Nối tiếp sự thành công của 3 mùa trước, Shark Tank Việt Nam mùa 4 đang tiếp tục rục rịch chuẩn bị, ghi hình và sẽ phát sóng vào đầu tháng 5 này. Tuy nhiên ngay từ khi chưa lên sóng, chương trình đã gặp ồn ào.
Cụ thể anh Tăng Ngọc Hải Sơn, CEO kiêm đồng sáng lập Drobebox - một doanh nghiệp lọt vào đến vòng ghi hình của Shark Tank mùa 4 đã "tố" chương trình không tôn trọng startup, ekip gọi phần thuyết trình gọi vốn là "trò vớ vẩn".
Liên quan đến vụ việc ồn ào này, phía BTC Shark Tank cũng đã có những phát ngôn đính chính và giải thích ngay sau đó. Phản hồi về bài "tố" trên MXH, đại diện phía Shark Tank cho biết lý do lịch ghi hình của Drobebox bị hoãn là do anh Sơn "chuẩn bị chưa tốt", đồng thời khẳng định chia sẻ của startup này "mang tính chủ quan, ít tính xác thực".
Và cho tới hôm nay, bà Lê Hạnh - nhà sản xuất điều hành của Shark Tank Việt Nam kiêm CEO của TVHub, đơn vị sản xuất chương trình cũng đã lên tiếng bằng một bài viết khá dài về lùm xùm vừa qua trên trang cá nhân. Bài đăng được vị CEO này đặt title khá gay gắt: "Thuyết trình tại Shark Tank: Màn quảng cáo sản phẩm ngoạn mục của các startup hay là trò giải trí tầm thường?".
Cụ thể, theo CEO Lê Hạnh, mỗi startup khi đến với chương trình sẽ trải qua 3 vòng cơ bản. Trong đó bao gồm Vòng 1 - Gặp cá heo (Audition), tại vòng này các startup sẽ gặp gỡ ban giám khảo. Mỗi ngày, phía giám khảo sẽ chấm 25 - 30 startup nên thời gian dành cho các startup sẽ rất ngắn, chỉ khoảng 5 phút thuyết trình (thường bằng slide) và 10 phút hỏi đáp.
Tới Vòng 2, đây là vòng cần một chút may mắn. Lọt vào vòng này nghĩa là bạn đã nằm trong danh sách Top 100, tuy nhiên ban tổ chức cần xem xét hồ sơ tài chính, tiếp đó là cân nhắc các yếu tố ngành nghề, giới tính, độ tuổi, vùng miền để lựa chọn tiếp. Đặc biệt, vị đại diện đến từ Shark Tank này còn tiết lộ rằng các startup nữ thường được ưu tiên hơn. Lý do đơn giản vì, "Thương thuyết vốn khô khan mà có một bóng hồng thật là lợi hại phải không?".
Và vòng cuối cùng là Vòng 3 - Ghi hình hay còn gọi là vòng săn cá mập (Shark). Lời khuyên dành cho bạn là luôn luôn phải để số liệu tài chính nằm sẵn trong đầu. Tại vòng này, biên tập sẽ liên hệ với bạn để hỏi bạn về ý tưởng cho màn thuyết trình. Bởi lẽ vì là ghi hình nên bạn không thể chỉ thuyết trình bằng slide mà phải kết hợp hình ảnh, âm thanh, câu chuyện, trình diễn sản phẩm...
"Để khán giả không tắt TV vì màn thuyết trình buồn chán của bạn, bạn hãy chuẩn bị một ý tưởng thật tốt để trao đổi với phía chương trình. Trường hợp bạn không có ý tưởng gì thì bạn sẽ bị loại ngay nếu bạn tham gia Shark Tank Mỹ. Nhưng ở Việt Nam, khi nhận được những case khoai như vậy, team Shark Tank sẽ không bỏ cuộc ngay mà sẽ trao đổi với bạn, hỗ trợ bạn tìm ra ý tưởng để có một màn thuyết trình thật ấn tượng", bà Lê Hạnh viết.
Tất cả những việc làm trên chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất để thương hiệu, sản phẩm của bạn được nhận biết rộng rãi, câu chuyện của bạn chạm được đến trái tim khán giả, khách hàng tiềm năng của chính bạn:
"Việc giới thiệu sản phẩm hiệu quả trên sóng truyền hình thực sự là một thử thách gian nan của team Shark Tank cùng với Startup. Kết quả là phần lớn các màn giới thiệu sản phẩm thực sự là một cuộc lột xác so với slide pitch (thuyết trình bằng slide) tại vòng Audition".
Để chốt lại, CEO Lê Hạnh đưa ra quan điểm rằng sẽ không có nhà đầu tư nào muốn rót tiền cho 1 startup không biết quảng cáo một cách hay ho về sản phẩm của mình với công chúng. Dù không phải người hay lên tiếng trên MXH nhưng vì thấy áy náy cho nỗ lực của các cộng sự và nhiều người đang đồng hành cùng Shark Tank Việt Nam hỗ trợ startup Việt nên bà mới quyết định đưa ra chia sẻ này.
Ảnh: Tổng hợp
Theo M416 (Pháp Luật & Bạn Đọc)