Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng: "Bố già nhạc trẻ" Phạm Duy

19/04/2017 07:23:00

Năm 1971, sau khi phim Love Story (Chuyện tình) làm mưa làm gió tại rạp Rex ở Sài Gòn thì giai điệu bài nhạc Love Story của Francis Lai cũng trở nên “mốt”.

Năm 1971, sau khi phim Love Story (Chuyện tình) làm mưa làm gió tại rạp Rex ở Sài Gòn thì giai điệu bài nhạc Love Story của Francis Lai cũng trở nên “mốt”.

Bìa tờ nhạc Đồng xanh, lời Việt của Lê Hựu Hà /// Ảnh: L.V.N
 

Lúc ấy, chỉ một số dân nghe nhạc biết ngoại ngữ mới dám ngâm nga lấy le bài Love Story: “Where do I begin to tell the story of how great a love can be...”. Nhưng một thời gian ngắn sau, lời tỏ tình bằng Anh ngữ có vẻ không hiệu nghiệm bằng tiếng Việt khi chàng cất lên: “Biết dùng lời rất khó. Để mà nói rõ. Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá...”. Lời tiếng mẹ đẻ thì dễ dàng đi vào trái tim các nàng hơn.

Người đặt lời nhạc Việt, theo sát ý của bài hát Love Story ấy, chính là nhạc sĩ Phạm Duy. Từ cuối thập niên 1960 qua đầu những năm 1970, ngoài việc sáng tác, nhạc sĩ Phạm Duy là người đặt lời Việt cho rất nhiều bài nhạc nước ngoài. Ông đặt lời Việt cho nhạc Pháp, nhạc Mỹ đang nóng sốt trên các bảng xếp hạng âm nhạc nước ngoài. Với tay nghề điêu luyện của một nhạc sĩ, tâm hồn đầy chất thơ ca nên lời nhạc Việt do ông phổ vừa rất hợp với giai điệu bài hát vừa rất thâm trầm sâu sắc. Đơn cử Cứ yên vui (Let It Be), Trong nắng trong gió (Dans Le Soleil Et Dans Le Vent), Tay trong tay (Main Dans La Main), Hai khía cạnh cuộc đời (Both Sides Now), Em đẹp nhất đêm nay (La Plus Belle Pour Aller Danser)...

Xuất hiện một đội ngũ nhạc sĩ mới đặt lời Việt

Các nhạc sĩ trẻ xuất thân từ dòng nhạc trẻ cũng đã xuất hiện trong những nhạc phẩm nước ngoài lời Việt. Một Lê Hựu Hà với Đồng xanh (Green Fields của Brothers Four) là bài hát được ưa thích nhất của anh cùng những bài khác như Hát lên đi (Sing), Nỗi đau dịu dàng (Killing Me Softly with His Song), Đêm trắng (Nights in White Satin)... Nam Lộc với Mây lang thang (A Cowboy’s Work Is Never Done), Chỉ là giấc mơ qua (Yellow Bird)... Trường Kỳ với Biệt ly (Which Way You Goin’ Billy), Mùa tình yêu (Le Temps De L’amour), Cám ơn người yêu dấu (Merci Cherie)... Sau này, Trường Kỳ còn in riêng một tuyển tập Tình ca nhạc trẻ với 13 nhạc phẩm. Vũ Xuân Hùng là Búp bê không tình yêu (Poupee De Cire, Poupee De Son), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza)... Ngoài những tác giả trên còn có Nguyễn Duy Biên, Doanh Doanh, Tuấn Dũng, Trung Thành, Thu Vân...

Trong khi một số nhạc sĩ trẻ viết lại lời cho những ca khúc nước ngoài vừa xuất hiện thì Tiến Bách lại viết lời Việt cho một dòng nhạc riêng, khó “nhằn” hơn nhiều vì thuộc loại kinh điển. Đó là đặt lời Việt cho những “tổ sư” nhạc cổ điển. Trong tuyển tập 4 Những tình khúc muôn đời của nhân loại mà tôi đang có trong tay thì thấy Tiến Bách thực hiện rất chuyên nghiệp. Không chỉ viết lời Việt, ông còn giới thiệu tiểu sử tác giả và lời nhạc gốc cũng như lời nhạc tiếng Anh. Mối tình bất diệt (I Love Thee - Ich Liebe Dich) của Ludwig van Beethoven, Tình khúc (Love Song - Minnelide) của J.Brahms và nhiều tác phẩm của Liszt, Tchaikovsky, Ciro Pinsuti...

Thời ấy, do chưa có công ước về bản quyền nên một bản nhạc nước ngoài đứng đầu các top hit hay bảng xếp hạng Billboard thường được các tác giả đặt lời Việt ngay. Việc đặt lời, dù sao cũng dễ hơn viết một ca khúc mới mà sự ăn khách của ca khúc mới thì chưa có câu trả lời chính xác. Đặt lời cho ca khúc nước ngoài đa số theo khuynh hướng là thoát ly khỏi lời nhạc của bài hát gốc. Thí dụ như bài The End of the World, tác giả Thu Vân đặt tựa là Chiều mưa thương nhớ và câu “Trong cơn mưa chiều thương nhớ một người. Cô em ngoan hiền như đóa hoa” thay thế lời nhạc gốc là: “Why does the sun go on shining? Why does the sea rush to shore?”, nếu dịch sát nghĩa là “Vì sao mặt trời lại chiếu sáng? Vì sao biển tràn vào bờ?”. Đặt lời kiểu này không cần phải theo ý chính mà chỉ làm sao phù hợp với các nốt nhạc, làm sao hát được mà không bị chỏi. Hay Nam Lộc từ Yellow Bird với câu hát đầu: “Yellow bird, up high in banana tree” (tạm dịch: Chim vàng anh, đậu trên ngọn cây chuối), ông đã chuyển thành: “Như làn mây, tình yêu thôi giờ đây lững lờ”. Hát nghe cũng êm tai nên dễ được chấp nhận. Chứ không như nhạc sĩ Phạm Duy khi đặt lời cho nhạc nước ngoài thường theo ý của lời gốc. Cụ thể như bài Love Story với điệp khúc: “She fills my heart. With very special things. With angel songs, with wild imaginings”, ông đã đặt lại là: “Lòng ta đầy kín! Là muôn ngàn chuyện yêu đương. Câu hát thần tiên và những mộng huyền mênh mang...” vừa sát âm điệu, vừa gần với nội dung bài gốc. Quả là một sự khó nhọc khi hiểu và tìm lời. Đâu phải nhạc sĩ nào cũng làm được, chỉ có Phạm Duy “bố già nhạc trẻ” thôi.

Nội dung lời Việt của những bản nhạc nước ngoài đều nói về tình yêu nam nữ, tình yêu giữa người với người và người với thiên nhiên với ca từ rất nên thơ. Dù sao cũng không thể chối bỏ dòng nhạc nước ngoài lời Việt trong lịch sử âm nhạc VN khi nó đã tồn tại một thời gian rất dài, chí ít từ những năm 1950.

Theo Lê Văn Nghĩa (Thanh Niên Online)

Nổi bật