Nhạc của Việt kiều phải xin phép phổ biến

17/04/2017 23:07:00

Không chỉ xét duyệt nội dung tác phẩm, quy định thủ tục cấp phép còn đòi phải có giấy xác nhận nhân thân tác giả của cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại.

Không chỉ xét duyệt nội dung tác phẩm, quy định thủ tục cấp phép còn đòi phải có giấy xác nhận nhân thân tác giả của cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại.

Đủ kiểu hành...

Các tác giả trẻ người Việt có quốc tịch nước ngoài đều sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, một số được đào tạo bài bản về âm nhạc như Dương Khắc Linh, Thanh Bùi, Trần Lê Quỳnh, Huỳnh Nhật Tân, Tina Tình, Jimmi Nguyễn… nên sự tham gia của họ vào hoạt động văn hóa nghệ thuật của quê hương đã góp phần làm cho đời sống âm nhạc Việt Nam chẳng những phong phú mà còn có thêm nhiều tác phẩm có giá trị. Sáng tác của các nhạc sĩ này thuần túy chỉ ca ngợi tình yêu, phản ánh cuộc sống, ca ngợi quê hương đất nước, con người Việt Nam rất tốt như “Tôi là người Việt Nam”, “Ngọc ngà Việt Nam” của nhạc sĩ Dương Khắc Linh. Hay như các ca khúc “Màu sắc Việt Nam” của nhạc sĩ Thanh Bùi …

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh từng chia sẻ: “Khi cấp phép những ca khúc của tôi, Cục NTBD phải xem xét nhiều mặt, không chỉ là nội dung bài hát mà còn cả nhân thân. Vì thế, thủ tục cấp phép rất phức tạp so với nhạc sĩ trong nước”.

Ca khúc “Ngọc ngà Việt Nam” của Dương Khắc Linh được ca sĩ Thu Minh trình diễn trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Ca khúc “Ngọc ngà Việt Nam” của Dương Khắc Linh được ca sĩ Thu Minh trình diễn trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Ông Huỳnh Tiết, nguyên Giám đốc Bến Thành Audio-Video, cho biết để xin phổ biến mấy ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương, ông phải đích thân bay sang Mỹ để lấy cho được chữ ký của tác giả và xin xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.

Như vậy, các tác giả Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn xin phép phổ biến tác phẩm ở Việt Nam trước hết phải liên hệ với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại để xin bản nhận xét, rồi phải kèm các bản sao hộ chiếu, chứng minh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp… nộp lên Cục NTBD. Vậy nên đã có một số trường hợp các đơn vị xin phát hành băng đĩa, muốn cho nhanh đã phải mượn chiêu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nhờ người nhà đang sinh sống ở Việt Nam đứng tên tác giả giùm, như trường hợp: Huỳnh Nhật Khoa - Huỳnh Nhật Tân (trong các ca khúc: “Mất nhau từ đây”, “Tình yêu đã qua”, “Yêu làm chi”…); Dương Thái Tam - Dương Khắc Linh (“Throw away”, “Bỏ lại sau hết”, “Oh! Baby love me”…).

Mới đây, album của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh cũng bị cơ quan quản lý trả về để xin phép phổ biến các tác phẩm từ Cục NTBD.

Phân biệt đối xử

Nếu là tác giả trong nước, chỉ cần có bản nhạc giấy trong hồ sơ xin cấp phép công diễn chương trình là xong nhưng nếu tác giả là Việt kiều thì cơ quan cấp phép công diễn đòi hỏi phải có quyết định cho phép phổ biến tác phẩm tại Việt Nam của Cục NTBD.

Quy định này không những gây phiền hà cho các tác giả, nhà sản xuất mà còn gây rắc rối cho cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp địa phương. Rất nhiều nhạc sĩ thuộc đối tượng này đang tham gia hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam nhiều năm qua nên nhiều đài phát thanh, truyền hình không biết họ là đối tượng bị điều chỉnh bởi Nghị định 79/2012/NĐ-CP, các ca khúc của họ vẫn thường được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, sóng truyền hình.

Một nhà tổ chức biểu diễn nói: “Tôi không hiểu tại sao việc cấp phép phổ biến tác phẩm cho các nhạc sĩ Việt kiều lại hạn chế như vậy. Có những bài hát đã phổ biến trên các trang mạng âm nhạc hợp pháp, trên các chương trình ca nhạc truyền hình nhưng khi làm hồ sơ xin giấy phép công diễn chương trình trên sân khấu thì bị cơ quan cấp phép loại ra khỏi chương trình công diễn vì bài hát đó chưa có trong danh mục được Cục NTBD cấp phép phổ biến”.

Khốn khổ cho các đơn vị tổ chức biểu diễn vì thấy ca khúc được trình diễn trên các đài truyền hình cứ nghĩ nó đã được phép phổ biến nên đưa vào chương trình đầu tư dàn dựng. Đến khi làm hồ sơ xin giấy phép công diễn mới biết ca khúc chưa có trong danh mục cho phép của Cục NTBD. Giữ lại không được, bỏ cũng không xong. Vậy là phải chạy xin giấy phép phổ biến cấp tốc.

Đối với tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì việc phổ biến tác phẩm ở trong nước nhiêu khê, rắc rối là vậy nhưng trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này từ trước đến nay chưa có điều khoản nào điều chỉnh các đối tượng là người nước ngoài. Lạ thay!

Một số tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có những sáng tác rất tốt nhưng khi nghe đến quy trình phổ biến tác phẩm, họ đã ngao ngán và đành chấp nhận giới hạn phổ biến tác phẩm của mình, điều đó không những thiệt thòi cho nhạc sĩ mà còn thiệt thòi cả với công chúng.

Nhiều người cho rằng quy định này cũng nên bãi bỏ, chỉ cần các doanh nghiệp, nhạc sĩ thực hiện đúng các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này là được.

Điều khoản quy định nên bỏ

Khoản 3, điều 29 Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD. Hồ sơ gồm:

a) 1 đơn đề nghị cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (mẫu số 08);

b) 1 bản sao bản nhạc hoặc kịch bản sân khấu (có chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả);

c) 1 bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của tác giả (đối với cá nhân đề nghị cho phép phổ biến);

d) 1 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với tổ chức đề nghị cho phép phổ biến);

đ) 1 bản sao chứng thực văn bản nhận xét của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại (đối với cá nhân đề nghị phổ biến lần đầu);

e) 1 bản ghi âm có nội dung tác phẩm.

Theo Lệ Minh - Huy Nguyên (Nld.com.vn)

Nổi bật