là live concert và E.P. Trước hết, về E.P - đĩa mở rộng, những tựa sản phẩm nổi bật có thể kể đến: Sky decade (Sơn Tùng M-TP); GenZ và Trịnh (Universal Music Vietnam); Yêu rồi yêu rồi yêu (Tóc Tiên); Chiều hôm ấy anh thấy màu đỏ (Wren Evans)...
Loại hình E.P bùng nổ phản ánh nhu cầu đa dạng của nghệ sĩ. Thảo Trang, Trung Quân,... ra E.P tận dụng sức nóng hậu Ca sĩ mặt nạ; Kim Kunni, Lena, Grey D,... dùng E.P để giới thiệu bản thân; Tóc Tiên ra E.P thể nghiệm âm nhạc mới; hoặc Sơn Tùng chọn E.P như một loại hình vừa vặn trong chuỗi hoạt động lớn.
2022 cũng ghi dấu vô số live concert thành công: Tri âm - Mỹ Tâm; Kosmik - Spacespeakers; Những vết thương lành - Hà Anh Tuấn; Yên - Hoàng Dũng; Triệu lời tri ân - Jimmii Nguyễn; Mùa thu của Phương - Thu Phương; Love songs - Hồ Ngọc Hà, Liveconcert 20 năm ca hát - Tùng Dương, Hà Nội riêng tôi - Vũ Thắng Lợi.
Các nghệ sĩ tổ chức live concert với những mục đích khác nhau. Họ đánh dấu mốc hoạt động nghệ thuật, thông báo sự trở lại, thực hiện lời hứa với khán giả hoặc đơn giản là kế hoạch từ những năm trước khó thể tiếp tục trì hoãn. Ở góc độ nào đó, các đêm nhạc "cháy" vé phản ánh nhu cầu thụ hưởng của khán giả. Xa hơn, điều này cho thấy sự phân hóa của thị trường.
Bên cạnh đó, năm 2022, khán giả đón những trào lưu âm nhạc mới, bản hit mới. Đầu tiên, có thể kể đến sự trở lại của Disco. Những bài hát mang màu sắc Disco của Soobin, Jack,... được đón nhận; việc hát cover với bản phối Disco hoặc remix Disco cũng trở thành xu hướng.
Những dòng nhạc khác không nhiều biến động: Ballad vẫn được ưa chuộng dù không còn chiếm thế độc tôn như xưa; Rap hạ nhiệt vẫn giữ thị phần không nhỏ; Rock manh nha trở lại nhưng không thành; R&B, Dance,... duy trì. Nhìn chung, thị trường Việt vẫn kém đa dạng, chưa có thị phần ổn định cho một số dòng như Jazz, Soul,...
Song hành với live concert, lễ hội âm nhạc (festival) cũng trở lại đầy ấn tượng. Các lễ hội lớn như Bloom: Outsider, Secret weekend 5, HAY festival, Creamfields Vietnam, BridgeFest, Hozo festival,... là những không gian âm nhạc thực sự cần thiết cho cộng đồng sau 2 năm dồn nén vì dịch bệnh.
Làn sóng gen Z
Năm 2022, các hiện tượng âm nhạc như MONO, Tăng Duy Tân,... phủ sóng, lấn át cả những tên tuổi lớn. Sản phẩm của họ dễ dàng tạo lập các kỷ lục thành tích số trong thời gian ngắn.
MONO, AMEE, Mỹ Anh, Wren Evans, Hoàng Duyên, VP Bá Vương, Juky San, tlinh, An Trần,... là những nghệ sĩ gen Z nổi bật của thị trường âm nhạc Việt Nam đương đại.
Nghệ sĩ gen Z đặc trưng bởi sự đa tài; thương hiệu cá nhân có tính phân biệt cao; sáng tác ít hoa mỹ, đậm hơi thở đời thường và âm nhạc phá vỡ hầu hết khuôn khổ, công thức, mô-típ vốn có.
Nơi đây ví như một khu vực không dung túng cho hàng loạt khuôn mẫu giọng nam cao/nữ cao có màu sắc tương đồng, hàng trăm bài Ballad cùng vòng hòa thanh có giai điệu na ná nhau, những bản EDM lạm dụng drop hoặc rap cũ kỹ, nhàm chán.
Âm nhạc của gen Z hoàn toàn tách biệt khỏi gen X, Y. Chúng trúc trắc, phong phú và khó đoán. Wren Evans ví dụ, khi gen X, Y đã có R&B, anh sẽ đào sâu, khai thác các nhánh nhỏ hơn như Soul R&B, Trap R&B,... Tương tự, các sản phẩm của Mỹ Anh pha trộn Jazz, Funk, Hip-hop đến Pop, R&B - cho thấy tính chống phân biệt rạch ròi thể loại âm nhạc cao độ.
Các đặc trưng của âm nhạc gen Z gắn liền các yếu tố thời đại như: công nghệ; mạng xã hội; sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa... Từ đó, thứ âm nhạc này phát triển theo 2 xu hướng khá đặc biệt: quốc tế hóa (tiệm cận âm nhạc Âu - Mỹ thay cho màu sắc nhạc Trung, Hàn như gen trước) và hướng nội (đào sâu, khai thác, chữa lành và nuôi dưỡng tâm hồn, cảm xúc của con người).
Sự phát triển đồng thời của nghệ sĩ gen Z và khán giả gen Z tạo luồng gió mới cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Thị trường càng phân hóa, diện mạo càng đa sắc. Nghệ sĩ gen Z góp mặt vào các hoạt động trong thị trường ngày càng nhiều, tương tác giữa gen Z và gen X, Y trong nước cũng rất thú vị.
Đáng lưu ý không kém, thế hệ Z giữa các quốc gia dễ kết nối và có xu hướng kết nối tích cực hơn trước. Khi công nghệ là nền tảng chủ đạo, khoảng cách địa lý và sự phân tầng truyền thống bị xóa nhòa, thay bằng một thế giới phẳng - nơi các nghệ sĩ thế hệ mới có quyền chủ động tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu. Đây cũng là cơ hội để nhạc Việt vươn mình ra quốc tế.
Bản quyền, đạo đức - chọn thay đổi hay đào thải?
Nhìn thẳng vào thực tiễn, nền âm nhạc Việt Nam vẫn chưa vận hành như một thị trường đúng nghĩa. Dù vậy, thị trường đang đi đúng hướng, thể hiện qua sự song hành giữa 2 yếu tố phát triển và điều chỉnh.
Nếu thị trường là sân chơi, đồng nghĩa phải có luật chơi. Sân chơi càng chuyên nghiệp, luật chơi càng chặt chẽ, quy củ. Trong đó, bản quyền là yếu tố tiên quyết cho một nền âm nhạc chuyên nghiệp, xa hơn là một ngành công nghiệp âm nhạc.
Năm 2022, các bên chủ động đưa ra động thái pháp lý cứng rắn nhằm bảo vệ bản quyền như ACV Entertainment cảnh báo vi phạm bản quyền đối với ca khúc Ai chung tình được mãi, Từng yêu; Big Arts Entertainment cảnh báo vi phạm bản quyền đối với ca khúc Bên trên tầng lầu; HT Productions cảnh báo vi phạm bản quyền đối với 157 bài hit của Đan Trường;...
Sự chủ động bảo vệ bản quyền đã ngăn ngừa tình trạng "một bài thành hit, cả làng cover" diễn ra đều đặn những năm trước. Khi không còn vùng cấm, nghệ sĩ gạo cội hay sao hạng A cũng e ngại, kiêng dè việc vướng vào lùm xùm bản quyền; người trẻ không phải chịu cảnh "ngậm đắng nuốt cay" bị nghệ sĩ lớn cướp hit như trước đây.
Nghệ sĩ dần hình thành ý thức xin phép sử dụng ca khúc, trả phí cho mục đích thu âm, biểu diễn. Dù vậy, thực tiễn cho thấy, khi nhạc trong nước không còn là "niêu cơm Thạch Sanh", một số ca sĩ có xu hướng dùng "chùa" nhạc ngoại để thu âm, biểu diễn.
Điều đáng tiếc, một số tác phẩm phái sinh (như nhạc ngoại lời Việt) chưa xin phép vẫn thành hit, một số ca sĩ "hồn nhiên" hát nhạc ngoại không trả phí vẫn được khán giả đón nhận.
Thực trạng vi phạm xuất phát từ nguyên nhân phổ biến là các tổ chức, cá nhân chưa thật sự hiểu rõ quy định của pháp luật cũng như chưa có ý thức tôn trọng quyền tác giả. Mặt khác, chính chủ thể và chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa thực sự ý thức tốt trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó, năm nay, các hoạt động quản lý của nhà chức trách sát sao phản ứng công luận hơn. Một số sản phẩm phản cảm của Chi Pu, Bình Gold,... bị xóa sổ trước sức ép của khán giả. MV There's no one at all của Sơn Tùng M-TP bị buộc gỡ bỏ, tiêu hủy, nộp lại doanh thu và phạt 70 triệu đồng.
Trong một thị trường đang trên đà phát triển với nhiều thay đổi mạnh mẽ, cơ hội đến với các nghệ sĩ nhiều hơn. Nhưng đồng thời, họ phải chịu nhiều áp lực cũng như bắt buộc chọn lựa: hoặc thay đổi, hoặc bị đào thải.
Theo Gia Bảo (VietNamNet)