Người trong cuộc nói gì về chương trình "đấu tố" MC Phan Anh?

30/05/2016 18:19:00

"Là người trong cuộc và ủng hộ luận điểm của MC Phan Anh, tôi cho rằng Phan Anh có lý khi đề cao quyền được nói, quyền được tự do biểu đạt của mỗi người".

"Là người trong cuộc và ủng hộ luận điểm của MC Phan Anh, tôi cho rằng Phan Anh có lý khi đề cao quyền được nói, quyền được tự do biểu đạt của mỗi người".
Na sơn, Nhiếp ảnh gia, MC Phan Anh, 60 phút mở, tạ bích loan, VTV

Na Sơn (ngoài cùng bên phải) và các khách mời trong chương trình 60 phút Mở. Ảnh: FBNV

'Đừng im lặng' và 'Share có ý thức'

Với hơn 30 triệu người Việt Nam dùng Facebook (FB), không thể phủ nhận một điều hiển nhiên là FB nói riêng và mạng xã hội nói chung trở thành một kênh thông tin, chia sẻ cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.

Năm 2009, hãng tin CNN đã thay câu slogan “Be the first to know” (Là người biết đầu tiên) của mình trước sự nhanh nhạy đáng kinh ngạc của mạng xã hội. Những công dân mạng chứ không phải là phóng viên hiện trường là những người đầu tiên có tin tức và ngay lập tức chia sẻ cho toàn thế giới. Cách đây ít lâu, khi vụ máy bay trực thăng rơi khi bay huấn luyện ở Hoà Lạc, việc đầu tiên của phóng viên đến hiện trường là hỏi những người nông dân xung quanh xem ai là người quay được clip, chụp được ảnh chiếc máy bay rơi.

Bên cạnh vô vàn tiện ích từ mạng xã hội thì cũng có vô số thứ phiền phức mà nó mang lại như một lẽ tất nhiên. Thông tin thất thiệt cũng gây hoang mang không nhỏ cho cư dân mạng.

Tôi cũng là người tham gia chương trình trò chuyện, tranh luận 60 phút mở vừa rồi trên VTV cùng với các đồng nghiệp, các khách mời về câu chuyện “Chúng ta chia sẻ trên Mạng XH để làm gì?”.

Tôi thích một chương trình kiểu như thế này, nơi mọi người tham gia được nói lên các ý kiến khác nhau, thậm chí tranh luận gay gắt vì qua đó người xem có thể rút ra được nhiều thứ. Rất tiếc là vì chương trình hơi ngắn, toàn bộ phần tranh luận của các bên trong vòng hơn 2 tiếng không thể xuất hiện hết trên truyền hình. Nếu tôi làm biên tập, tôi sẽ đưa thêm nhiều ý kiến để chương trình có sự cân bằng hơn. Chẳng hạn khi được “truy” về tính xác thực của cái clip cá chết của VTC, Phan Anh có một câu rất hay: “Tôi tin VTC chứ! Vì đấy là một nguồn tin chính thống, một đài truyền hình lâu đời của nhà nước.

Cũng giống như rất nhiều người đã tin vào cái phóng sự dùng chổi quét rau giả làm sâu trên VTV vậy”. Đây là một điểm khá thú vị. Cho đến nay chưa có kết luận chính thức là clip của VTC có ngụy tạo hay không. Nhưng kể cả trong trường hợp nó sai thì nó cũng như clip tạo dựng của phóng viên VTV khi làm về rau sâu kia, nó chính là sản phẩm của một cơ quan truyền thông chính thống và những người bình thường, như Phan Anh, như tôi hay như các bạn trẻ vẫn hàng ngày lên mạng không thể biết được.

Và chúng tôi, nếu có, chia sẻ thì cũng không phải là người có lỗi hay có động cơ, mục đích gì trong việc này. Cá chết vì ô nhiễm, rau hay thực phẩm bẩn là những mối lo sát sườn, tác động trực tiếp đến đời sống của mỗi người chúng ta, bất kể quan điểm chính trị, tôn giáo nào.

Tôi thực sự tâm đắc tư tưởng của Mansanobu Fukuoka trong cuốn “Cuộc cách mạng một cọng rơm” như thế này: Cây lúa mà được gieo trồng đúng cách, được khoẻ mạnh thì chả sợ gì cỏ dại cả. Tự chúng sẽ lấn át cỏ độc. Và không chỉ có nói mà cuộc đời làm nông nghiệp tự nhiên hơn 30 năm của ông cũng chứng minh cho điều đó. Thông tin hiện nay cũng vậy. Nếu thông tin tốt, minh bạch mà nhiều, mà đáng tin cậy thì tự khắc những thông tin thất thiệt, thông tin độc hại sẽ bị đẩy lùi. Nên để môi trường để thông tin cạnh tranh nhau và như thế người đọc sẽ có sự sàng lọc. Chúng ta không nên và không thể hạn chế thông tin trên mạng xã hội được.

Tuy nhiên, sự sàng lọc ấy cần đến từ mỗi cá nhân chúng ta, từ ý thức của chúng ta. Đứng trước mỗi thông tin từ bất cứ nguồn nào, thì theo kinh nghiệm bản thân, vẫn luôn cần một sự cẩn trọng nhất định để đánh giá nó cũng như kiểm tra chéo qua vài nguồn mà mình có thể tin cậy trước khi chúng ta bấm nút chia sẻ và nêu quan điểm trên mạng xã hội.

Trở lại câu chuyện 60 phút mở. Là người trong cuộc và ủng hộ luận điểm của MC Phan Anh, tôi cho rằng Phan Anh có lý khi đề cao quyền được nói, quyền được tự do biểu đạt của mỗi người, cũng là quyền được nêu đầu tiên trong Hiến pháp. Mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ vẫn quan tâm, chia sẻ các vấn đề của xã hội, về môi trường, về chính trị vẫn là điều đáng mừng hơn rất nhiều những mối quan tâm đến scandal showbiz, về đời tư người nổi tiếng, về quần áo… Đấy chính là động lực thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của xã hội.

Hãy “Đừng im lặng” và biết “Share có ý thức” - đây cũng chính là 2 hashtag của Phan Anh và tôi đặt cạnh nhau ở lúc kết chương trình 60 phút mở vừa qua.

 

Theo Na Sơn (VietNamNet)

Nổi bật