Đó là quan điểm của nhà văn Chu Lai khi bình luận về việc Hội Nghệ nhân & Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen danh hiệu "giáo sư âm nhạc" cho "ông hoàng nhạc sến" - Ngọc Sơn.
Liên quan đến việc nam ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (thuộc Bộ Công thương) phong tặng danh hiệu "giáo sư âm nhạc", đại tá, nhà văn Chu Lai cho rằng, việc phong tặng danh hiệu trên hết sức hồn nhiên và tùy tiện.
Ông khẳng định, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đang "lạm phát" thuật ngữ và danh hiệu phong tặng. Điều này, dễ khiến việc phong tặng rơi vào vùng "chợ trời danh hiệu".
Bản thân nam ca sĩ Ngọc Sơn – người "may mắn" được hưởng danh hiệu đó cũng phải... "sững người". Song chính bản thân "ông hoàng nhạc sến" lại rất lấy làm hoan hỉ vì "danh hiệu cao quý" đó. Hai sự hoan hỉ gặp nhau tạo nên sự tối tăm, thúc vào nền văn hóa nghệ thuật sự hài hước, thậm chí gây ra bực tức, cáu kỉnh và phẫn nộ.
Nhà văn Chu Lai nói: Đã đến lúc giới chức trách phải căn chỉnh tất cả, nhìn nhận mọi việc một cách chín chắn hơn, thấu cảm hơn để thỏa đáng người được nhận, người phong tặng và khán giả.
Ca sĩ Ngọc Sơn nhận bằng khen "giáo sư âm nhạc" vấp phải sự phản đối của nhiều người trong giới phê bình nghệ thuật. Ảnh: FBNV |
"Một ca sĩ chỉ hát nhạc bolero, tai tiếng kha khá, chưa đứng trên bục giảng bao giờ, chưa có công trình nghiên cứu khoa học sáng láng lại ngẫu nhiên đứng giữa trời nói tôi là "giáo sư âm nhạc" quả thật không thể chấp nhận được.
Điều này khiến cho các nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư đầu ngành nghĩ rằng, hóa ra cả cuộc đời mình để tiến tới một đỉnh cao về trí tuệ lại trở thành trò cười thiên hạ" – tác giả của tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng bộc bạch.
"Đừng biến danh hiệu trở thành một món hàng"
Đối với Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vừa phong tặng danh hiệu cho Ngọc Sơn, nhà văn nhìn nhận, đơn vị này cần phải thấy việc làm của mình quá vô duyên và phi lý. "Người ta nói rằng, có những hội tồn tại trên đời này chỉ cần có chút vật chất "bơm" vào, thậm chí mua các danh hiệu bằng vật chất, nhưng đó là quan điểm thiếu hiểu biết.
Chả nhẽ trên đời này, một hầu bao lại có thể mua được khát vọng một đời người về trí tuệ. Tôi cho rằng, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam với sự "sắc phong" tùy tiện này có nên tồn tại nữa hay không?".
"Đơn vị chuyên môn về công thương, công nghiệp, kinh doanh, sản xuất lại có quyền phong danh hiệu "giáo sư âm nhạc" chẳng phải là đang biến danh hiệu, trí tuệ nghệ thuật thành mặt hàng kinh doanh trên thị trường sao.
Điều này không chỉ xúc phạm đến những giáo sư, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu âm nhạc mà còn xúc phạm đến những người có lương tri ở cuộc đời này." - Nhà văn Chu Lai gay gắt.
Nhà văn Chu Lai rất bất bình khi Ngọc Sơn nhận danh hiệu "giáo sư âm nhạc". Ảnh: Cường Ngô |
Theo quan điểm của nhà văn, với vụ việc trên, Bộ Công thương và Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cần phải nói lời xin lỗi.
"Những gì mình không có thì không bao giờ được nhận. Những gì mình không được phép phong thì không bao giờ được hạ bút phong. Đồng tiền là vĩ đại nhưng đồng tiền mà "réo" vào lòng người, làm thay đổi giá trị đạo đức và nền tảng tư duy thì không bao giờ chấp nhận được".
Theo C.Lê (Lao Động)